(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến với Thường Xuân trong những ngày đầu xuân, ngoài điểm đến nổi tiếng như đền Cửa Đạt, du lịch cộng đồng bản Mạ ở thôn Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân (trước là xã Xuân Cẩm) cũng là một điểm đến thu hút đông đảo du khách. Với khí hậu mát mẻ và trong lành, đến đây du khách không chỉ được khám phá cảnh quan thiên nhiên mà còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống và những nét văn hóa đặc sắc của vùng sơn cước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuân về bản Mạ

Đến với Thường Xuân trong những ngày đầu xuân, ngoài điểm đến nổi tiếng như đền Cửa Đạt, du lịch cộng đồng bản Mạ ở thôn Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân (trước là xã Xuân Cẩm) cũng là một điểm đến thu hút đông đảo du khách. Với khí hậu mát mẻ và trong lành, đến đây du khách không chỉ được khám phá cảnh quan thiên nhiên mà còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống và những nét văn hóa đặc sắc của vùng sơn cước.

Bản Mạ bình yên bên cạnh dòng sông Chu.

Điểm đến hấp dẫn

Bản Mạ cách trung tâm thị trấn Thường Xuân chừng 4 km đi về phía hồ thuỷ lợi - thủy điện Cửa Đạt, với gần 60 hộ dân, 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Điểm hấp dẫn của bản Mạ không chỉ là cảnh sắc nên thơ, yên bình, khí hậu mát mẻ mà người dân nơi đây còn lưu giữ được những mái nhà sàn, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn đẹp mắt, tạo nên khung cảnh bình yên, trữ tình. Hiện trong bản vẫn bảo tồn được trên 30 ngôi nhà sàn cổ, 7 hộ duy trì được nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm và đan lát. Đặc biệt, người dân nơi đây vẫn duy trì và phát huy được những hoạt động văn hoá đặc sắc của người Thái như: Hát khặp, múa sạp, cồng chiêng và khua luống.

Theo đó, đến với bản Mạ, du khách được trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Thái, được tham quan, tìm hiểu các phong tục tập quán qua những nếp nhà sàn cổ, được trải nghiệm trên khung cửi dệt vải, se tơ, trồng lúa, ngắm ruộng bậc thang... Ở đây du khách còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của người dân vùng sơn cước. Điều đặc biệt trong tất cả món ăn của người Thái ở bản Mạ đó là được chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Trong đó, gia vị để ướp là hạt mắc khẻn, ớt, tỏi, gừng... tạo ra nhiều món ăn ngon, đặc sắc như: cá nướng, gà nướng, thịt lợn cỏ nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc, rêu đồ, thịt trâu gác bếp, canh uôi... Điều đáng nói, những phương pháp chế biến món ăn cũng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm từ ngàn xưa để lại và được truyền từ đời này qua đời khác. Với không gian yên bình, khí hậu trong lành, mát mẻ cùng với nguồn ẩm thực đặc sắc, bản Mạ ngày càng trở thành điểm đến dành cho du khách đam mê khám phá, trải nghiệm.

Homestay tại bản Mạ thu hút đông đảo du khách.

Hứa hẹn khởi sắc

Sau 3 năm triển khai, thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân (giai đoạn 2016 - 2020), tính đến cuối năm 2019, bản Mạ đã có 14 gia đình đủ các điều kiện phục vụ khách du lịch. Bình quân mỗi năm bản đón từ 7 - 10 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhờ mô hình du lịch cộng đồng, người dân bản Mạ có thêm công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao.

Cũng trong năm 2019 vừa qua, tại bản Mạ lần đầu tiên diễn ra “Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, do huyện Thường Xuân tổ chức ở quy mô cấp huyện, gắn với hoạt động lễ hội Mừng cơm mới. Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao diễn ra hấp dẫn như: Lễ Mừng cơm mới; thi mâm cỗ mừng cơm mới của các thôn trong xã Xuân Cẩm; giải đua thuyền rồng (nam); bắn nỏ nam - nữ; kéo co nam - nữ; tung còn nam - nữ... cùng nhiều trò chơi, trò diễn dân gian khác. Đặc biệt, Lễ khai mạc với chủ đề “Thường Xuân mùa lúa mới” đã tái hiện một cách sinh động các hoạt động sinh hoạt lao động sản xuất của người dân địa phương. Thông qua đó, bản Mạ ngày càng được đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh và du khách thập phương quan tâm, biết đến.

“Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” huyện Thường Xuân được tổ chức đã góp phần phát triển du lịch bản Mạ.

Ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VH-TT huyện Thường Xuân cho biết: Bản Mạ là 1 trong 2 hai mô hình du lịch cộng đồng thí điểm trên địa bàn huyện. Trong quá trình triển khai, thực hiện mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song kết quả bước đầu cho thấy đây thực sự là hướng đi đúng trong việc khai thác tiềm năng, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức các giải pháp đồng bộ về quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch tại bản Mạ nói riêng, các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn huyện nói chung, huyện đã và đang tập trung bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây như: nhà sàn truyền thống, điệu khua luống, nhảy sạp, dệt thổ cẩm, các món ăn truyền thống của dân tộc Thái, dân tộc Mường... coi đây là những thế mạnh riêng có để từ đó đẩy mạnh tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Được biết, tháng 5/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định về định hướng phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, không gian du lịch cộng đồng tại huyện Thường Xuân được định hướng tổ chức trên cơ sở phát triển du lịch gắn với các “bản làng trong thung lũng”. Theo Đề án phát triển du lịch cộng đồng được phê duyệt, huyện Thường Xuân phấn đấu đến năm 2020 đón 10.000 lượt khách du lịch cộng đồng, trong đó có 500 lượt khách du lịch quốc tế và 9.500 lượt khách du lịch nội địa; đến năm 2025 nâng lên 20.000 lượt khách du lịch, với khoảng 2.000 lượt khách du lịch quốc tế và 18.000 lượt khách du lịch nội địa. Hy vọng, đây sẽ là cơ sở để du lịch cộng đồng bản Mạ nói riêng, du lịch huyện Thường Xuân nói chung có những bước phát triển mới trong những năm tiếp theo, tô thêm sắc màu cho bức tranh du lịch xứ Thanh trở nên rực rỡ.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]