(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ người trong cuộc đến người ngoài cuộc ai cũng hiểu luân chuyển, điều động là cánh cửa mới mở ra, và đồng thời là động lực phấn đấu. Song, trong công tác cán bộ, để hài lòng 100% là rất khó. Vì vậy, không ít những người chưa cảm thấy thoải mái và toại nguyện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Điều động, luân chuyển cán bộ: Dọc ngang nỗi niềm (Kì 1): Khám phá ngày mới trên vùng đất mới

Từ người trong cuộc đến người ngoài cuộc ai cũng hiểu luân chuyển, điều động là cánh cửa mới mở ra, và đồng thời là động lực phấn đấu. Song, trong công tác cán bộ, để hài lòng 100% là rất khó. Vì vậy, không ít những người chưa cảm thấy thoải mái và toại nguyện.

Tôi nhớ đến câu nói của ông Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Quảng Xương Nguyễn Tiến Thành: Công tác điều động cán bộ như một bài toán ma trận. Muốn chuyển một cái chén trong cả bộ trà thì những cái khác cũng phải xê dịch theo. Mà phàm con người, ai cũng nghĩ đến lợi ích của mình, ấy thế mới có chuyện người thì muốn ở, kẻ lại muốn đi.

Thực tế câu nói đó chỉ cho chúng ta mường tượng rằng sự thay đổi vị trí và không gian đã tác động đến đời sống và tư tưởng của những người được điều động. Theo Quy định số 98 ngày 7/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về luân chuyển cán bộ, một số tiêu chí đặt ra đó là: Luân chuyển cán bộ quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; Không điều động về Trung ương, về địa phương, hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu; Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch.

Trước đó, Nghị quyết số 11 ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và Nghị quyết số 04 ngày 12/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnhThanh Hóa khóa XVII về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020. Với yêu cầu đổi mới và xây dựng đội ngũ cán bộ, trong cả nước nói chung và ở Thanh Hóa nói riêng, từ cấp tỉnh, huyện và đến cấp xã thông qua công tác điều động luân chuyển cán bộ để bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương nhằm tạo nên không khí làm việc và sự chuyển biến mới trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng trì trệ, khép kín và tư tưởng cục bộ địa phương.

Đổi gió để thấy cái hay

Thường Xuân là một trong những huyện đi đầu trong việc thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ. Ngay từ năm 2004 huyện đã thực hiện mô hình bí thư, chủ tịch không phải người địa phương ở cấp huyện. Gần 10 năm sau thì mô hình này mới được áp dụng ở cấp xã, tức là tháng 4/2013, 47 cán bộ được điều động luân chuyển, trong đó 16 lượt là cán bộ huyện, 31 lượt cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương. Trong đó, 12 đồng chí là chủ tịch, phó bí thư; 4 đồng chí phó bí thư thường trực, còn lại là bí thư. Theo ông Nguyễn Đình Thành - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thường Xuân chia sẻ: Chả cần phải làm bài toán nào cả chúng ta cũng thấy thực tế rõ ràng rằng việc điều động luân chuyển là cần thiết và bức thiết. Đặc biệt, với cán bộ trẻ, việc “đổi gió” đã mang lại luồng sinh khí cho chính bản thân họ và địa phương.

Ông Mã Văn Hùng đã có gần 20 năm từ 1998 đến 2017 làm việc ở xã Hải Vân (Như Thanh) từ chức danh Bí thư Đoàn xã đến Phó Bí thư Đảng ủy xã và có 2 năm làm Bí thư xã. Là người địa phương lại gắn bó lâu dài tại xã nhà, ông quá thấu hiểu căn tính từng người, đương nhiên có nhiều thuận lợi, song cũng không thiếu những lúc khó xử trong công việc, nhất là với anh em họ hàng, rồi cả bà con xa nữa. Tháng 7/2017 ông về nhận công tác tại xã Xuân Khang và giữ chức Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ngoài khó khăn trong việc đi lại, từ xã Hải Vân lên Xuân Khang mất đoạn đường 11 km, từ trước tới nay thì ông ít khi đi lại, trừ lúc lên huyện họp hành, giờ ngày nào cũng quãng đường ấy, thậm chí có ngày 4 lượt đi, nhất là lúc mưa lúc nắng. “Ban đầu tôi cũng có những lúc thấy oải, chủ yếu vì chưa quen. Nhưng rồi rất nhanh sau đó, tôi nhận ra sự đổi gió mang nhiều điều thú vị”. Ông chia sẻ: "Đến Xuân Khang tôi không còn cảm giác vừa làm việc, vừa thăm dò. Tôi chỉ biết mỗi duy nhất điều là làm sao để thể hiện năng lực của mình ở một xã luôn bị đánh giá là không có được sự thống nhất cao trong nội bộ".

Sự cố gắng thể hiện của ông Mã Văn Hùng chính ở việc cầm tay, chỉ việc, đặc biệt là những việc mà ông biết hơn người khác. Ấy thế nên có nhiều đồng chí trong công sở xã phải công nhận gần một năm ông Hùng về đây, ông làm việc bằng 2 nhiệm kỳ của đồng chí khác. Kết quả thế nào còn cần phải thêm thời gian, nhưng rõ ràng rằng, với quy chế làm việc cụ thể, mỗi tuần vào thứ 2 và thứ 6, Ban Thường vụ (5 người) họp giao ban các đầu mối chủ chốt. Vừa phân công công việc, vừa gợi mở cách làm cho anh em. Thực tế thì ông đã lãnh đạo xây dựng thành công NTM ở Hải Vân, và nhiệm vụ của ông khi đến Xuân Khang là hoàn thành NTM của xã này vào năm 2019. Có quá nhiều vấn đề đặt ra vì Xuân Khang là xã có đồi núi và khe suối nhiều, lại thêm có 3 dân tộc thiểu số sinh sống. Song “chỉ cần sự quyết tâm, về vùng đất khó mà không ngại khó, tôi nghĩ là mình sẽ làm đúng và trúng sự kì vọng của cấp trên” - ông Mã Văn Hùng chia sẻ.

Ông Mã Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Khang đang trao đổi với tác giả. (Ảnh: T.T)

Cũng không khác ông Mã Văn Hùng, ông Lê Danh Diễn được điều động từ xã Hoàng Giang về làm Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành, huyện Nông Cống từ tháng 5/2017. Trên cương vị phó chủ tịch, ông Diễn đã tham mưu trong các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, hệ thống giao thông thủy lợi, cây trồng cho người dân, đặc biệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang vụ đông để né tránh mùa mưa vì khu vực thôn 7 là vùng luôn bị ngập lụt. Ông chia sẻ: Ở Hoàng Giang tôi làm việc 5 thì sang đây tôi phải làm việc 10, thậm chí còn hơn, vì tôi biết mình đang ở vùng chảo nóng. Nhận thức đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình, ông Diễn đã nỗ lực cố gắng và đúng 1 năm sau đó, tức vào tháng 5/2018, ông đã được bầu làm chủ tịch UBND xã. Hiểu và biết quá rõ, Trung Thành là xã luôn mất ổn định, lại thêm điều kiện kinh tế trung bình, nhân dân mang nặng tư tưởng thuần nông, chính vì thế ông Diễn chủ trương ổn định thì sẽ phát triển. Tính đến nay, ông mới chỉ làm chủ tịch được tròn 4 tháng, hành trình để khẳng định mình đang còn dài: "Tôi đang dần quen với cái khó và khó nhất lúc này là đưa Trung Thành về đích NTM vào năm 2019".

Biết ngày nào về?

Mỗi lần một cán bộ được điều động luân chuyển đồng nghĩa với họ được nhận rất nhiều lời chúc mừng đặc biệt là chúc mừng về những cơ hội thăng tiến tiếp theo. Song không nhiều người hiểu rằng đi cùng với thảm đỏ là những bông hồng có gai.

Theo quy định, nếu ở diện luân chuyển, cán bộ chỉ phải đi cơ sở có 36 tháng là được về. Còn với những cán bộ thuộc diện điều động, đi mà không biết ngày nào về.

Để công tác điều động, luân chuyển cán bộ trên địa bàn thực sự có hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Thanh đã tiến hành từng bước, thận trọng, không làm tràn lan, chạy theo số lượng. Từ năm 2015 đến hết tháng 6/2018, huyện Như Thanh đã điều động, luân chuyển được 52 lượt cán bộ ở cấp huyện và cấp xã; bổ nhiệm mới 44 đồng chí, bổ nhiệm lại 61 đồng chí... Theo ông Nguyễn Trung Thành - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: “Việc điều động được làm rất thận trọng. Có nghĩa là chúng tôi phải tính cả việc đưa người đi và đường quay về của họ”.

Khoan hãy nói về đường quay về, nhưng rõ ràng, ngay thực tế tại Như Thanh, một huyện có 16 xã, thị trấn, việc điều động khiến có những cán bộ phải chuyển công tác cách xa nhà tới 50km. Họ buộc phải mỗi cuối tuần mới về nhà. Trong khi đó, tính đến thời điểm này mới có 6 xã đang có kế hoạch xây nhà công vụ.

Thêm vào đó, việc điều động từ xã này sang xã khác diễn ra sau khi bầu cử HĐND, chính vì thế nhiều cán bộ có thể là chủ tịch HĐND nhưng không phải là đại biểu HĐND. Điều đó có nghĩa là họ mất quyền đại biểu, không được bỏ phiếu, đồng thời lại bị giảm 20% thu nhập cộng với 0.3 phụ cấp.

Niềm vui vừa mới bắt đầu thì những thiệt thòi cũng đồng hành xuất hiện đó là tốn kém xăng xe do đi lại xa xôi, là phải thuê nhà ở, trong khi chế độ bị giảm sút đi. Nhưng hơn hết là câu hỏi: Được đi rồi thì khi nào về được? mới chính là vấn đề mà các cán bộ được điều động quan tâm hơn cả.

Đó chính là trăn trở của rất nhiều cán bộ trong diện điều động đến xã khác nhận nhiệm vụ, trong đó có ông Lê Danh Diễn - Chủ tịch UBND xã Trung Thành (Nông Cống). Ông Diễn rất ủng hộ chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ, dẫu rằng: “Dù tôi đã cố gắng khắc phục những khó khăn, ra sức học hỏi, nghiên cứu tìm tòi và vận dụng tình hình nhưng tôi cũng nhận thấy những khó khăn. Đó chính là khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc xa xôi, gây tốn kém, đặc biệt ngoài giờ hành chính không có mặt ở địa phương nên không nghe ngóng được các thông tin, có những sự việc xảy ra không được giải quyết kịp thời, không thực sự sâu sát gần gũi để lắng nghe phản ánh, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Và một khó khăn đáng phải đề cập đó chính là nhận thức của một bộ phận cán bộ còn hạn chế trong việc tiếp nhận cán bộ nơi khác được điều động về địa phương làm việc. Tư tưởng cục bộ địa phương khiến một bộ phận chưa coi trọng cán bộ nơi khác đến, thiếu khách quan trong ủng hộ các quan điểm đúng, hay những công việc chung”. Nhưng điều ông lo lắng nhất không phải là sự thiệt thòi về thu nhập, mà chính là mong muốn: “Cần có quy định về thời hạn đối với cán bộ được điều động cũng như có những chính sách phù hợp để bảo vệ đội ngũ được điều động. Đơn giản, cá nhân ông bí thư hay ông chủ tịch người nơi khác đến thì không thể “xanh chín” với những người địa phương được”.

Và nếu trong trường hợp khi hết nhiệm kỳ, họ không được bầu vào HĐND, ở lại thì không được, còn đi đâu lại chưa được sắp xếp nguồn. Đấy là câu chuyện đã từng diễn ra với nhiều cán bộ ở một số xã trong tỉnh Thanh Hóa.

Tuy vậy, tính đến thời điểm này, hầu hết cán bộ đều rất hài lòng và nhận thức rõ ưu điểm trong công tác điều động cán bộ đó là tránh được sự nể nang trong giải quyết công việc từ anh em, dòng họ, thân quen; luôn phải rèn luyện bản thân cả về trình độ và năng lực công tác, lề lối tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học để nhanh chóng tiếp cận với tình hình và giải quyết được các tình huống nơi công tác; Tránh được sự nhàm chán về vị trí và môi trường làm việc, kích thích được tính sáng tạo, đổi mới làm cho công việc trở nên hiệu quả hơn.

Công tác cán bộ luôn là việc khó, đã là con người, là đồng chí với nhau, có lúc tốt, lúc chưa tốt, việc này làm được việc kia chưa ổn. Chính vì thế, nói như đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng: Trong tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Những năm gần đây, việc điều động, luân chuyển cán bộ là một trong hai khâu đột phá của công tác cán bộ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định và thực hiện thường xuyên, tạo chuyển biến mới trong thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị, được quần chúng nhân dân đánh giá tích cực. Nhiều cán bộ được luân chuyển, điều động đã nỗ lực rèn luyện bản thân trong môi trường và cương vị công tác mới, có bước trưởng thành.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]