(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay nguồn điện lưới quốc gia đã cơ bản phủ sáng tại tất cả các thôn, bản khu phố vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Lát. Ðiện về đã mở ra trang mới, từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Điện về vùng biên viễn

Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay nguồn điện lưới quốc gia đã cơ bản phủ sáng tại tất cả các thôn, bản khu phố vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Lát. Ðiện về đã mở ra trang mới, từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Điện về vùng biên viễnHọc sinh ở bản vùng cao biên giới Pù Đứa, xã Quang Chiểu (Mường Lát) học bài dưới ánh sáng đèn điện.

Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu, chúng tôi vào bản Pù Đứa - bản có 100% đồng bào dân tộc Mông, nằm biệt lập cách xa trung tâm xã Quang Chiểu. Anh Lâu Văn Pó, trưởng bản Pù Đứa, cho biết: Bản có 73 hộ với 402 nhân khẩu; những năm trước đây, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã vận động bà con Nhân dân từ đỉnh núi Pù Ngố chuyển xuống bản Pù Đứa để sinh cơ, lập nghiệp. Bao năm qua, bản không có điện, đời sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn, gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Để có ánh sáng sinh hoạt, người dân dùng đèn pin, đèn dầu thắp sáng. Ở những nơi gần suối, bà con tận dụng nguồn nước để lắp máy tua bin phát điện nhưng nguồn điện yếu nên chỉ dùng để thắp sáng. Đây cũng chính là lý do khiến đời sống của bà con bao năm vẫn quanh quẩn với thiếu thốn, lạc hậu. Cuối năm 2022, được sự quan tâm của Nhà nước, huyện Mường Lát và Điện lực Mường Lát, bản Pù Đứa đã có điện lưới quốc gia.

“Từ khi bản Pù Đứa có điện lưới quốc gia, nhiều hộ dân trong bản mua sắm các trang thiết bị phục vụ cuộc sống, như: ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, mắc thêm nhiều bóng điện thắp sáng. Nhiều hộ dân đã sử dụng máy móc vào sản xuất, phát triển kinh tế, đời sống được cải thiện hơn rất nhiều" - anh Pó nói.

Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu Vi Văn Hiện cho chúng tôi biết thêm, trước đây khi xã chưa có điện lưới quốc gia, việc in ấn văn bản, gửi/nhận email rất khó khăn, muốn photo tài liệu cũng phải chạy về trung tâm huyện cách xa hơn 30 km. Ở xã có trang bị máy nổ, nhưng tốn kém nhiên liệu nên mỗi ngày chỉ nổ máy phát điện 1 - 2 giờ; ngay cả hệ thống truyền thanh cũng rất khó hoạt động khiến việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng rất khó khăn.

Bây giờ, vào các bản vùng sâu, vùng xa điện được thắp lên không chỉ là ánh sáng mà còn mang tới niềm tin, hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Có điện, bà con được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua việc nghe đài, xem tivi, điện thoại...; trẻ em được học bài dưới ánh đèn điện; bà con cũng nhanh chóng nắm bắt được các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, việc quản lý điều hành của chính quyền xã cũng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhờ đó, tình hình trật tự, an toàn xã hội ngày càng ổn định.

Ông Phạm Quang Đại, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Lát, cho biết: Những năm qua, nhờ những chính sách đầu tư của Nhà nước, của huyện, Điện lực Mường Lát đã nỗ lực đưa điện về với các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện. Hiện, toàn huyện đã có hơn 80 bản, khu phố có điện lưới quốc gia. Còn 4 bản chưa có điện, đó là Xa Lung, Trung Thắng (xã Mường Lý) và Ma Hác, Tung (xã Trung Lý). Đây là những bản đang triển khai xây dựng khu tái định cư; UBND huyện Mường Lát đã trình UBND tỉnh thẩm định dự án, dự kiến đến hết quý II năm 2024, khu tái định cư hoàn thành, Điện lực Mường Lát sẽ đóng điện lưới quốc gia.

Bài và ảnh: Ngọc Tiến



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]