(vhds.baothanhhoa.vn) - Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa đang trong giai đoạn nước rút về tiến độ để hoàn thành vào cuối năm 2022 theo kế hoạch. Tuy nhiên, tại một số gói thầu, vật liệu đất đắp nền đang trong tình trạng mất cân đối cung - cầu nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Khắc phục tình trạng này thế nào đang là vấn đề được các đơn vị thi công dự án quan tâm.

Bảo đảm đất đắp nền phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Thanh Hóa

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa đang trong giai đoạn nước rút về tiến độ để hoàn thành vào cuối năm 2022 theo kế hoạch. Tuy nhiên, tại một số gói thầu, vật liệu đất đắp nền đang trong tình trạng mất cân đối cung - cầu nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Khắc phục tình trạng này thế nào đang là vấn đề được các đơn vị thi công dự án quan tâm.

Bảo đảm đất đắp nền phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Thanh HóaCông ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi đang tập trung san lấp nền đường km 295 - 298+000, qua địa bàn hai xã Hà Long - Hà Tân (Hà Trung).

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37km, tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 49,02km với 4 gói thầu (từ gói thầu 11 đến gói thầu 14). Phân kỳ giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng gồm 4 làn xe, nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh của dự án sẽ được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h. Gói thầu đầu tiên của dự án được khởi công vào ngày 30-9-2020. Hiện, các nhà thầu đang triển khai 63 mũi thi công với sản lượng thi công đến ngày 18-7-2021 đạt 1.204,07 tỷ đồng, tương đương 17,57% giá trị xây lắp theo hợp đồng, cơ bản đáp ứng theo tiến độ. Tuy nhiên, hiện ở một số gói thầu, vật liệu đất đắp nền đang trong tình trạng nguồn cung không bảo đảm nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Ghi nhận tại gói thầu số 12-XL (Km301+000 - Km307+600, dài 6,60km) do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hoàng Long thi công, ông Võ Sơn Hải, Phó Giám đốc điều hành công trường của Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, cho biết: Hiện liên danh nhà thầu đang tổ chức 8 mũi thi công (gồm 4 mũi đường, 2 mũi cầu, 2 mũi hầm). Sản lượng thi công đã đạt khoảng 186,59/1.202,03 tỷ đồng, tương đương 15,5%. Quyết tâm của đơn vị sẽ về đích trước 3 tháng so với mốc thời gian quy định là tháng 12-2022, nên từ ngày khởi công dự án đến nay, ngoài tập trung nhân lực, vật lực trên công trường, đơn vị còn tổ chức thi công 3 ca/ngày. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay đang ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án là ngoài công suất khai thác của các mỏ rất hạn chế, không đảm bảo tiêu chuẩn làm đường cao tốc, nguồn đất đắp nền thiếu, nhất là đất đắp K95 – K98 (loại đất đạt tiêu chuẩn về độ chặt áp dụng cho đường cao tốc) thiếu khoảng 200.000m3/1.000.000m3. Vì vậy, các đơn vị thi công mong muốn tỉnh Thanh Hóa sớm cấp giấy phép khai thác những mỏ đã nằm trong quy hoạch theo cơ chế đặc thù. Đồng thời, có ý kiến chỉ đạo nâng công suất khai thác các mỏ... Có như vậy, nguồn đất đắp nền phục vụ thi công dự án mới được đảm bảo.

Gói thầu số 11-XL (Km289+500 - Km301+000, dài 11,5km) do liên doanh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Thịnh An thi công cũng trong tình trạng tương tự. Ông Lê Doãn Bắc, chỉ huy công trường của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, cho biết: Hạng mục nền đường do công ty đang bước vào giai đoạn nước rút. Song, do nguồn đất đắp nền ở vùng lân cận và mỏ được chỉ định như hồ sơ hiện chưa cấp phép khai thác nên thiếu nguồn đất đắp phục vụ thi công. Đơn vị chấp nhận khảo sát những mỏ xa hơn, dẫn đến chi phí đội lên. Ngoài đội giá thành do giá cước vận chuyển mà đơn vị phải bù vào, nguồn đất đắp nền cũng thiếu khoảng 400.000m3. Vì vậy, đơn vị rất mong tỉnh Thanh Hóa sớm có biện pháp tháo gỡ kịp thời bảo đảm nguồn đất đắp nền thi công dự án theo kế hoạch đặt ra.

Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông - Vận tải) - ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, cho biết: Tổng khối lượng vật liệu của dự án đoạn qua tỉnh Thanh Hóa cần khoảng 5,9 triệu m3 đất đắp nền; 1,8 triệu m3 cát và 1,3 triệu m3 đá. Qua điều tra, khảo sát, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận 13 mỏ đất, 16 mỏ cát, 11 mỏ đá để cung cấp vật liệu phục vụ thi công dự án với trữ lượng các mỏ đã được chấp thuận khoảng 5,16 triệu m3 đất; 5,6 triệu m3 cát; 7,4 triệu m3 đá. Với trữ lượng này, cơ bản đáp ứng nhu cầu của dự án (chưa xét đến ảnh hưởng của các dự án cao tốc khác và các dự án của địa phương). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mỏ dù nằm trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn bị “treo” do chưa được cấp phép, trong khi các mỏ đang khai thác lại có trữ lượng thấp, công suất khai thác chỉ đạt 470 nghìn m3 đất/năm, 427 nghìn m3 cát/năm, 323 nghìn m3 đá/năm. Công suất này chưa đủ đáp ứng nhu cầu theo tiến độ của dự án, khiến nguồn cung thiếu trầm trọng, dẫn đến khó khăn cho đơn vị thi công, ảnh hưởng tới tiến độ. Ông Long mong muốn tỉnh Thanh Hóa quan tâm hỗ trợ, đẩy nhanh thủ tục cấp phép mới đối với các mỏ vật liệu đã nằm trong quy hoạch (như mỏ Đồi Ao) và thủ tục nâng công suất khai thác đối với các mỏ vật liệu đang hoạt động.

Liên quan đến nguồn đất đắp cũng như công suất khai thác chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Ngoài dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, hiện trên địa bàn tỉnh còn 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam khác đó là: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Trong đó, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã khởi công vào ngày 2-7-2021. Vì vậy, nhằm bảo đảm nguồn đất đắp phục vụ cho các dự án cao tốc, chủ đầu tư dự án cao tốc là Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban quản lý dự án 2, Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông - Vận tải) đã khảo sát, lựa chọn đưa 20 mỏ vào phục vụ dự án với trữ lượng 19,1 triệu m3 và đã thực hiện khai thác là 7,7 triệu m3, còn lại đang khai thác với công suất 1,8 triệu m3/năm. Nếu nâng công suất khai thác lớn hơn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng đất đắp không đảm bảo... Để bảo đảm đất đắp nền cho dự án, UBND tỉnh đã bổ sung vào quy hoạch khoáng sản lần 2 tại Quyết định số 1767/QĐ-UBND ngày 27-5-2021 gồm 23 mỏ, trữ lượng 19,6 triệu m3, trong đó có 13 mỏ nằm trong khu vực không đấu giá.

Chắc chắn rằng, Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa không thể dừng, hoặc chậm tiến độ chỉ vì thiếu đất đắp nền, trong khi tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc thi công dự án. Vì vậy, trong thời gian chờ đợi các mỏ đã được UBND tỉnh bổ sung quy hoạch khoáng sản lần 2 theo tinh thần Nghị quyết 60 (không qua đấu giá) được khai thác, đòi hỏi Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công tích cực hơn nữa, tìm kiếm, hợp đồng mua vật liệu với các chủ mỏ ở khu vực xa hơn. Có như vậy, dự án mới đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]