(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong một lần ngồi trò chuyện với nhà văn Nguyễn Văn Đệ, ông có khẳng định với tôi, viết cho thật hay thì thể loại nào cũng cần phải “Nhức nhối trí tuệ”. Bởi, nếu thể loại ký cần phải lặn lội, đi sâu vào thực tế đời sống xã hội đầy biến động, phức tạp để có những đánh giá, nhìn nhận sắc sảo, thì với tiểu thuyết, để đạt được khả năng hư cấu, nhà văn phải sống đủ, sống lâu, nhiều trải nghiệm để chắt lọc chi tiết, tạo xung đột... Và đọc “Tâm cơn bão biển” (NXB Văn học, 2023) tôi càng thấm sự nhức nhối trong từng trang văn.

Đọc tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển”: Nhức nhối trí tuệ

Trong một lần ngồi trò chuyện với nhà văn Nguyễn Văn Đệ, ông có khẳng định với tôi, viết cho thật hay thì thể loại nào cũng cần phải “Nhức nhối trí tuệ”. Bởi, nếu thể loại ký cần phải lặn lội, đi sâu vào thực tế đời sống xã hội đầy biến động, phức tạp để có những đánh giá, nhìn nhận sắc sảo, thì với tiểu thuyết, để đạt được khả năng hư cấu, nhà văn phải sống đủ, sống lâu, nhiều trải nghiệm để chắt lọc chi tiết, tạo xung đột... Và đọc “Tâm cơn bão biển” (NXB Văn học, 2023) tôi càng thấm sự nhức nhối trong từng trang văn.

Đọc tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển”: Nhức nhối trí tuệ

Ở xứ Thanh này, nhà văn Nguyễn Văn Đệ là người đeo đuổi nhiều nhất với đề tài biển cả. Một phần bởi ông sinh ra ở vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc), nhưng hơn hết là ông sống chết, thấp thỏm và đau đáu với những con người sinh ra ở biển, gắn liền với biển. Trong số những tác phẩm ông viết: Vàng dưới biển xanh (tập truyện ký, 1990); Mắt biển xanh (tập truyện ký, 2003); Hồn biển (tiểu thuyết, 2008); Tiếng biển (2015); Nỗi niềm (2019) và Tâm cơn bão biển (2023), chỉ cần nhìn tiêu đề, người đọc cũng nhận thấy sự gắn bó tâm huyết của ông với đề tài này.

Những ai đã theo dõi, yêu mến trang văn của Nguyễn Văn Đệ hẳn sẽ không ngạc nhiên khi ông tiếp tục dấn thân vào đề tài này. Có thể không mới nhưng vẫn đầy hấp dẫn. Hấp dẫn vì sự nhức nhối. Từ khá nhiều chi tiết trong bút ký “Một chuyến đi biển” (giải A, Báo Văn nghệ, 1997), nhà văn Nguyễn Văn Đệ đã hư cấu thêm để dành đất cho tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển”. Đó là câu chuyện của bà con ngư dân xã Ngư Lộc, Hậu Lộc gặp bão bị chìm ngoài khơi, sau cơn bão mấy ngày, xác ngư dân tử nạn trôi dạt vào bờ dồn đống ở mép nước. Bà con rất khó tìm được người thân, vì sóng biển và cá nóc rỉa rói, biến dạng.

Tại sao lại là “Tâm cơn bão biển”? Không còn là câu chuyện của Ngư Lộc, đó có thể là của bất kỳ một làng biển nào, trong đó có không gian làng Đa Ngư mà nhà văn Nguyễn Văn Đệ tạo dựng. Mở đầu bằng hình ảnh cơn bão biển đột ngột vừa đi qua, “mưa quét mây”, bầu trời trở nên thoáng đãng và trong veo. Nhân vật chính trong tiểu thuyết, ông Ngư “ngồi lặng, mắt nhìn về phía biển khơi, nơi mặt biển như một tấm satin dài rộng bất tận tím thẫm được thêu dệt những sợi kim tuyến”. Đối nghịch với suy tư, với đôi mắt nhìn về phía biển khơi, cái dứ dứ nắm đấm tay để chọc tức biển, thì biển vẫn dào dạt sóng vỗ hồn nhiên, từng cơn sóng “trườn vào bờ, ngã sóng soài ra bãi cát, tung lên những bọt trắng xóa như trêu ghẹo, thách thức ông”.

Ở đó là những con người “khuôn mặt vuông, da ngăm đen, cặp lông mày rậm, mắt hơi sâu” của ông Ngư, tay lái thuyền cự phách làng Đa Ngư. Là ông Nghê, “một kẻ khác người thường”, to khỏe như vâm. Là những chị phụ nữ đã từng đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, lỡ dở tuổi thanh xuân, không lấy được chồng tụ nhau ở xóm Chờ.

Đó là cuộc sống của những sinh vật biển. Những con hải âu chấp chới chao mình trên mặt biển; hai con cá heo xám lừng lững bơi; những con cá mòi bị kích động lao lên mặt sóng như có loạt mưa đá bất chợt phun ngược lên từ mặt biển...

Cảnh biển, sinh vật biển và con người sẽ đẹp, thanh bình biết bao nếu trời yên biển lặng. Nhưng cũng như cuộc đời, có quá nhiều “cơn bão” ập đến, ám ảnh và sợ hãi. Không chỉ có cơn bão của những quyết sách ấu trĩ của một giai đoạn lịch sử. Một thời kỳ “Mỗi người làm việc bằng ba, để cho chủ nhiệm xây nhà sắm xe”, rồi hội chứng người dân bỏ HTX ra ngoài làm ăn. Quan điểm làm cá thể là chống phá đường lối CNXH, từ dân quân xã, công an xã và các hộ xã viên đã kéo lên bờ tất cả tàu thuyền của dân. “Tàu thuyền cá thể vừa đi khơi về bị kéo lên bờ cát. Chỉ năm ba ngày gặp nắng hanh, lập tức rạn vỡ. Rồi nhiều con thuyền lớn vừa đóng xong, vừa hạ thủy khai trương đã bị đội dân quân thực hiện lệnh huyện, lệnh xã kéo lên bờ để vỡ nát”. “Cơn bão” quyết sách ấy khiến một ai đó bất hạnh, thất bại. Nhưng để cả cái làng Đa Ngư mất đi tới vài chục đàn ông vạm vỡ, khỏe mạnh, chỉ có thể là bão biển.

Khi con người tận diệt sinh vật biển vô độ, thì biển cũng đòi trả giá. Cuộc vây bắt tía cá mòi hấp dẫn như một câu chuyện hình sự. Ở đó có nhiều kế sách, chiến lược, chiến thuật nhưng tình thế khẩn cấp, gay cấn và đỉnh điểm là cuộc “tháo bão”. Khi ấy, “những con sóng như những con trăn khổng lồ và hùng hổ nhe nanh, nhe vuốt chồm lên (...). Nước biển tràn vào sạp tàu, sóng phủ qua đầu mọi người”. Trong khung cảnh cận kề cái sống cái chết, chìm nghỉm giữa không gian mênh mông của biển, con người chỉ chờ đợi may mắn như chiếc phao cứu sinh mang lại phép màu sự sống. Đó là cảm giác của ông Ngư khi “nhìn thấy cái phao của người cầm lái con tàu nhỏ phóng về phía mình, cái phao luồng nổi bềnh trước mặt". Cảm giác được sống khiến ông “mừng rơn, mắt ông rưng rưng chảy ra, ông khóc".

Trong cái khoảnh khắc sinh tử ấy, không chỉ người cứu giúp người mà các sinh vật biển cũng giương vây để cứu người. Đoạn văn miêu tả cảnh ông Ngư giang hai tay ôm lưng con cá heo, cố ghì cho thật chặt, rưng rưng cảm động và cứ nằm yên trên lưng con cá heo để nó dìu ông trên sóng, thật sự cảm động. Và còn cảm động hơn khi chính những con cá heo húc cái mõm trần trụi của nó vần xoay những xác người trôi vật vờ trong lòng biển dúi vào miệng giã. Con người đã có lúc tận diệt các sinh vật biển, “không những chặn bắt cá con vừa sinh nở mà còn chặn bắt cả những buồng trứng cá vừa dộ ra khỏi bụng cá mẹ để làm món nhắm và làm mắm”, mà không hề nghĩ tới lúc có hiểm nguy sóng gió biển khơi, chính những con vật mình đã từng tổ chức vây bắt, giăng lưới lại sống chết cứu mình.

Khi được mùa biển, bắt được cả tía cá nằm gọn trong vàng lưới, người ta vui mừng, sẵn sàng cởi tấm áo ướt đẫm mồ hôi ra “treo lên một cây sào dựng ngay đầu mũi tàu” làm một lá cờ kiêu hãnh trước gió. Khi biến cố đến với dân làng biển, tiếng khóc réo rắt xen lẫn tiếng sóng vỗ ầm ã. Đó là những chị Nhị, chị Thúy, chị Thuần... hớt hơ hớt hải chạy khắp bãi biển len đến giữa đám đông trong nước mắt ròng ròng lật đi lật lại từng cái xác, lật từng mặt người bị cá nóc rỉa rói nát bươm để tìm người thân. Và quả thật chỉ có những người thân thì mới tìm được nhau trong những nét dị biệt. Đó là cảnh bà Lư nhận ra thằng con trai tên Dật vì từ khi được sinh ra, Dật chỉ có bốn ngón ở bàn tay phải; là cảnh Minh tìm ra Thự, vì hôm ở quán nhậu, anh đã trót ném cái chai rượu vào giữa miệng Thự làm Thự văng mất một cái răng cửa; là chị Huyền nhận ra ông Nghê vì đêm trước chính chị đã thắt lại cho ông cái dây rút quần bằng sợi đay...

Sóng cứ vỗ, biển gào lên ầm ã nhưng đau đớn nhất là những ánh mắt thất thần vô hồn của những người ở làng Đa Ngư. Cuốn tiểu thuyết mỏng mảnh với 160 trang giấy nhưng đã vẽ nên bức tranh về đời sống của những con người cả đời ăn sóng, nói gió và có khi gửi lại thân xác theo dòng nước mặn chát.

Sau những con chữ trần trụi của nhà văn Nguyễn Văn Đệ, là những nhức nhối về cuộc sống khắc nghiệt. Biển cả có thể mang lại cho họ nguồn hải sản, nhưng một cơn thịnh nộ cũng khiến con người ta mất tất cả từ của cải đến sinh mệnh. Làm sao để tránh được tâm cơn bão biển, thật khó, bởi con người thì thường tham lam mà biển cả thì thật khó lường.

“Tâm cơn bão biển” chính là tâm huyết, là sự trả nghĩa của một người con sinh ra, lớn lên và gắn bó với biển cả.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]