(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi cứ tự hỏi, với bệnh nhân tâm thần, họ sẽ phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào và thực sự họ có biết hay hiểu gì về COVID-19? Và đằng sau đó, ở một đơn vị đặc thù, chắc chắn sẽ là sự gồng mình của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế khi vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia công tác phòng, chống dịch.

Bệnh nhân tâm thần và câu chuyện phòng, chống dịch COVID-19

Tôi cứ tự hỏi, với bệnh nhân tâm thần, họ sẽ phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào và thực sự họ có biết hay hiểu gì về COVID-19? Và đằng sau đó, ở một đơn vị đặc thù, chắc chắn sẽ là sự gồng mình của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế khi vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia công tác phòng, chống dịch.

Bệnh nhân tâm thần và câu chuyện phòng, chống dịch COVID-19Bác sĩ Nguyễn Thị Thắm thăm hỏi tình hình của bệnh nhân.

Không thể yêu cầu tuân thủ 5K

Khoa Tâm lý lâm sàng - Nhi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nơi điều trị bệnh nhân trung bình và nhẹ, chủ yếu mắc các triệu chứng đau đầu, mất ngủ, lo âu, trầm cảm... Bác sĩ Nguyễn Thị Thắm, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng - Nhi đưa tôi đến một số phòng bệnh của khoa. Ở đây, chủ yếu là bệnh nhân nữ. Thấy bác sĩ Thắm đến, có bệnh nhân vội bỏ khẩu trang để nói chuyện với bác sĩ. Đúng như lời chị trao đổi với tôi trước đó: “Bình thường bệnh nhân ở khoa đeo khẩu trang, nhưng khi giao tiếp lại cởi ra để nói. Bởi đeo khẩu trang họ cảm giác khi nói bác sĩ không nghe”.

Ở khoa này, tôi được gặp bệnh nhân L.T.T, quê Yên Định, điều trị hậu COVID-19 với các triệu chứng tức ngực, khó thở, nói năng chậm chạp... Sau 2 tuần vào đây, T tăng 5kg, cơ bản đã ổn định. Bác sĩ Thắm đến, bệnh nhân T liền nói: “Mấy hôm trước em mệt lắm, đi cầu thang cũng hơi khó thở, không ngủ được, nhưng xuống đây bác sĩ cho em uống thuốc gì mà tài thế, em ăn không biết no”. Không chỉ bệnh nhân T mà phần lớn các bệnh nhân hậu COVID-19 vào điều trị ở đây thường ho khan kéo dài, mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn. “Bệnh nhân than chán ăn nhưng ăn vẫn rất tốt, ăn nhiều, ngủ được, lại tăng cân, rồi lại bảo với bác sĩ, em lo chống COVID-19 nên em tăng cân...”, bác sĩ Thắm kể lại.

Chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi tại bệnh viện này, cho tôi rất nhiều cảm xúc. Càng đặc biệt hơn khi được nghe bệnh nhân tâm thần nói về COVID-19. Ở Khoa Lão khoa, nơi điều trị bệnh nhân nặng có nhiều tình huống khiến người đối diện phải “dở khóc dở cười”. Bệnh nhân nói vanh vách về COVID-19, có đúng nhưng rồi cũng có sai. Họ thường không đeo nhưng trong túi luôn có sẵn một chiếc khẩu trang, khi bác sĩ nhắc nhở thì lấy ra đeo ngay rồi cười xòa: “Em ngại đeo vì nóng quá bác sĩ ạ!”. Bệnh nhân khác lại nhanh nhảu: “Lâu nay thấy yên rồi mà”. Khi được bác sĩ hỏi: “Các anh, các chị có biết COVID-19 là gì không?”. Một số bệnh nhân giơ tay như học sinh trên lớp. Người nói to: “COVID-19 nó bay nhập vào người, kinh lắm”. Người lại xung phong nói một tràng dài: “COVID-19 nếu nặng thì đau đầu, đau họng, không cần uống thuốc kháng sinh. F1 lây từ F0, F2 lây từ F1. Thực hiện 5K là khẩu trang, cách ly,... không bán hàng”.

Tại Khoa Lão khoa, tôi được gặp ông L.B.T, 55 tuổi, quê Triệu Sơn, bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu.Ông bị dương tính với COVID-19 khi đang điều trị bệnh tại đây, sau đó được chuyển vào khu cách ly của bệnh viện trong thời gian 14 ngày. Hiện sức khỏe của ông đã cải thiện tốt. Trước khi vào viện, ông T không biết mình là ai và đây là đâu, nhưng giờ đã nhận thức được. Ông khoe: “Giờ tôi thấy khỏe rồi, không còn thèm rượu nữa. Con COVID-19 nó cũng đi khỏi người rồi, mừng lắm”.

Đối với trường hợp bệnh nhân có rối loạn về tâm thần, theo như chia sẻ của Phó trưởng Khoa Lão khoa, bác sĩ Bùi Hải Triều thì khả năng nhận thức của họ về COVID-19 thường sơ sài, có chăng chỉ biết đó là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng ý thức về phòng, chống lại rất hạn chế, không thể yêu cầu họ tuân thủ về 5K...

Phải chấp nhận mọi tình huống

Thực tế, công tác phòng, chống COVID-19 ở một bệnh viện đặc thù đặt ra nhiều vấn đề khó khăn. Ngay như đối với bệnh nhân đã bị tâm thần lâu nay nhưng giờ lại mắc COVID-19, đa phần không thể giải thích cho bệnh nhân hiểu. Vì vậy, công tác chăm sóc, điều trị gặp nhiều khó khăn, có trường hợp bệnh nhân giật cả khẩu trang, kính chắn giọt bắn từ người bác sĩ xuống, rồi có những phản ứng, kích động bằng ngôn ngữ và hành vi...

Với bệnh nhân hậu COVID-19 xuất hiện các rối loạn tâm thần thì được quản lý dễ dàng hơn, do đã tiếp thu được các thông tin phòng, chống dịch từ trước lúc nhiễm bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần, gần đây tỷ lệ nhóm bệnh này gia tăng hơn. Có nhiều trường hợp lảng tránh, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội. Ông nhấn mạnh: “Nếu càng lảng tránh thì triệu chứng rối loạn tâm thần càng dài, hiệu quả điều trị kém và rất có thể chuyển biến thành dạng khác như mất ngủ, trầm cảm, vì vậy cần phải được khám và tư vấn kịp thời”.

Tôi nhớ lại câu chuyện của Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đức Cường, đấy là việc ông không có đồ phòng hộ vẫn lao vào hỗ trợ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tâm thần nhiễm COVID-19 đang bị kích động nặng. Vì không là người trực tiếp tham gia công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân, nên ông không có nhiều dụng cụ phòng hộ ngoài chiếc khẩu trang. Ông cho rằng: “Trong tình huống tham gia mà không đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch là sai nhưng nếu không xông vào mà đợi mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay thì bệnh nhân đã chạy ra ngoài và gây hại nhiều hơn cho người xung quanh... Đối với cán bộ, nhân viên ở một bệnh viện đặc thù, phải chấp nhận mọi tình huống. Cố gắng bảo hộ được cho mình phần nào hay phần ấy vì bệnh nhân đang ở thời điểm giảm năng lực hành vi, nếu không can thiệp cũng đồng nghĩa không trách nhiệm và thiếu đạo đức nghề nghiệp”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]