(vhds.baothanhhoa.vn) - Dẫu cuộc đời đã qua với nhiều trái ngang dâu bể, nhưng giờ đây lúc tuổi già bóng xế, cả hai người phụ nữ bất hạnh ở thôn Đức Tiến, xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) mà tôi gặp đã và đang nhận được sự đùm bọc, chở che của bà con xóm làng qua những việc làm bình dị, giản đơn nhưng ấm lòng nghĩa cử.

Ấm áp tình người quanh những người cao tuổi neo đơn

Dẫu cuộc đời đã qua với nhiều trái ngang dâu bể, nhưng giờ đây lúc tuổi già bóng xế, cả hai người phụ nữ bất hạnh ở thôn Đức Tiến, xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) mà tôi gặp đã và đang nhận được sự đùm bọc, chở che của bà con xóm làng qua những việc làm bình dị, giản đơn nhưng ấm lòng nghĩa cử.

Ấm áp tình người quanh những người cao tuổi neo đơn

Bà Tào Thị Lấn và ông Lê Đức Thắng thăm hỏi, động viên hai chị em bà Phạm Thị Hiền.

Những cuộc đời bất hạnh

Tôi được Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) Tào Thị Lấn kể chuyện về hoàn cảnh thương tâm, rồi trực tiếp đưa đến tận nhà hai chị em bà Phạm Thị Hiền (75 tuổi) và Phạm Thị Tình (65 tuổi) ở trong một xóm nhỏ ven đê sông Mã. Dù không phải anh em họ hàng thân thích, nhưng nhiều năm qua, bà Lấn vẫn thường qua lại quan tâm giúp đỡ, nên biết rất rõ về cuộc đời, hoàn cảnh và tâm tư của họ. Cả hai bà đều không có chồng, người chị già yếu liên tục ốm đau không người thân chăm sóc đã phải nuôi một người em mù điếc, tật nguyền.

Lúc chúng tôi đến nhà trời sắp đổ mưa, bà Hiền lọm khọm trong bộ đồ cũ kỹ, quăn queo, tay run run, chậm chạp nhặt nhạnh vài cành củi khô vương vãi trên sân. Còn người em gái - bà Tình bệt xuống nền nhà tối om, dùng hai tay thay cho đôi chân teo thọt lê người từng tí một nặng nề. Trước lúc lê người, hai cánh tay bà quơ quơ về phía trước dò đường, còn đôi mắt vẫn mở to nhưng vô hồn. Thấy vậy, bà Lấn cũng nhanh tay xắn áo bốc gọn đống cây ngô làm chất đốt ở phía đầu hồi.

Tôi gặng hỏi thật to, rồi dùng cử chỉ tay ý muốn nói chuyện với bà Tình, nhưng chỉ có sự im lặng trên khuôn mặt nhợt nhạt. Bà Phạm Thị Hiền nói lớn: “Nó (bà Phạm Thị Tình - PV) mù và điếc mấy năm nay rồi. Cả ngày nó không làm được gì cả, đến bát cơm tôi cũng phải đưa vào tận tay cho ăn”.

Ông Phạm Viết Ất (70 tuổi) là anh, em ruột của hai bà trải lòng: “Bà Tình sinh ra từ nhỏ đã bị tật ở hai chân. Tuổi thanh xuân bà đẹp có tiếng trong làng, cũng có người mang trầu cau đến thưa chuyện nhưng bà không đồng ý, bởi chỉ nghĩ mình bị tật sẽ làm khổ người ta. Lúc bố mẹ không còn, bà phải làm lụng nhiều hơn, đôi chân dần yếu đi, không còn đủ sức nâng đỡ cơ thể. Cho đến năm 1990, bà đã không thể tự đi lại được nữa”.

Những tưởng cuộc đời của bà chỉ bất hạnh đến vậy, nhưng số phận lại thêm một lần nữa trêu đùa người phụ nữ tên Tình. Trong một hôm giông bão mịt mùng, có người đàn ông mà bà không rõ mặt nhớ tên đã giở trò đồi bại lúc bà đang nấu cơm cho người chị đi làm đồng. Hơn 9 tháng sau, một bé gái chào đời khi người mẹ đã không thể tự nuôi sống bản thân. Và rồi người chị - bà Phạm Thị Hiền đã phải bữa rau bữa cháo nuôi em và cháu gái, cùng sự đùm bọc của người thân trong gia đình. Trong căn nhà nhỏ dù le lói ánh đèn dầu, nhưng nụ cười trẻ thơ có lúc đã xua tan đi những muộn phiền, trái ngang, mở ra một bầu trời hy vọng về một ngày con gái lớn lên, có thể đỡ đần được mẹ, được bác.

Nhưng rồi người con gái ấy lớn lên lập gia đình cũng dở dang mái ấm, giờ đang một mình chạy đôn chạy đáo đủ nghề mưu sinh ven Khu công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa) để nuôi hai đứa con gái ăn học. Vậy nên, trong căn nhà nhỏ nơi quê nhà, vẫn hoàn nguyên bóng dáng hai người phụ nữ cô đơn, tật nguyền, le lói những tháng ngày cuối đời.

Bà Tào Thị Lấn sụt sùi: “Trước đây, hai chị em bà Hiền được người anh ruột (sinh sống ở miền nam) giúp đỡ, hỗ trợ về kinh tế. Nhưng ông ấy đã mất cách đây vài năm. Giờ thì người thân duy nhất còn lại là ông Phạm Viết Ất cũng đang mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị rất tốn kém, không thể giúp đỡ, san sẻ được nhiều, trong khi các cháu lại đi làm ăn xa”.

Những nghĩa cử ấm lòng

Trong nỗi trái ngang, bất hạnh của hai người phụ nữ Phạm Thị Hiền và Phạm Thị Tình tôi đã nghe về những việc làm tuy không nhiều giá trị vật chất, nhưng thiết thực và ấm áp tình người của những người dân trong thôn, mà tiêu biểu là những đảng viên như bà Tào Thị Lấn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã; hay như ông Lê Đức Thắng, Trưởng thôn Đức Tiến...

Nhớ lại những năm tháng bà Tào Thị Lấn còn làm Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Hợp, bà vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên hai chị em bà Hiền những lúc khó khăn. Lúc có bát gạo, con cá, khi mớ rau hay vài trăm nghìn đồng... bà đều san sẻ. Đến như việc quét nhà, dọn dẹp vườn tược bà Lấn cũng xúm tay vào làm, rồi vận động chị em phụ nữ trong thôn tham gia. Bà Lấn kể lại: “Ngày cái Tình có thai, anh em trong nhà khóc lóc, nhiều người đòi phá bỏ. Nhưng tôi đã nhiều ngày gần gũi khuyên bảo, động viên nên Tình giữ lại, bình tĩnh để vượt qua”.

Ấm áp tình người quanh những người cao tuổi neo đơn

Bà Tào Thị Lấn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hoằng Hợp vẫn thường xuyên giúp đỡ hai chị em bà Hiền bằng những việc làm thiết thực.

Đến năm 2020, thấy căn nhà của hai chị em bà Hiền bị nước mưa thấm dột, bà Lấn đã vận động các nhà hảo tâm và con em xa quê hỗ trợ sửa sang lại căn nhà. Tấm lòng thơm thảo của bà Lấn đã được hưởng ứng rộng rãi khi một nhà hảo tâm đã hỗ trợ 32 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, bà Lấn vận động thêm ngày công từ người dân trong thôn, thế rồi căn nhà tình thương đã được hoàn thành ngay trong năm, đủ sức chống chọi mưa gió cho hai chị em bà Hiền đến giờ.

Cùng với bà Lấn, ông Lê Đức Thắng (69 tuổi), Trưởng thôn Đức Tiến cũng giúp đỡ chị em bà Hiền bằng cả tấm lòng sẻ chia. Không bằng tiền bạc, bởi ông chẳng dư dả, thứ mà ông giúp chị em bà Hiền đó là tích cực tuyên truyền, vận động để người dân đồng cảm ủng hộ. Ngoài ra thôn còn có thêm những phần quà để trao đến gia đình bà Hiền mỗi khi lễ tết, hay lúc ốm đau. Rồi ông thường xuyên đến nhà, khi sửa chữa cái quạt, lúc đóng lại cái ghế, hay thay cái bóng điện... Những việc làm ấy dù nhỏ, nhưng rất thiết thực.

Lúc tôi ra khỏi nhà, bà Hiền tuy không còn đủ minh mẫn để nhớ nổi tuổi của mình, nhưng vẫn nói vọng ra: “Hai chị em tôi chịu ơn chị Lấn, anh Thắng. Không phải là anh em họ hàng, nhưng các anh, chị đã giúp đỡ chị em tôi như những người ruột rà".

Những đảng viên cao tuổi trong thôn như bà Lấn, ông Thắng luôn hiểu được cách làm và việc làm từ thiện của mình. Bởi họ biết, hai chị em bà Hiền cần nhất lúc này là những bữa ăn đều đặn, thuốc men, hay những lời thăm hỏi, động viên gần gũi khi đau ốm. Và rồi xóm làng nơi họ sinh sống rất nhiều tấm lòng sẵn sàng sẻ chia, dù chỉ là bát canh, ống gạo, hay đóng góp vài trăm nghìn đồng... Cùng với sự giúp đỡ của bà con lối xóm, những người xa quê cũng cảm thương với hoàn cảnh của chị em bà Hiền mà gửi tiền về ủng hộ, ví như chị Tào Thị Hương (công tác tại Hà Nội) ủng hộ 500 nghìn đồng/tháng (bắt đầu từ năm 2022)...

Không chỉ riêng hoàn cảnh của chị em bà Hiền, đâu đó vẫn còn những hoàn cảnh thương tâm, cần được cộng đồng sẻ chia, giúp đỡ. Đó là những em thơ không no bữa đến trường, là những cụ già không người thân thích... Nhưng chẳng cần những buổi trao quà từ thiện rùm beng ầm ĩ loa đài, chỉ cần việc làm thiết thực như của bà Lấn, ông Thắng, những tấm lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp sẽ lay động lòng người, lan tỏa, động viên cộng đồng làng xã chung tay dành nguồn lực để không còn ai bị bỏ lại phía sau. Và những nghĩa cử cao đẹp ấy đã vun đắp cho mỗi hoàn cảnh, số phận éo le nhân lên niềm tin vào cuộc sống đẹp, ấm áp tình thương bao la, để có thêm động lực vươn lên, vượt qua số phận.

Trước lúc chia tay chị em bà Hiền, trong tôi vẫn còn đọng lại những trăn trở, đau đáu một nỗi niềm của bà Lấn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, đó là hai chị em bà Hiền tuy đã có 500 nghìn đồng/tháng tiền gạo của chị Tào Thị Hương hỗ trợ và tiền trợ cấp từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho người tàn tật, nhưng vẫn còn thiếu một gian bếp, một nhà vệ sinh. Chúng tôi vẫn tiếp tục vận động, rất cần thêm sự hỗ trợ của những tấm lòng thơm thảo.

Bài và ảnh: Đồng Thanh


Bài và ảnh: Đồng Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]