(vhds.baothanhhoa.vn) - Với những lời cam kết hàng chính hãng 100%, có người nhà đang làm việc bên nước ngoài nên mới có hàng, có hóa đơn đảm bảo... nhưng chỉ đến khi bóc sản phẩm ra sử dụng, khách hàng mới biết đã bị lừa.

Cảnh giác tình trạng mỹ phẩm giả đội lốt hàng xách tay tràn lan trên “chợ” mạng

Với những lời cam kết hàng chính hãng 100%, có người nhà đang làm việc bên nước ngoài nên mới có hàng, có hóa đơn đảm bảo... nhưng chỉ đến khi bóc sản phẩm ra sử dụng, khách hàng mới biết đã bị lừa.

Cảnh giác tình trạng mỹ phẩm giả đội lốt hàng xách tay tràn lan trên “chợ” mạngMỹ phẩm được quảng cáo hàng xách tay tràn lan trên mạng.

Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, lực lượng chức năng vẫn liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh hàng mỹ phẩm lậu, giả mạo thương hiệu. Tháng 1-2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử phạt hành chính đối với bà Phạm Thị Thêm, có địa chỉ 05/109 Trần Xuân Soạn, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) vì có hành vi kinh doanh hàng hóa có điều kiện mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; sản xuất hàng giả mạo nhãn mác, bao bì hàng hóa; kinh doanh hàng hóa, mỹ phẩm nhập lậu; không công bố số sản phẩm làm mỹ phẩm trước khi lưu thông ra thị trường. Trước khi bị phát hiện, số mỹ phẩm giả mạo này đã có thời gian bán ra thị trường, với nhiều đầu mối là các tài khoản mạng xã hội.

Trong năm 2021, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra, xử lý 54 cơ sở kinh doanh, sản xuất hóa mỹ phẩm kém chất lượng, hàng giả mạo thương hiệu, hàng nhập lậu.

Lướt một vòng qua các trang mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp hình ảnh, video, livestream bán hàng, trong đó nhiều nhất là hàng mỹ phẩm với các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Lancome, son thỏi M.A.C, nước tẩy trang Byphasse Solution Micellaire... Ngoài các thương hiệu nổi tiếng thế giới thì mỹ phẩm có xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... vốn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, đồng nghĩa là những mặt hàng được quảng cáo “xách tay” nhiều nhất. Theo chia sẻ của một số chủ tài khoản bán mỹ phẩm trên mạng xã hội facebook, để gây dựng lòng tin với khách hàng và chứng minh nguồn hàng rõ ràng thì phải có mối hàng bên nước ngoài. Do vậy, họ thường dùng chiêu trò khoe người thân đang làm việc, lao động ở nước ngoài và trưng ảnh, clip lên mạng để mọi người tận mắt thấy tai nghe. Sau đó tung sale để kích thích người mua hàng. Nhưng thực chất, việc mua hàng tại các cửa hàng chính hãng, hoặc mua theo đợt sale của hàng chính hãng rất hiếm, bởi dù giá sale thì hàng vẫn rất đắt, chưa kể chi phí qua mấy lần vận chuyển, thời gian chờ... Nhiều khách hàng sẽ không thể chờ đợi quá lâu, hoặc bỏ ra quá nhiều tiền cho một sản phẩm làm đẹp. Đó là chưa kể, dịch bệnh COVID-19 đã khiến giao thương hàng hóa bị ngưng trệ, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy trong thời gian dài. Thế nhưng, nguồn hàng mỹ phẩm danh tiếng lại được rao bán trên mạng rất dồi dào, phong phú.

Theo “bật mí” của tài khoản mạng xã hội bán mỹ phẩm, thì hàng “xách tay” này chủ yếu được nhập lậu từ Trung Quốc. Những sản phẩm này được sản xuất rất tinh vi, nhìn bên ngoài rất khó để phân biệt với hàng thật. Một kiểu “xách tay” nữa là hàng giả mạo thương hiệu, những mỹ phẩm này thường được chủ cơ sở tự sản xuất, có bao bì, đóng gói giả mạo thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, như hàng giả của bà Thêm bị phát hiện. Những sản phẩm này cũng khó phân biệt bằng mắt thường mà chỉ đến khi dùng mới phát hiện ra.

Cảnh giác tình trạng mỹ phẩm giả đội lốt hàng xách tay tràn lan trên “chợ” mạngHiện nay đã có nhiều hãng mỹ phẩm nổi tiếng do Việt Nam sản xuất, có cửa hàng chính hãng tại các tỉnh, thành phố.

Chị Ngô Thị Bích Ngọc (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa), cho biết: “Nghe nói người bán có em trai đang xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc nên có thể lấy được hàng chuẩn nội địa, tôi đã đặt mua kem dưỡng ẩm Nature Republic, đang được ưa chuộng hiện nay với giá hơn 400 nghìn đồng. Tuy nhiên, ngay lần sử dụng đầu tiên, tôi đã bị mẩn ngứa. Tôi biết đây là hàng giả, bởi trước đó đã dùng sản phẩm chính hãng được bạn tặng khi du lịch Hàn Quốc”. Không riêng gì chị Ngọc mà rất nhiều khách hàng khác cũng bị lừa bởi “nghe nói có người thân đang làm việc bên nước ngoài” và tâm lý “sính ngoại”, sẵn sàng mua hàng bằng niềm tin, không cần xác minh nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác, những buổi livestream của những chủ hàng xinh đẹp, gợi cảm, thuyết phục khách hàng bằng hình ảnh, tác động không nhỏ đến tâm lý, cảm tính người mua.

Theo Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa thì việc phát hiện, xử lý hành vi buôn bán, kinh doanh mỹ phẩm giả thương hiệu, mỹ phẩm lậu gặp nhiều khó khăn. Điều này do tính chất linh hoạt của mạng xã hội, trang điện tử bài đăng nhanh, nhưng cũng dễ dàng gỡ, xóa bỏ dấu vết. Vì vậy, lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định đối tượng, địa điểm kinh doanh, nơi cất giữ hàng hóa.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, nhằm ngăn chặn tình trạng mỹ phẩm lậu, mỹ phẩm giả mạo thương hiệu trên thị trường, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với mặt hàng này, nắm bắt thông tin của các đối tượng bán hàng qua mạng xã hội từ đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ việc vi phạm điển hình để tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng và răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Phối hợp cùng cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]