(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, và việc chuyển đổi từ cơ chế “bao cấp” sang “tự chủ” đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho khối y tế công lập. Tại các huyện miền núi, nhiều bệnh viện rơi vào tình cảnh nợ nần.

“Cấp cứu” y tế công (Bài 1): Phải tự chủ trên 90% khiến nhiều bệnh viện tuyến huyện lao đao

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, và việc chuyển đổi từ cơ chế “bao cấp” sang “tự chủ” đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho khối y tế công lập. Tại các huyện miền núi, nhiều bệnh viện rơi vào tình cảnh nợ nần.

“Cấp cứu” y tế công (Bài 1): Phải tự chủ trên 90% khiến nhiều bệnh viện tuyến huyện lao đao

Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh.

Dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh vẫn khá ít, chỉ vài chục người mỗi ngày. Con số trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, có là nguyên nhân gì thì nó cũng đang gây nên những áp lực to lớn đến nguồn chi tiêu tài chính cũng như định hướng phát triển của bệnh viện.

Theo bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Văn Chính, Giám đốc bệnh viện, việc phải tự chủ hơn 90% là thực tế rất khó khăn với một bệnh viện tuyến huyện ở miền núi. Nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân ít ỏi tại đây là do việc thông tuyến trong khám, chữa bệnh, nhiều bệnh nhân chuyển xuống khám ở Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc. Trong khi đó, đơn vị vẫn phải tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất. Dù tự chủ nhưng bệnh viện vẫn thực hiện thu theo khung giá quy định của Nhà nước.

“Năm 2021, đơn vị được cấp 5,9 tỷ đồng từ ngân sách. Nguồn tài chính này phần nào đủ tiền trả lương cho nhân viên. Bước sang năm 2022, con số trên chỉ còn 2,6 tỷ đồng, chỉ đủ để trả lương cho một phần cán bộ, nhân viên hành chính”, bác sỹ Chính nói.

Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh đã báo cáo Sở Y tế về thực trạng công tác khám, chữa bệnh. Cụ thể, nguồn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện đang bị “treo”, chưa được quyết toán. Thậm chí đơn vị còn bị truy thu lại số tiền chi vượt định mức kinh tế kỹ thuật từ năm 2017, 2018, là chi phí đã sử dụng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế…

Do nguồn kinh phí bị thu hồi và bị treo quá lớn đã làm mất cân đối thu - chi tài chính của đơn vị.

Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 kéo dài, nguồn thu thấp, ngân sách cắt giảm nên bệnh viện không có nguồn để chi trả nợ tiền thuốc, vật tư y tế năm 2021 cho các nhà cung cấp. Bước sang năm 2022, các đơn vị cung cấp vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm… yêu cầu trả nợ cũ thì mới cung cấp mới. Việc này gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ cho khám, chữa bệnh bệnh nhân bảo hiểm y tế, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia bảo hiểm.

“Cấp cứu” y tế công (Bài 1): Phải tự chủ trên 90% khiến nhiều bệnh viện tuyến huyện lao đao

Y tế miền núi gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như việc chuyển sang cơ chế tự chủ hơn 90%.

Chung tình cảnh, tại Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn số bệnh nhân đến khám mỗi ngày cũng chỉ vài chục người. Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc bệnh viện khẳng định: Việc phải tự chủ trên 90% đối với bệnh viện huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Quan Sơn là bất cập. Chủ trương tự chủ là tất yếu, song phải xem xét yếu tố vùng miền, đặc thù của từng bệnh viện để có lộ trình chuyển đổi phù hợp.

Ông Hưng cũng thông tin, hiện các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế… không cung cấp nguồn thuốc, vật tư y tế mới với lý do chưa thanh toán nợ cũ.

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh viện lâm cảnh nợ nần là việc đơn vị bị bảo hiểm truy thu lại số tiền chi vượt định mức kinh tế kỹ thuật từ năm 2017, 2018. Cụ thể, quý 4 năm 2021 đơn vị bị truy thu 1,7 tỷ đồng. Việc bị truy thu giữa lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng lại không có nguồn thu nhập thêm gây ra những khó khăn to lớn cho bệnh viện.

Đối với Bệnh viện đa khoa Quan Sơn, từ đầu năm 2022 đến nay ngân sách cấp chỉ đủ để trả lương cho 22 cán bộ, nhân viên. Với việc 100% khám, chữa bệnh bảo hiểm, gần như đơn vị không có nguồn thu ngoài. Trong khi đó bệnh viện đang phải “gồng gánh” 46 cán bộ, nhân viên y tế.

Không chỉ với bệnh viện công tại các huyện miền núi, mà đối với khu vực miền xuôi, thậm chí đô thị cũng lâm tình cảnh tương tự. Bệnh viện Đa khoa TP Sầm Sơn là một trong những bệnh viện được xem là khấm khá lâu nay cũng đang trong giai đoạn khó khăn.

Ông Lê Thành Đồng, Giám đốc bệnh viện cho biết, mới đây đơn vị đã có văn bản gửi Sở Y tế, Sở Tài chính đề nghị xem xét cấp dự toán ngân sách Nhà nước bằng với năm 2021. Dù rằng, con số trên chỉ phần nào giải quyết được những khó khăn nhất định.

Văn bản nêu rõ, nếu như dự toán thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2021 cấp cho bệnh viện là 4 tỷ đồng thì năm 2022 con số trên là 1 tỷ 360 triệu đồng. Trong khi đó do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và nguồn thu dịch vụ y tế từ năm 2020 đến nay giảm 20% so với năm 2019.

Để đảm bảo nguồn tài chính duy trì hoạt động của bệnh viện, đơn vị đề nghị Sở Y tế, Sở Tài chính xem xét cấp dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 bằng dự toán cấp năm 2021.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]