Điện về thắp sáng bản nghèo
Từ ngày có điện lưới quốc gia, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân thôn Đuông Bai, xã Xuân Lẹ (Thường Xuân) có nhiều thay đổi. Có điện, các cháu nhỏ có điều kiện học hành tốt hơn, từ đó mở ra một tương lai với nhiều hứa hẹn, tươi sáng.
Trạm biến áp ở thôn Đuông Bai, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân.
Đuông Bai là một trong 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã Xuân Lẹ, cách trung tâm huyện 37 km, người dân chủ yếu là đồng bào Thái, chiếm trên 95%, cuộc sống quanh năm dựa vào lâm nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế còn nhiều khốn khó. Thôn hiện có 15 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo. Trước đây, cuộc sống bà con gặp nhiều bất lợi do hạ tầng giao thông (điện, đường, nhà văn hóa...) chưa được đầu tư đồng bộ. Hơn nữa, tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã về đến thôn chỉ là con đường đất, đá lởm chởm, sình lầy mỗi khi mưa đến. Thời điểm đó, với bà con ở thôn Đuông Bai cái gì cũng thiếu, cũng yếu vì thế mà không thể phát triển.
Theo chia sẻ của trưởng thôn Vi Văn Chung, khi chưa có lưới điện quốc gia, cả thôn có 41 hộ, trong đó 32 hộ dùng nhờ lưới điện của một tiểu đoàn thuộc Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn, 5 hộ sử dụng lưới điện tự kéo ở thôn khác sang, các hộ còn lại do quá nghèo phải dùng tua bin làm máy phát điện đặt ở các bờ khe, suối có nước chảy để tạo ra dòng điện thắp sáng. Do sử dụng nhiều nguồn lưới điện khác nhau nên dòng điện thường hay chập chờn rất bất tiện, một số hộ có điều kiện muốn mua ti vi, tủ lạnh về dùng nhưng sợ điện yếu dễ xảy ra cháy nổ nên cũng dè dặt, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bà con. Cuối tháng 10/2023, người dân trong thôn đón nguồn điện lưới quốc gia, ánh sáng về với những ngôi nhà của đồng bào như xua tan đi cái lạnh nơi rừng núi cao. Điện về, người dân được tiếp cận với nguồn thông tin rộng mở, tiếp thu các tiến bộ mới để nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày. Nhiều gia đình phấn khởi sắm đủ ti vi, máy lạnh, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất, trẻ con trong thôn học bài buổi tối đỡ vất vả hơn.
Từ ngày có điện lưới quốc gia, người dân thôn Đuông Bai có thể sử dụng ti vi mà không sợ điện chập chờn.
Cách đây khoảng 10 năm, gia đình chị Lữ Thị Thơm (dân tộc Thái, thôn Đuông Bai) giáo viên Trường Mầm non xã Xuân Lẹ cũng gặp nhiều khó khăn khi không có điện lưới. Để có điện sinh hoạt hàng ngày, gia đình phải sử dụng tua bin làm máy phát điện, mùa mưa còn đỡ, nhưng đến mùa khô, nước khe suối cạn kiệt lại phải chuyển sang thắp đèn dầu. Năm 2018, một đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn tạo điều kiện cho bà con dùng nhờ lưới điện, từ đó gia đình không còn lo lắng, khổ sở vì thiếu điện dùng nữa. Theo chị Thơm, vừa qua được sự quan tâm của Nhà nước, cả thôn được đóng điện lưới quốc gia, ai nấy vui mừng, phấn khởi, háo hức rủ nhau xuống phố huyện mua sắm nhiều đồ điện như: ti vi, nồi cơm điện, máy xay xát để sử dụng.
“Những năm trước, ở Đuông Bai, nhà nào có điều kiện thì sử dụng điện kéo nhờ, nhưng chất lượng không ổn định, những hộ khó khăn dùng đèn dầu, tua bin làm máy phát, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Có điện, đường giao thông thông suốt, bà con sẽ được hưởng lợi trong sinh hoạt, trình độ dân trí sẽ dần được nâng cao, từ đó tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần tạo động lực đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương”, ông Vi Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ, cho biết.
Trẻ em trong thôn được học tập trong môi trường ánh sáng tốt nhất.
Đồng chí Cầm Bá Lâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thường Xuân phấn khởi, cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, đến nay 124 thôn, bản trên địa bàn huyện, người dân được thụ hưởng lưới điện quốc gia. Đối với Đuông Bai, đây là một trong những thôn, bản đặc biệt khó khăn của xã Xuân Lẹ nói riêng và của huyện nói chung. Việc điện lưới quốc gia về với người dân trong thôn không chỉ thắp sáng bản làng, mà còn mang ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến với đồng bào nơi đây. Từ đó, từng bước hoàn thành tiêu chí điện NTM, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân...
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-01-20 08:32:00
Niềm vui cuối năm
Cuối năm đi chơi chợ phiên
Làng nghề Mật Sơn hối hả vào vụ
Tổ Công tác đặc biệt 282 và câu chuyện học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông
Một dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Quảng Phúc
Nỗ lực để công nhân có tết ấm
Hoằng Tiến chung sức xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu
Điện về vùng biên viễn
Mô hình hòa giải “Sống đẹp” thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm
Hoằng Quỳ nỗ lực “cán đích” xã nông thôn mới nâng cao