(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”. Sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam không chỉ hiển hiện trong những thời khắc quan trọng cả dân tộc chung sức đồng lòng chống ngoại xâm; mà còn ở ngay trong hòa bình, trong XDNTM, trong đùm bọc, sẻ chia giúp nhau thoát nghèo...

Đoàn kết để hiện thực hóa “Khát vọng xứ Thanh”

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”. Sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam không chỉ hiển hiện trong những thời khắc quan trọng cả dân tộc chung sức đồng lòng chống ngoại xâm; mà còn ở ngay trong hòa bình, trong XDNTM, trong đùm bọc, sẻ chia giúp nhau thoát nghèo...

Đoàn kết để hiện thực hóa “Khát vọng xứ Thanh”Người dân Triệu Sơn đoàn kết, hăng hái hiến đất mở đường.

Ngày 6/9/1967, trong thư gửi đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng đồng bào, chiến sĩ và cán bộ miền Nam, Bác Hồ đã viết: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta. Bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận là ngọn cờ đại đoàn kết toàn thể Nhân dân miền Nam để cùng nhau chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa”.

Tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh vô địch, để Nhân dân hai miền Nam - Bắc cùng nhau vượt mọi gian khó, chống kẻ thù xâm lược. Để rồi, đại thắng mùa xuân năm 1975 đã một lần nữa khẳng định chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam sẵn sàng đoàn kết để chiến thắng mọi kẻ thù.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Tự thuở các Vua Hùng dựng nước, dân tộc Việt đã phải đối mặt với dã tâm xâm lược của bao kẻ thù. Đến các triều đại phong kiến về sau, sự nhòm ngó, xâm chiếm của phương Bắc, gần đây hơn là những đế quốc, thực dân sừng sỏ phương Tây đã khiến bao máu xương của cha ông ta đổ xuống để bảo vệ non sông gấm vóc.

Nhìn lại những thắng lợi trong chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, chúng ta đều thấy, xuyên suốt luôn là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết. Và ngược lại, những “bài học” mất nước, chẳng phải cũng là bởi do lòng người li tán, đánh mất đi sự đoàn kết đó thôi.

Thế kỷ XIII, Đế chế Nguyên Mông hùng mạnh với tham vọng bành trướng đã khiến nhiều quốc gia từ Âu sang Á bị xóa sổ, trong đó ngay cả nhà Tống hùng mạnh ở phương Bắc cũng không tránh khỏi họa diệt vong. Vậy nhưng, quốc gia Đại Việt ở phương Nam, dưới sự lãnh đạo của vua quan nhà Trần với “Hào khí Đông A” đã cùng với Nhân dân Đại Việt ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Chiến thắng đó, đến hôm nay vẫn là dấu son chói sáng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Vậy nhưng, cũng chính nhà Trần, vào cuối thế kỷ XIV đã tự đánh mất vương triều vào tay họ Hồ. Việc Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần không được văn võ bá quan, người dân ủng hộ. Lợi dụng sự chia rẽ ấy, nhà Minh đã đưa quân sang xâm chiếm nước ta. Hơn 20 năm thuộc Minh là những uất hận, đau đớn, mất mát của cả dân tộc. Nhưng rồi cũng chính trong nghịch cảnh ấy, Bình Định vương Lê Lợi nơi đất Lam Sơn xứ Thanh, với tấm lòng rộng mở, thu phục nhân tâm đã “hiệu triệu” tạo nên sức mạnh đoàn kết, quét sạch bóng giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước Việt.

Nhìn lại lịch sử dân tộc, để thấy rằng, thời đại nào cũng thế, chỉ khi có tinh thần đoàn kết, mới tạo nên sức mạnh vô song chiến thắng mọi kẻ thù và cả “chinh phục” những mục tiêu lớn.

Tại Thanh Hóa, nhiều năm trước, câu chuyện “an cư lạc nghiệp” cho đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông vẫn là vấn đề nhiều trăn trở của các cấp ủy, chính quyền. Vậy nhưng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các cấp, nhiệt tình ủng hộ của Nhân dân toàn tỉnh, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống trong 2 năm qua đã đạt được kết quả ngoạn mục.

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà khang trang cho đồng bào công giáo nghèo đã và đang được hoàn thiện, thỏa ước mong được “lên bờ” của bao thế hệ người dân chài nghèo. Những ngôi nhà được xây lên từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở và chung tay đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp được gọi tên “ý Đảng - lòng Dân”. Thiết nghĩ, tên gọi ấy vừa gần gũi mà cũng thật đầy đủ ý nghĩa. Khi “ý Đảng - lòng dân” đã thuận, cùng nhìn về một phía, cùng hướng đến mục tiêu, thì những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ, vượt qua.

Trong những ngôi nhà mới được xây lên từ “ý Đảng - lòng Dân” ấy, rồi đây sẽ là cuộc sống mới, tương lai mới được “mở” ra với hàng trăm hộ gia đình, hàng nghìn con người. An cư rồi, người dân sẽ tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương phát triển giàu mạnh...

Nếu ghé thăm huyện Triệu Sơn những ngày này, ta sẽ thấy một diện mạo nông thôn đang từng ngày đổi thay. Trong đó, rõ nhất chính là hệ thống đường giao thông từ đường lớn đến ngõ nhỏ được mở rộng, phong quang. Những con đường nhỏ được người dân đồng tình hiến đất để mở rộng. Phong trào hiến đất không chỉ diễn ra ở một thôn, làng, mà ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn huyện.

Đoàn kết để hiện thực hóa “Khát vọng xứ Thanh”Những ngôi nhà “ý Đảng - lòng Dân” ở Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) được xây dựng khang trang đã hiện thực hóa khát vọng lên bờ của đồng bào công giáo nghèo sinh sống trên sông.

Trong phong trào hiến đất mở đường trên địa bàn thị trấn huyện Triệu Sơn, gia đình bà Lê Thị Thảnh 75 tuổi, phố Bà Triệu đã tự nguyện lùi vào hơn 1m chiều sâu (tổng chiều ngang mặt đường 35m) để đường được mở rộng. Bà Thảnh cho biết: "Gia đình tôi chịu thiệt một chút, lùi vào để đường lớn được mở rộng, giao thông xe cộ lưu thông dễ dàng và bản thân gia đình, con cháu chúng tôi cũng được hưởng lợi. Vẫn biết “tấc đất tấc vàng”, nhưng nếu ai cũng chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân thì khi nào đường mới thênh thang. Giao thông không thuận lợi, muốn làm gì cũng khó. Vì thế, khi được vận động hiến đất mở đường, gia đình tôi đồng ý ngay". Vừa nói, bà Lê Thị Thảnh vừa chỉ tay ra con đường lớn trước mặt nhà mình với sự vui vẻ.

Bà Thảnh chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Triệu Sơn những năm qua đã tham gia tự nguyện hiến đất mở đường, góp phần vào thành quả XDNTM của huyện Triệu Sơn.

Nghĩ về tinh thần đoàn kết, tôi bất chợt nghĩ đến “câu chuyện bó đũa” mà chắc hẳn mỗi người chúng ta đều ít nhiều đã đọc, đã nghe một lần. Đó là câu chuyện của một gia đình, khi người cha dạy các con phải đoàn kết, yêu thương nhau. Bởi chỉ khi đoàn kết, thì mới tạo nên sức mạnh như bó đũa kia, không thể bẻ gãy. Nhưng nếu không đoàn kết, mỗi người chỉ vì cái lợi bản thân mà quên đi lợi ích của gia đình, thì sẽ giống như những chiếc đũa - lần lượt bị bẻ gãy. Từ câu chuyện bó đũa của một gia đình, suy rộng ra là cả cộng đồng, xã hội.

Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trong bài phát biểu chỉ đạo, đã khẳng định: “Ước mơ Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững, tỉnh “kiểu mẫu” luôn luôn là khát vọng xuyên thế kỷ. Đó không chỉ là quyết tâm chính trị của các thế hệ lãnh đạo mà là mong ước của mọi người dân xứ Thanh trong tỉnh và hàng triệu người dân xứ Thanh ở trên khắp mọi miền của Tổ quốc và ở nước ngoài đang chung nhau một hành trình đồng tâm nhất, thiết tha, đẹp đẽ và bất biến nhất, hành trình đó mang tên “Khát vọng xứ Thanh”.

Và để “Khát vọng xứ Thanh” được hiện thực hóa, dĩ nhiên không thể thiếu đi tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh với “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]