Ðiều chưa kịp nói
Liễu gọi điện cho tôi: “Cái Lam về nước, nó muốn gặp mặt mấy đứa mình. Chiều chủ nhật này, nó nhờ tớ tìm một nhà hàng nào đó, nhưng tớ ít đi ăn uống, Huệ tìm một nhà hàng nào rồi báo tớ nhé. Chỉ có mấy đứa bọn mình thôi”. Nói mấy đứa bọn mình là tôi hiểu chỉ có tôi, Liễu, Hiên và Lam. “Có bốn đứa mà cũng phải quan trọng nhà hàng nhà họ làm gì, bặt thì tìm một cái quán nào đó yên tĩnh, vắng vẻ là được mà”. Đúng ra, nhóm chúng tôi thân nhau gồm có 5 đứa, nhưng Hạnh đã vào Sài Gòn sống và làm việc đã mấy chục năm nay, trụ lại ở quê nhà chỉ còn có ba chúng tôi, Lam thì định cư bên Đức cũng đã gần 40 năm. Lần nào về nước thăm gia đình nó cũng gọi chúng tôi để tụ tập. Tuy vậy, số lần chúng tôi gặp nhau đầy đủ cũng hiếm hoi, người bận việc này, kẻ mắc việc kia. Lần này về nước Lam báo sớm vậy, bây giờ mới là thứ ba. Chắc lần này chúng tôi sẽ gặp nhau đầy đủ.
Minh họa: BH
5 chúng tôi thân nhau là do ngồi cùng một bàn trong những năm học cấp ba. Đến năm cuối cấp thầy chủ nhiệm bắt tách để sắp xếp lại, không phải thầy tách là do chúng tôi hay nói chuyện mà để dàn đều lực học trong toàn lớp. Bởi cả 5 chúng tôi đều học giỏi, người nhỉnh hơn về môn Toán, người lại nhỉnh hơn ở môn Văn. Chúng tôi lại còn hay “bổ trợ” cho nhau trong khi làm bài kiểm tra, nên điểm thường chót vót so với toàn lớp. Hầu như điểm 9, 10 đều tập trung ở cái bàn 5 nữ hoa khôi ấy. Cả lớp gọi cái bàn có 5 chúng tôi là đất thánh.
Trước đó nhiều lần thầy đã muốn tách chúng tôi rồi. Nhưng tách chúng tôi đâu phải dễ. Chúng tôi cứ bướng bỉnh, nhất định không chịu rời nhau. Của đáng tội chúng tôi biết được điểm yếu của thầy là nể, thầy thì trẻ mà chúng tôi thì xinh. Trong đó cái Lam là xinh nhất, thầy rất có cảm tình với nó. Thế là thầy đành chịu thua. Cái Lam học khá đều các môn học, riêng môn tiếng Nga của thầy chủ nhiệm thì nó lại học rất giỏi. Chính vì thế thầy càng cưng nó. Lam cũng biết thầy chủ nhiệm thích nó, nên đến giờ thầy, nó hay làm đỏm, ngúng nguẩy, kêu mệt, thậm chí trêu thầy bằng những câu hỏi hóc búa, làm thầy nhiều khi đỏ mặt lúng túng. Bao giờ thầy cũng nhẹ nhàng trả lời nó, chứ không tức giận.
Thầy vẫn sống độc thân trong căn nhà tập thể của trường ngay sau dãy lớp học. Thỉnh thoảng cuối buổi học chúng tôi lại kéo vào nhà thầy chơi, chủ yếu là vào để nấu cho thầy bữa cơm, đứa nhặt rau, đứa nhóm bếp, nói cười ríu rít. Hôm đầu thầy còn ngại cứ giằng lấy không cho chúng tôi đụng tay, nhưng sau quen, thầy còn chờ chúng tôi xuống nấu hộ. Rau thì ngay vườn trường, các thầy cô chung nhau trồng, đến bữa, ai ăn bao nhiêu cứ việc ra hái, còn thức ăn, thầy gửi các cô đi chợ mua hộ. Bình thường nếu không có chúng tôi xuống nấu cơm dẻo canh ngọt thì thầy chỉ có nấu cơm rồi đem lọ muối lạc ra ăn với dưa chua xin bên nhà các cô trong khu tập thể là xong bữa.
Phải nói thầy khá đẹp trai, người dong dỏng cao, da trắng mịn như da con gái, thế mà không thấy thầy nói gì đến người yêu. Năm ấy, thầy khoảng 27, 28 tuổi thôi. Nhóm chúng tôi trong những buổi chiều học nhóm, cứ hay bàn chuyện về thầy, nhiều khi quên cả ôn bài.
Năm gần cuối cấp, lớp tôi có chuyến lao động dã ngoại, đi đắp đê ở một vùng thôn quê vào dịp hè. Cả 5 đứa chúng tôi lại xúm xít đòi ở với nhau, nhưng chả có nhà nào chứa nổi 5 đứa, vì không có cái giường nào cho cả 5 đứa ngủ chung. Thế là bọn tôi phải tách ra. Tôi và Hiên sang ở một nhà khác cách nhà chúng nó cũng không xa. Tôi yêu cây cỏ vườn tược nên hay la cà ngoài vườn giúp bác chủ nhà bắt sâu, nhổ cỏ, hái rau, còn Hiên lại mơ mộng với những đêm trăng sáng và hay kín đáo ra giếng nước soi gương.
Thầy ở cùng khu với đám con trai. Ai ở nhà nào thì được ăn cùng bữa cơm với nhà chủ. Hồi đó đi lao động công ích đâu có được ai tài trợ cơm nước gì đâu, tất cả đều nhờ người dân bản địa. Ban ngày chúng tôi tập trung lao động trên đê, ban tối, cơm nước xong thì cũng mệt rã rời nên chả ai nghĩ đến chuyện đi chơi, vả lại, bọn con gái chúng tôi hay sợ ma nên chẳng dám đi đâu. Thầy thì vẫn đi lại sau bữa cơm chiều để hỏi han chúng tôi về sinh hoạt ăn ở, nhưng cũng đâu dám ở lâu vì sợ gia chủ dị nghị. Tôi thường đi ngủ sớm để lấy sức mai đi lao động. Hiên ít ngủ, hay ra ngoài hiên ngồi đến khuya. Biết tính nó hay mơ mộng nên tôi cũng mặc kệ cho nó vơ vẩn cùng trăng. Một hôm tôi tỉnh ngủ giữa giấc quờ tay không thấy Hiên đâu. Tôi hốt hoảng, chả nhẽ cái Hiên cứ ngồi ngoài đêm đến tận bây giờ. Nhà chủ không có đồng hồ nhưng tôi đoán chắc đã khuya lắm rồi. Tôi mở cửa bước ra ngoài định giục Hiên vào đi ngủ nhưng không hề thấy Hiên đâu. Tôi định la toáng lên nhưng kịp kìm lại vì sợ nhà chủ thức giấc sẽ trách móc. Lúc này tôi không còn thấy sợ ma nữa mà lẳng lặng đi ra ngõ để tìm Hiên. Trăng hạ tuần rất sáng. Trời thanh tịnh. Tôi cứ thế bước đi trên con ngõ vắng vẻ chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả. Lạ, sao cái Hiên đi đâu giữa đêm hôm thế này được nhỉ, chả nhẽ nó lại đi ngắm trăng đêm. Tôi hơi bực mình nên quên cả sợ mà cứ thế bước đi trên con đường đất gồ ghề dẫn lên đê. Con đê ban ngày chúng tôi làm việc ồn ào náo nhiệt là thế mà ban đêm thanh vắng và êm đềm đến lạ. Bỗng tôi phát hiện từ xa có hai cái bóng trăng trắng thấp thoáng chuyển động ngay trên mặt đê. Không hiểu sao lúc ấy tôi bỗng dừng lại và cảm giác sợ ma ào lên, tôi quay đầu ù té chạy về nhà, lên giường nằm im thin thít. Một lúc sau thì Hiên về, nó lặng lẽ nằm cách xa tôi một khoảng nhưng tôi vẫn nhận ra mùi sương đêm ướt đầm trên người nó. Sáng mai, tỉnh dậy tôi hỏi: Mày đi đâu cả đêm qua, tao đi tìm mà không thấy. Nó thoáng giật mình: Mày đi tìm tao?, tôi gật, “nhưng tao thấy ma, sợ quá không dám đi nữa”, “ma ở đâu?”, “ở trên đê”. Nó nhìn lơ đãng rồi quay đi. Sáng mai lên đê làm việc, tôi xem xét định hình lại cái chỗ tôi nhìn thấy cái bóng trăng trắng hôm qua rồi kể cho bọn bạn nghe. Chúng nó cười ầm lên: “Đó là hai cái thùng vôi xếp cạnh nhau bà ơi, họ vừa mang đi rồi”. Tôi ớ người ra, ừ nhỉ, đúng là thần hồn nát thần tính, đó chỉ là hai cái thùng vôi người ta dùng để sáng nay trộn với cát kè đá chân đê, thế mà làm tôi phát hoảng.
Một hôm tôi bị đau bụng và phát hiện ra mình đến ngày kinh nguyệt nên báo với chị lớp trưởng kiêm bí thư chi đoàn lớp. Chị Thìn hơn chúng tôi vài tuổi nên chúng tôi bầu chị làm lớp trưởng. Chị còn có máu lãnh đạo vì tính chị nghiêm khắc, riết róng đến mức sắt đá. Tôi ôm bụng nhăn mặt đến báo với chị và xin nghỉ buổi làm, thế mà chị bắt tôi vào chỗ kín để chị kiểm tra vì chị không tin tôi, do tôi vốn yếu toàn trốn việc nặng. Tôi về nhà, lúc đó mới có hơn 7 giờ sáng, cả nhà chủ đã đi làm đồng, cơm nước cũng chưa cần nấu. Buồn quá chẳng có việc gì làm nên sực nhớ cái Hiên có mang theo quyển truyện “Đội cận vệ thanh niên” của nhà văn Liên Xô A. Phadeev. Lục túi nó ra, vừa lật trang sách thì một mẩu giấy bé bằng 3 đốt ngón tay rơi ra, một hàng chữ nghiêng nghiêng đều đặn viết theo kiểu bay bướm: Chúc cho những hoài bão của em sớm trở thành sự thật. Tôi mỉm cười nghĩ: Chà nàng này ghê thật, đã có một anh chàng nào để ý rồi chăng?. Trả lại vị trí cũ, định bụng Hiên về sẽ truy nó cho bằng được. Tối đó, tôi hỏi, Hiên bảo là của anh bạn hàng xóm tặng, tôi tin thế, chứ lớp tôi chả ai đáng mặt gọi chúng tôi bằng em.
5 ngày đi lao động cũng trôi qua vui vẻ, chúng tôi gấp rút bước vào năm học cuối cấp với cái đích là hai kỳ thi quyết định cuộc đời. Một hôm thầy gọi chúng tôi xuống nhà, không phải để nấu cơm mà để thầy đả thông một chuyện. Thầy bảo: Lớp mình sức học không đều, nên thầy muốn lập các nhóm học tập để bổ trợ lẫn nhau, nên thầy phân 5 em sẽ là trưởng của 5 nhóm học tập, nhóm cần hỗ trợ về Toán thì có Liễu, nhóm Văn có Hiên, nhóm tiếng Nga có Lam... và 5 nhóm sẽ ngồi theo từng khu vực trong lớp, có nghĩa là các em phải tách ra ngồi theo tổ cùng các bạn mà các em được phân công phụ trách, như thế lớp mình mới vực nhau cùng học tốt được.
Lần đầu tiên sau 3 năm học, chúng tôi đành ngồi tách rời nhau. Chị lớp trưởng có vẻ hả hê lắm. “Em nghĩ đáng lẽ lớp ta phải ngồi như thế từ lâu rồi mới phải thầy nhỉ”. Cùng với lời đề nghị hôm đó thầy cũng nói luôn rằng, từ nay hết giờ các em đừng xuống nhà thầy chơi và nấu cơm nữa mà tranh thủ về để còn ôn bài, kỳ thi tốt nghiệp sắp đến nơi rồi. Chúng tôi cũng hơi buồn, cảm giác như phải xa thầy ấy.
Tuy phải ngồi xa nhau không còn cơ hội ríu rít, nhưng khi ra về chúng tôi vẫn đợi nhau đi chung đường. Chỉ có cái Hiên thỉnh thoảng “tuột xích” bảo: Các cậu về trước đi tớ có việc cần bàn với nhóm học tập của tớ chút.
Hôm đó, đang trên đường về cái Lam bỗng khựng lại: “Thôi chết tớ quên không lấy mấy cái đề gợi ý thầy dặn đưa cho nhóm tớ để chiều nay ôn rồi”, thế là nó vội quay đầu ù té chạy về phía trường. Chúng tôi không chờ mà đi tiếp về nhà. Hôm sau đến lớp tự nhiên thấy mặt cái Lam khang khác, lạ lắm. Mọi khi mặt nó cứ tươi hơn hớn, thế mà bỗng dưng hôm nay lại xịu xuống, đôi mắt mòng mọng. Đến giờ của thầy, nó cúi mặt. Thầy gọi Lam lên để chữa một bài khó, nó đứng dậy nói ráo hoảnh: Thưa thầy em quên chưa làm bài tập ạ. Thầy không tỏ thái độ bất bình mà vẫn điềm đạm hỏi: Em mệt à?. Nhưng chị lớp trưởng đứng vụt dậy, mặt đỏ hằm hằm, chỉ tay: Em đề nghị thầy phạt cho điểm 0, còn điểm thái độ thì cho ra khỏi lớp ạ. Nhưng thầy phẩy tay cho qua và tiếp tục giảng bài mới. Rõ là thầy bênh cái Lam chằm chặp, một vài tiếng xì xào: học trò cưng mà lị, làm gì mà chả được.
Giờ ra chơi Lam dúi vào tay mỗi đứa một mảnh giấy nhỏ ghi: “Tý nữa ra về đến cây xà cừ cổng trường họp tý nhá”. Tôi lạ, tự nhiên lại họp trong khi chẳng có chuyện gì?. Nhưng đó là quy định rồi vì từ khi chúng tôi ngồi tách khỏi nhau, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thường gặp nhau vào cuối buổi học ở trước cổng trường để thông báo những việc quan trọng. Nhìn mặt cái Lam hình như có gì bức xúc lắm. Hiên định kiếu về trước có việc bận, nhưng Lam kiên quyết giữ lại. Té ra là hôm đó Lam quay lại nhà thầy để lấy tài liệu thì bắt gặp Hiên đang nấu cơm cho thầy. Lam chỉ nói: Thầy dặn là không được xuống nhà thầy nấu cơm rồi, sao Hiên vẫn đến và đến một mình không nói với ai trong nhóm. Đúng, vậy là nghĩa làm sao, chúng tôi cùng nhao nhao. Hiên cúi mặt như kẻ có tội, nó càng không trả lời thì chúng tôi càng hung lên tức giận. Cái Hạnh tức quá nói toẹt: “Hay mày có ý gì với thầy”. Cuối cùng Hiên cũng bật khóc rồi gật đầu: “Ừ tại vì tớ mến thầy”. “Mến hay là thích thầy”, “Cũng thinh thích”, “Thích lâu chưa”, “Cũng... lâu rồi”. “Thế thầy có thích mày không”. “Không biết, hình như cũng có”. Cái Hiên vẫn nói trong nước mắt. Chúng tôi càng điên tiết, đứa nào cũng như băm bổ vào mặt nó. “Mày nhầm rồi, làm sao thầy thích mày được, vì thầy đã thích cái Lam rồi cơ mà, sao mày lại chen vào, bạn bè mà thế à”. Cái Hiên chỉ còn nước gục đầu vào hai đầu gối khóc nức lên. Nghị quyết được đưa ra là từ nay cái Hiên không được bén mảng đến nhà thầy nữa và cũng không được thích thầy, vì thầy là của cái Lam rồi.
Từ hôm đó cứ đến giờ tiếng Nga, tôi để ý thấy cả hai đứa Lam và Hiên đều lảng tránh nhìn mặt thầy, chúng nó hoặc cúi gằm xuống trang sách hoặc nhìn đăm đăm lên chiếc bảng đen. Chỉ có tôi là hiểu hai cái bóng trắng trên triền đê và quyển tiểu thuyết có mảnh giấy rơi ra là ai. Tôi định bụng để bao giờ thi tốt nghiệp xong, ngày chia tay lưu bút tôi sẽ nói điều đó cho tụi bạn biết để Hiên và thầy đến với nhau, nhưng tôi chưa kịp thì đã phải liên hoan chia tay thầy lên đường đi bộ đội. Năm đó là dịp tổng động viên, tất cả học sinh, sinh viên và cả thầy giáo trẻ lên đường để thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam.
Thầy đi được gần một tháng, chúng tôi nhận được thư thầy gửi về cho lớp. Trong thư thầy kể về những chặng đường hành quân thần tốc để vào giải phóng Sài Gòn. Hy vọng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam sắp đến gần, thầy sẽ quay lại trường cũ dạy học và mong gặp lại các em ở ngưỡng cửa trường đại học. Sau này tôi được biết thầy đã ngã xuống ngay ngã ba Xuân Lộc trước cửa ngõ Sài Gòn, chỉ cách một ngày là miền Nam giải phóng.
Đã mấy chục năm trôi qua rồi nhưng điều bí mật vẫn như cái gai đâm vào lòng tôi. Thầy đã hy sinh, còn Hiên thì cuộc đời thật bất hạnh. Bây giờ nó đã trở thành nhà văn và đã ly hôn hai lần, hiện vẫn sống độc thân. Lam học trường ngoại ngữ rồi sau đó sang Đức sinh sống và lấy chồng. Một lần gặp Lam, tôi hỏi nó có thích thầy Tường không, nó bảo có thích nhưng không thấy thầy nói gì đành thôi. Chính điều đó đã làm tôi găm lại những lời cần nói. Lần này gặp nhau cả Hiên và Lam, tôi có nên nói ra cái điều bí mật kia không nhỉ.
Truyện ngắn của NGUYỄN CẨM HƯƠNG (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-22 14:24:00
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7: Vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
-
2024-11-22 11:41:00
Đọc “Xuân chính niệm” của Trần Tất Trừ
-
2024-09-27 09:05:00
Nhà văn Nguyễn Văn Đệ từ bút ký, truyện ngắn đến tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển”