(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày vừa qua, bên cạnh những việc làm tích cực, bức tranh đời sống mùa dịch cũng xuất hiện những khoảng tối gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Buồn lòng với những hành vi phản cảm trong mùa dịch

Những ngày vừa qua, bên cạnh những việc làm tích cực, bức tranh đời sống mùa dịch cũng xuất hiện những khoảng tối gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trục lợi lòng tốt

Mới đây nhiều người đã ủng hộ tiền để ca sỹ Phi Nhung chữa bệnh COVID-19 sau khi có một tài khoản facebook tên là Nguyễn Ngọc Châu đứng ra kêu gọi. Sau khi sự việc được người nhà của nữ ca sỹ phủ nhận, cơ quan chức năng vào cuộc mới biết facebook của nghệ sỹ cải lương Nguyễn Ngọc Châu đã bị hacker chiếm dụng đăng tin giả mạo.

Buồn lòng với những hành vi phản cảm trong mùa dịch

Lợi dụng câu chuyện có thật của người nổi tiếng rồi chiếm dụng facebook kêu gọi quyên góp từ thiện

Đáng nói là, việc trục lợi lòng tốt trong mùa dịch không chỉ được thực hiện bởi hình thức quyên góp từ thiện, mà còn có tình trạng một cá nhân nhưng lại sử dụng nhiều tài khoản facebook khác nhau để xin tiền các nhà hảo tâm và các nhóm từ thiện bằng những chiêu trò nghèo khổ.

Một nhà hảo tâm đã phát hiện và chia sẻ lên mạng xã hội sự thật này thông qua một đoạn “chat” khiến cho ai đọc được cũng bày tỏ sự tức giận.

Theo như đoạn “chat”, nhà hảo tâm đó đang là mẹ đơn thân, hoàn cảnh cũng rất khó khăn nhưng khi đọc thấy một người mẹ kêu không có tiền, con mới được 3 tháng tuổi đã phải uống sữa tươi nên bị đi ngoài, chị đã không ngần ngại chuyển khoản một triệu đồng. Thế nhưng, người mẹ ấy sau đó còn tiếp tục đi xin các nhóm từ thiện khác và chặn luôn kết nối với nhà hảo tâm kia khi được góp ý riêng tư.

Buồn lòng với những hành vi phản cảm trong mùa dịch

Trong một vụ việc khác, trên Youtube trước đó có đăng tải đoạn clip một thanh niên tự nhận mình là người phát cơm từ thiện nhưng lại tỏ vẻ khó chịu với một số người đến xin cơm và có những lời lẽ không hay như đang ban phát chứ không phải xuất phát từ cái tâm thực sự. Ấy thế mà thanh niên này còn vô tư quay clip rồi đăng lên mạng để thu hút lượt “like”, lượt “view” và kiếm tiền từ sự tương tác đó.

“Của cho không bằng cách cho”, rất nhiều người đã không khỏi xấu hổ khi xem đoạn clip có phần lệch lạc, không giống với số đông làm việc thiện nguyện.

Chỉ biết đòi hỏi, không biết cảm ơn

Dịch COVID đã đẩy không ít gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên với truyền thống “tương thân tương ái”, nhiều tổ chức, cá nhân đã góp công sức, tiền bạc nhằm làm vơi đi gánh nặng cơm áo, gạo tiền với những hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Thế nhưng, không chỉ có người cứ thấy xin được là xin mãi, nhiều người còn đòi hỏi những thứ có phần xa xỉ, không phù hợp với hoàn cảnh thực tại.

Đó là trường hợp một người phụ nữ nhắn tin cho nhà hảo tâm xin sữa tươi, gạo và đồ ăn cho trẻ. Nhưng khi được hỏi “đồ ăn cho trẻ là những gì?” thì người phụ nữ ấy trả lời là “xúc xích với bánh xốp” và nói nhà hảo tâm “nếu phải đi mua thì chuyển khoản cũng được”.

Buồn lòng với những hành vi phản cảm trong mùa dịch

Mong muốn chia sẻ gánh nặng cơm áo, gạo, tiền với những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19, nhất là những người nghèo ở các khu cách ly và đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều mạnh thường quân và các tổ chức từ thiện đã không ngại vất vả, ngày đêm chuyển hàng cứu trợ. Ấy thế mà một số người chẳng những đã không cảm kích, biết ơn lại còn nói những lời khiếm nhã, vô tình.

Trên trang faccebook của một cá nhân, viết: “Hàng cứu trợ 2 lần, mỗi lần một bao gạo với mấy gói mì. Gạo thì tớ còn đầy, mì thì tớ không thích ăn”. Đã vậy, người này còn chụp hình 2 bì gạo và viết tiếp: “Giá mà đổi 2 bì gạo này được một bó rau nhỉ. Thôi để giành cho đàn gà nhà hàng xóm của người ta ăn vậy. Cứu trợ cho gà nhà người ta”.

Buồn lòng với những hành vi phản cảm trong mùa dịch

Những bao gạo cứu trợ nghĩa tình bị một người nhận dự định đem làm thức ăn cho ... gà hàng xóm.

Bài đăng đã khiến cho nhiều người đọc được bày tỏ sự ngao ngán. Còn với những nhà hảo tâm, họ không chỉ thấy buồn lòng mà phần nào đã giảm đi sự nhiệt tình mỗi khi muốn làm điều gì đó có ích cho cộng đồng.

Mới hay, lòng tốt của con người chưa bao giờ có sức lan tỏa nhiều như trong những ngày đại dịch, nhưng đâu đó, văn hóa ứng xử với lòng tốt thì hình như lại đang đi ngược lại.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]