(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã thành thông lệ, cứ vào dịp mùng 10 tháng giêng âm lịch, một số thôn tại xã Hợp Thành (Triệu Sơn) con cháu lại cùng nhau hội tụ, tất bật gói bánh chưng, làm mâm cỗ cúng để ăn Tết lại. Đây là tục lệ có từ lâu đời của người dân, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, một năm mùa màng, bội thu, đồng thời tưởng nhớ công ơn của ông cha.

Độc đáo tục ăn Tết lại ở Hợp Thành

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp mùng 10 tháng giêng âm lịch, một số thôn tại xã Hợp Thành (Triệu Sơn) con cháu lại cùng nhau hội tụ, tất bật gói bánh chưng, làm mâm cỗ cúng để ăn Tết lại. Đây là tục lệ có từ lâu đời của người dân, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, một năm mùa màng, bội thu, đồng thời tưởng nhớ công ơn của ông cha.

Độc đáo tục ăn Tết lại ở Hợp ThànhCứ vào dịp mùng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, gia đình ông Hà Thọ Định, thôn Diễn Ngoại, xã Hợp Thành lại cùng con cháu chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, cùng nhau quây quần ăn Tết lại.

Chúng tôi tìm về xã Hợp Thành trong những ngày đầu xuân của năm mới Giáp Thìn 2024 để tìm hiểu tục ăn Tết lại – một nét đẹp văn hóa truyền thống có từ xa xưa, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác của người dân nơi đây. Mặc dù Tết Nguyên đán vừa qua chưa lâu, tuy nhiên không khí vui tươi, nhộn nhịp, tiếng nhạc xập xình, náo nhiệt khắp xóm làng. Một số thôn như: Diễn Ngoại, Diễn Thành, Diễn Đông... các hộ gia đình lại rục rịch chuẩn bị nguyên liệu để làm mâm cơm cúng gia tiên, gói bánh chưng, thậm chí mổ lợn... ăn Tết lại. Tùy theo từng thôn, điều kiện kinh tế gia đình mà tổ chức ngày ăn Tết lại khác nhau. Mặc dù không kéo dài, nhưng trong ngày này, người dân tổ chức ăn uống linh đình không kém gì ngày mùng một Tết cổ truyền. Theo các cao niên trong xã, không biết tục ăn Tết lại ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia khi Tết Nguyên đán cận kề thì nhà vua phát lệnh khởi nghĩa để chống giặc ngoại xâm. Lúc này, Nhân dân đã không ăn tết mà đồng lòng đánh giặc ra khỏi bờ cõi. Chiến thắng trở về, vua mới tổ chức ăn Tết lại, mừng chiến thắng. Cũng từ đó tục lệ này duy trì cho đến ngày nay, đồng thời trở thành tập quán có những nét rất riêng tại đây.

Để chuẩn bị cho lễ ăn Tết lại, gia đình ông Hà Thọ Định (79 tuổi, thôn Diễn Ngoại) đã cùng con cháu gói bánh chưng, tất bật chuẩn bị xôi, gà, giò, chả, rượu, hoa quả... cúng tổ tiên. Ông Thọ cho biết: Khi tôi sinh ra và lớn lên đã có tục lệ này, đây không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên mà còn là dịp để con cháu, những người xa quê hương không kịp về đón Tết Nguyên đán có điều kiện gặp gỡ, sum họp, chia sẻ câu chuyện đầu xuân cùng gia đình, họ hàng, bạn bè... Trước kia, người dân mang đồ lễ ra đình làng (đình Sim) để cúng. Những năm gần đây, đình làng xuống cấp nên phần hội (cờ người, trò chơi dân gian...) cũng không còn tổ chức. Hiện nay, tập tục này được thực hiện ngay tại nhà.

Độc đáo tục ăn Tết lại ở Hợp ThànhMột góc thôn Diễn Ngoại dịp tết.

Theo chia sẻ của ông Hà Văn Ngọc (79 tuổi, thôn Diễn Ngoại): Vài năm trở lại đây, tục ăn Tết lại nơi đây đang có sự mai một, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn còn giữ nếp xưa của ông bà tổ tiên, cùng con cháu duy trì phong tục. Vậy nên, con cháu trong thôn dù đang làm ăn, sinh sống ở đâu cũng luôn nhớ về nguồn cội, quê hương, cố gắng thu xếp công việc, tập trung đông đủ để đoàn viên với gia đình, người thân. Tục ăn Tết lại đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng, bản sắc độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, góp phần tô thắm vẻ đẹp văn hóa của đất và người trong vùng, để cùng nhau xây dựng quê hương giàu mạnh.

“Thôn Diễn Đông có 245 hộ với trên 930 nhân khẩu, cứ vào ngày mùng 7, 8 tháng giêng hằng năm, tại các khu chợ trong xã, tấp nập người mua, kẻ bán, ngoài rau, thịt, trứng, các mặt hàng lá dong, hoa... trở nên đắt hàng. Ngày Tết lại, hầu như nhà nào cũng gói bánh chưng, gói giò, thịt gà, bày hoa quả cúng gia tiên, sau đó cùng con cháu thụ lộc. Khách nào đến chơi, chúc tết đều được giữ lại mời cơm, hàn huyên”, ông Hà Thọ Phú, Trưởng thôn Diễn Đông chia sẻ.

Ông Hà Minh Tài, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành khẳng định: Tục ăn Tết lại ở địa phương có từ rất lâu đời, một số thôn như: Diễn Ngoại, Diễn Thành, Diễn Đông, cứ vào mùng 10 tháng giêng âm lịch hằng năm, bà con thường làm mâm cơm cúng gia tiên. Cùng với việc duy trì phong tục, tập quán của người dân bản xứ, địa phương cũng đang lên kế hoạch trùng tu, xây dựng lại một số công trình đình làng, trong đó có đình Sim để phục vụ nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của người dân trong thôn Diễn Thành nói riêng, của xã Hợp Thành nói chung.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]