Đọc “Xuân chính niệm” của Trần Tất Trừ
Sinh năm 1949, tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương. Năm 1968, như bao chàng trai miền Bắc lúc bấy giờ, Trần Tất Trừ đã “xếp bút nghiên”, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, vào tuyến lửa Trường Sơn. Là “nhân vật trải nghiệm” trong những năm chống Mỹ, giúp ông có một vốn sống phong phú, một trái tim yêu thương hễ chạm nhắc là ngân rung, tuôn trào thành thơ. Đọc thơ Trần Tất Trừ, ta có cảm giác như ông đang kể chuyện, kể thành thơ và kể bằng thơ.
Cuối năm 1975, trở về quê hương, theo học sư phạm, làm một thầy giáo. Dạy Văn và kể cả khi làm công tác quản lý giáo dục, tính chất phác, đôn hậu; cách nhìn cuộc đời, con người với niềm lạc quan tin tưởng đã giúp nhà giáo Trần Tất Trừ không những trụ vững mà còn hạnh phúc với nghề qua những năm tháng gian lao.
Những ngày tháng ở Trường Sơn khói lửa đã cho ông nhiều tư liệu quý giá, những xúc cảm chân thực. Theo dòng hồi ức ấy, gần đây nhất ông đã cho ra mắt bạn đọc tập trường ca “Đường Trường Sơn trong tim”.
Nếu nói làm thơ là một sự thanh lọc tâm hồn thì Trần Tất Trừ đã lọc khá kỹ tâm hồn mình qua 6 tập riêng và 4 tập in chung. Với ông, viết là sống. Và ông thấy vui vì được sẻ chia những tình cảm thiết tha, cảm xúc chân thành với mọi người.
Với 66 bài, đa phần là tự do, chỉ vài ba bài lục bát, đọc “Xuân chính niệm” (NXB Hội nhà văn, 2024) ta dễ “nhặt” được những câu, tứ thơ mình thích. Nhan đề “Xuân chính niệm” lấy từ tên một bài thơ trong tập, cho thấy thời điểm ấy hoàn toàn phù hợp để bộc lộ cảm xúc. “Chính niệm” hay còn gọi là “chánh niệm” một khái niệm vốn được dùng trong Phật giáo chỉ khả năng nhận thức rõ ràng nhất việc mình đang ở đâu, làm gì; biết nhận thức đầy đủ về thực tại. Điều có được ở người từng trải, như cây đã qua mùa bão tố, con người đã thực sự vững vàng như nhà thơ Nguyễn Công Trứ xưa từng nói: “Được mất dương dương người tái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong”. Cái sâu sắc, cô đọng ta thấy ngay từ tên của tập thơ là thế.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển, cái nơi đất chẳng bớt chua và nước đang còn mặn. Con người đạp lên sóng, rẽ gió để trồi lên ấy đã đúc nên hồn thơ, hồn làng mặn mòi thắm nghĩa. Phải lạc quan lắm tác giả mới viết về đồng làng mình là “bờ xôi ruộng mật”, với cả “kho báu” trong từng tấc đất. Chút ngậm ngùi vì những đổi thay, bờ cũ, ruộng xưa chỉ còn trong ký ức. Sống giữa làng quê, cách nói hình ảnh cho thấy ông gắn bó máu thịt với từng tấc đất, bờ cỏ quê hương:
... Dự án niêm phong
Bờ xôi ruộng mật
Về lại làng ký ức mấy mươi năm.
(Về lại đồng làng)
Mảnh ruộng, tấc đất, cây lạc, cây vừng... là nhân chứng sống chứng kiến bao vất vả lam lũ, cơ cực. Đặc biệt là nghĩa tình của người dân quê. Bao bận kẻ ở, người đi rưng rưng trong mắt nhau:
Không có bờ đê sao vướng cỏ may
Không có bến đò sao ướt mi đưa tiễn
Người quay lại ôm lời thề vượt cạn
Nghe cu cườm nhắc vừng lạc khai hoa.
Ở nhiều bài, mượn hình thức của những câu thơ tám chữ, Trần Tất Trừ dễ dàng truyền tải cảm xúc, quan sát cuộc sống và truyền tải thông điệp đời thường đến bạn đọc. Nhiều câu thơ dài như một lời tâm sự. Nhưng cũng có khi ta bắt gặp câu thơ hàm súc, gọn, nhịp nhanh như lời đồng dao: “Tháng tám nước sa/ Tháng ba dư sấm”. Những cơn mưa, trận lũ, những khắc nghiệt, thử thách của thiên nhiên, những cực nhọc đói nghèo tháng ba ngày tám đã được nhắc gợi: nhẹ nhàng mà nhói thương. Ai đã từng trải qua thời khắc khi lúa ngoài đồng vừa ngậm sữa, thóc trong bồ đã vét đến hạt cuối cùng mới thấm thía những câu như vậy. Trần Tất Trừ đã chinh phục bạn đọc bởi cái trần trụi như hơi thở, ông không hề tô vẽ.
Tập thơ có một số câu xuất thần, ấn tượng: Thường ta thấy các tác giả khác nói trăng lên cao bằng ngọn tre, hay “tre nâng vầng trăng lên” (Nguyễn Công Dương). Nhưng với Trần Tất Trừ, trăng và trúc là giao hòa giữa thực và ảo, gần và xa. Nhà thơ như dụ trăng xuống và nâng trúc lên cho ngang tầm để tự tình: “Trăng khẽ cầm tay trúc”. Hay: Không phải nắng chiếu, nắng lọt mà là nắng lặn xuống giếng chùa, trong veo, hồn nhiên. Nắng đi tìm em, cô gái xinh dịu hiền. Quả là chẳng có sự vật nào vô tri dưới con mắt nhà thơ:
Làng của mẹ trăng khẽ cầm tay trúc
Nắng giếng chùa lặn bắt bóng em soi.
(Về lại đồng làng)
Có khi ta gặp những câu lục bát ngọt ngào, duyên dáng:
Trải lòng
Trước một bể ngang
Ai đem cam vắt cho vàng bến xưa
Chỉ là bất chợt sau mưa
Biển chừng trẻ lại
Mấy mùa hồng nhan.
(Bến xưa)
Bến quê qua dòng hồi tưởng, bến quê trong ký ức của tác giả Trần Tất Trừ không mang màu đồng thau, màu xanh non quen thuộc như ta đã gặp đâu đó, mà mang màu vàng cam, cái màu ngọt lịm “Ai đem cam vắt cho vàng bến xưa”. Người xưa nói ý rằng đói thì thấy ngon, yêu thì thấy đẹp. Cái bến quê sau mưa ấy là nước ngầu đục, nhưng với tình yêu, tình cảm gắn bó máu thịt của mình với quê hương mà hồi ức về một bến xưa trẻ trung, mang sắc màu tươi mới như vậy.
Trong “Xuân chính niệm”, con người xuất hiện thật nhỏ bé, và những mảnh đời nhiều tất bật lo toan. Đó là những người phụ nữ sống trầm lặng, hy sinh như một bản năng, tảo tần như là một hạnh phúc. Hình ảnh cô gái vận chổi rơm cùng bà mẹ nương vào nhau, lần hồi qua ngày cũng ấn tượng với chúng ta. Tác giả quay chậm đôi tay tảo tần, khéo léo, thoăn thoắt của người phụ nữ vận chổi rơm, đôi tay gầy bé nhỏ nhưng đã “xếp gọn đồng chiêm”, biến người phụ nữ trở nên tầm vóc:
hai bóng nương nhau
lệch chiều hư thực
trăng tần tảo bên thềm đêm mất điện
đôi tay gầy xếp gọn đồng chiêm.
(Người vận chổi rơm)
Với Trần Tất Trừ, làm thơ để giãi bày lòng mình với mọi người. Một đời người lính, đời nhà giáo, một đời thơ. Ba cuộc đời này thống nhất ở một con người. Sống là dạo chơi, thơ là cái thú để ông sống trọn vẹn hơn với đời:
Trà dư, rượu cất be sành
Rót vào tri kỷ mà thanh thản đời
Thời gian chớp chạy ngang trời
Gió hoàng hôn đuổi, đứng ngồi phiêu diêu...
(Đường hưu giáo chức)
Hay: Sự thế rủi may
Dồn vào cuối Chạp
Vứt bản nháp
Người vào xuân chính niệm.
(Xuân chính niệm)
Đời sống không cần dài, chỉ cần vui vẻ. Nếu không vui, phải là buồn, buồn sâu như cái cách người ta cảm nhận. Đời thơ cũng vậy, không cần nhiều, cần có những bài, những chữ vút lên, khắc chạm vào tâm hồn bạn đọc. Với nhà thơ Trần Tất Trừ là vậy. Bạn sẽ chẳng thể vui bất tuyệt nếu chưa từng buồn sâu. Thơ chẳng tròn như những hòn bi ve, thơ chẳng đầy như mặt trăng, thơ là đoạn đời khúc khuỷu, là lối rẽ gai góc, là vực, là đỉnh của đời. Người làm thơ cũng vậy. Tôi muốn đọc nhiều hơn những câu thơ như thế này: “Gió xé nước đi tìm nơi trú ẩn”, “Chớp nhì nhằng vò nát những mầm xanh”.
Bài và ảnh: Lê Đáng (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-22 14:24:00
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7: Vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
-
2024-11-20 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Cô giáo của tuổi thơ
-
2024-11-16 09:47:00
Ký ức mùa đông
Chắt chiu may được mấy lời tri âm
Nhà xuất bản Giáo dục sẽ xuất bản truyện thiếu nhi kinh điển của Chile
“Hái trăng trên đỉnh núi” - Mỗi đứa trẻ như một thiên sứ gieo yêu thương đến với cuộc đời
Con đường mới
Làng quê trong Thơ Nguyễn Văn Hiếu
Cơ hội cuối cùng
Ngọt ngào hương hoa dẻ
Nguyễn Duy Chinh về “Nơi mặt trời không lặn”
Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt 2 cuốn sách ảnh về đất nước và Bác Hồ