(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao nhất trong năm. Chính vì vậy, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất, nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.

Các làng nghề sẵn sàng nguồn hàng cho dịp Tết

Thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao nhất trong năm. Chính vì vậy, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất, nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.

Các làng nghề sẵn sàng nguồn hàng cho dịp TếtNgười dân phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) chăm sóc hoa chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết Nhâm Dần 2022.

Về xã Quảng Chính (Quảng Xương), nơi trồng đào nổi tiếng ở xứ Thanh, thời điểm này hầu hết các hộ dân đã hoàn tất việc tuốt lá, vun gốc. Trong số 1.700 hộ trên toàn xã, có hơn 300 hộ trồng đào. Từ 20ha đào năm 2020, đến năm 2021, 5/6 thôn của xã đã mở rộng diện tích đào lên 30ha. Mỗi năm, trừ chi phí, trung bình người dân thu về từ 1 tỷ - 1,2 tỷ đồng/ha.

Là hộ có diện tích trồng đào lớn nhất trên địa bàn xã, với 1,5ha, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Vệ ở thôn Chính Đa thu về ít nhất 2 tỷ đồng. “Trồng đào phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ. Nếu thời tiết ấm, bà con chủ động tuốt lá muộn hơn, còn thời tiết lạnh kéo dài thì sẽ vun gốc, tưới nước giữ ẩm, đảm bảo cho nụ hoa đào phát triển bình thường. Trung bình, giá bán mỗi cây đào từ 500 nghìn - 1 triệu đồng, có gốc đẹp giá bán cao hơn. Đến nay, hơn 30% cây đào của vườn đã được khách hàng đặt mua, đến khoảng cuối tháng Chạp số đào này sẽ được chuyển đến khách hàng”.

Anh Lâm Quang Vinh ở thôn Thanh Xuân có hơn 5.000m2 trồng đào. “Năm nay dự đoán tình hình khó khăn hơn, tôi hạn chế việc thuê người đắp đất, tuốt lá, chăm sóc, tưới cây… Những vụ trước, trừ chi phí vẫn còn được 700 triệu - 800 triệu đồng, năm nay tôi chỉ mong thu được 500 triệu đồng".

Ông Mai Ngọc Tứ, Chủ tịch UBND xã Quảng Chính, cho biết: Xác định đào là cây chủ lực, những năm gần đây, xã khuyến khích người dân cải tạo ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa và một số cây giá trị kinh tế thấp sang trồng đào. Ngoài cung cấp đào thương phẩm, người dân còn cung ứng cây giống.

Đào kép, nhiều cánh, hoa to và lâu rụng chính là những đặc điểm tạo nên thương hiệu đào phai Quảng Chính. Để đạt được thành quả sau một năm vất vả lao động, đây là thời điểm mà người dân đang lắng nghe thời tiết, và chờ đợi một năm thu được nguồn lợi cao.

Đến thăm làng nghề hoa giấy Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) những ngày này dễ cảm nhận được sắc hoa, giấy màu ở khắp các con phố. Người dân đang khẩn trương làm ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Là 1 trong số 20 hộ sản xuất, bà Châu Thị Thanh, chủ cơ sở sản xuất hàng mã Minh Thanh (số 43, phố Mật Sơn 2), cho biết: Đây là nghề truyền thống nên gia đình luôn cố gắng lưu giữ và phát triển. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, nhưng giá bán ra lại xuống thấp. Hầu hết hàng hoa giấy năm nay đều có sự thay đổi nhiều về mẫu mã, với nhiều mức giá khác nhau. Riêng bộ ông Công, ông Táo cũng có mức giá từ 17 nghìn - 300 nghìn đồng...

Dẫu thời điểm này các đại lý trung gian tuyến huyện chưa nhập hàng, nhưng chắc chắn càng giáp tết, lượng tiêu thụ hàng mã sẽ càng tăng, nên gia đình bà Thanh phải tập trung nhân lực để sản xuất. Hiện tại, gia đình bà đang thuê 12 lao động làm hoa giấy, hàng hóa đã xếp chật kín nhà chờ khách đến lấy.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vệ, cho biết: “Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, nghề hoa giấy ở đây đã phát triển nhanh chóng, được công nhận là làng nghề từ năm 2016. Hiện nay, Làng nghề Hoa giấy Mật Sơn đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình”.

Rời làng nghề hoa giấy, chúng tôi đến làng hoa Đông Cương (TP Thanh Hóa). Thời điểm này, bà con đang tất bật chăm sóc hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2022. Kiểm tra hệ thống bóng điện để hoa phát triển đúng thời điểm, anh Lê Văn Quân (phố 4, phường Đông Cương) cho biết: “Có 5.000m2 đất, tôi tập trung trồng hoa cúc hai vụ, ngoài ra trồng chèn ít mướp đắng, dưa chuột, bắp cải… Để hoa phát triển như ý muốn, nở kịp thời vào dịp tết, tôi phải lắp đặt hệ thống bóng điện với mật độ cách nhau 1,5m-2m. Loại bóng đèn được sử dụng có công suất 15-20W. Ánh sáng, hơi nóng từ bóng điện sẽ giúp cho hoa cúc nhanh đẻ nhánh, phát triển tốt hơn”. Với những kinh nghiệm riêng, hoa của hộ gia đình anh Quân bao giờ cũng to đẹp.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Đông Cương, giai đoạn 2021-2025 tiếp tục định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Theo đó, diện tích đất trồng hoa, cây ăn quả và rau màu sẽ được mở rộng hơn nữa chứ không chỉ dừng ở 134,1ha như hiện nay. Bởi, nhiều mô hình sau khi chuyển đổi đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế ước đạt 500-550 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với các làng nghề kể trên, tại những làng nghề, làng có nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, không khí sản xuất hàng hóa cũng diễn ra khá nhộn nhịp. Người dân ở các làng nghề đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để tăng cường sản xuất nhằm cung ứng đủ lượng hàng hóa phục vụ thị trường tết. Tuy bận rộn, vất vả, nhưng đây là khoảng thời gian quan trọng để giúp họ nâng cao thu nhập, đón tết đầm ấm, tạo niềm vui, động lực để tiếp tục duy trì, phát triển nghề...

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]