(vhds.baothanhhoa.vn) - Bằng bàn tay tài hoa, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, chàng trai Cao Văn Tuân, sinh năm 1986, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đã cho ra đời nhiều bức tranh nghệ thuật làm bằng những hạt gạo với các màu sắc khác nhau, được nhiều người yêu thích. Con đường mà Cao Văn Tuân lựa chọn không chỉ đem lại giá trị cho bản thân mà còn giúp đỡ những người khuyết tật như anh có thêm việc làm, thu nhập, góp phần gìn giữ giá trị truyền thống của quê hương.

Chàng trai 8X “thổi hồn” vào những bức tranh gạo

Bằng bàn tay tài hoa, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, chàng trai Cao Văn Tuân, sinh năm 1986, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đã cho ra đời nhiều bức tranh nghệ thuật làm bằng những hạt gạo với các màu sắc khác nhau, được nhiều người yêu thích. Con đường mà Cao Văn Tuân lựa chọn không chỉ đem lại giá trị cho bản thân mà còn giúp đỡ những người khuyết tật như anh có thêm việc làm, thu nhập, góp phần gìn giữ giá trị truyền thống của quê hương.

Chàng trai 8X “thổi hồn” vào những bức tranh gạoAnh Cao Văn Tuân, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương lập nghiệp với nghề làm tranh gạo.

Độc đáo những bức tranh làm từ hạt gạo

Những ngày này, anh Cao Văn Tuân bận rộn hơn khi vừa là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát, vừa thành lập Công ty TNHH Quảng cáo - Nội thất Đ&T, chuyên thiết kế thi công biển bảng quảng cáo. Chàng trai với dáng người nhỏ bé nhưng mang trong mình nhiều ước mơ, hoài bão lớn khiến tôi khâm phục. Hiện nay anh là Giám đốc HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát; Ủy viên BCH Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Thanh Hóa; Ủy viên Thường trực Liên chi hội Người khuyết tật Thanh Hóa; Chủ nhiệm CLB Thanh niên – khuyết tật khởi nghiệp và phát triển Thanh Hóa.

Nhớ lại những ngày đầu tiên cách đây 6 năm khi tôi gặp anh Tuân, trong căn phòng nhỏ bé chỉ khoảng 15m2 ở thị trấn Tân Phong, trên tường, anh treo kín tranh với nhiều chủ đề khác nhau, còn trên bàn, góc phòng, bày la liệt khung tranh, hộp đựng đủ màu sắc của hạt gạo. Bẵng đi một thời gian dài, giờ đây gặp lại anh, vẫn con người nhỏ bé ấy nhưng anh đã làm những điều lớn lao hơn không chỉ cho riêng anh mà còn cho cộng đồng. Anh đã chuyển về nơi rộng rãi hơn ở khu phố Phú Thọ, cũng tại thị trấn Tân Phong và thành lập HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát do anh làm giám đốc.

Năm 2009, tốt nghiệp ngành Hán Nôm, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Khoa học Huế, chàng trai Cao Văn Tuân không đi theo ngành mình đã chọn mà trở về quê lựa chọn lối đi riêng - học nghề vẽ tranh bằng hạt gạo. Đến với nghề vẽ tranh bằng hạt gạo cũng là cơ duyên và anh muốn làm những thứ đơn giản, mộc mạc, gần gũi gắn liền với cuộc sống hàng ngày. Tuân lục tìm kiến thức trong sách vở và tìm hiểu trên mạng internet, cùng với năng khiếu bẩm sinh về hội họa, điêu khắc, Tuân không ngại thử sức đam mê của mình. Ban đầu, anh chỉ làm tranh tặng bạn bè, người thân, sau này được mọi người khuyến khích, ủng hộ, anh xem đó vừa là nghề để nuôi sống mình, vừa thỏa chí đam mê.

Anh Cao Văn Tuân cho biết: Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải trải qua nhiều công đoạn như chọn gạo, rang gạo để tạo màu, dùng bút chì phác thảo tranh, nhả keo, gắn gạo... và cuối cùng là đóng khung. Trong đó, khâu quan trọng nhất chính là lựa chọn nguyên liệu vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của bức tranh. Nguyên liệu làm tranh phải là những hạt gạo đúng chuẩn về chất lượng, có nghĩa là phải lựa gạo chắc hạt, đủ ngày. Màu sắc của hạt gạo có được là nhờ vào nhiệt độ khi rang nên khi rang gạo cần chú ý đến giữ đúng nhiệt độ nhất định, phải đảo đều liên tục, xuyên suốt trong vài tiếng đồng hồ giúp màu của gạo có sự đồng nhất. Đến nay, tôi đã sáng tạo cho mình được hàng chục màu gạo rang: đen, trắng sữa, trắng ngà, vàng sẫm, vàng nhạt, đỏ sẫm, nâu…

Để hoàn thành một bức tranh đơn giản chỉ mất từ 1 đến 2 ngày, nhưng với những bức tranh đòi hỏi sự cầu kỳ, kỹ thuật cao thì phải bỏ công sức nửa tháng, thậm chí hơn một tháng mới xong. Chủ đề các bức tranh anh thường làm là chân dung, phong cảnh, thư pháp và một số chủ đề khác theo khách đặt hàng như logo, nhân vật hoạt hình...

Qua bàn tay khéo léo của anh Tuân, những hạt gạo như được “thổi hồn” để trở thành những bức tranh mang đậm chất nghệ thuật với chủ đề thiên nhiên, phong cảnh, con người, tranh thư pháp… Ngắm bức tranh quê hương với cây cầu, con đò, gốc đa… trên nền gạo trắng ngà, những mảng màu nâu, đen, vàng tạo cho người xem cảm giác gần gũi, thân thuộc; còn bức tranh phố cổ Hà Nội với những mảng màu sáng tối đan xen tạo nên những nét uyển chuyển, mềm mại, lặng lẽ của mảnh đất, con người khu phố cổ.

Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng

Vốn là chàng trai khuyết tật đôi chân từ bé, thấu hiểu khó khăn, mặc cảm và tự ti của những người khuyết tật như mình, Tuân suy nghĩ phải làm điều gì đó để giúp đỡ mọi người. Vì vậy, từ cơ sở sản xuất tranh gạo anh Cao Tuân đã thành lập HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát do anh làm giám đốc (thường gọi HTX Tâm Phát) đã đào tạo thành nghề được trên 50 người, trong đó có hơn 20 học viên liên tục có đơn hàng để làm, thu nhập khoảng 2,5 triệu- 4 triệu đồng/người/tháng tùy theo năng suất làm việc.

Chàng trai 8X “thổi hồn” vào những bức tranh gạoHTX tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát do anh Cao Văn Tuân là giám đốc đã đào tạo thành nghề cho trên 50 người, chủ yếu là người khuyết tật.

Anh Tuân chia sẻ: Sở dĩ tôi đặt tên cho HTX là Tâm Phát bởi một mong muốn sản phẩm của mình phát triển bằng cái tâm, lấy cái tâm làm nền tảng phát triển. Giá trị vật chất có thể đong đếm và chia sẻ nhưng giá trị về tinh thần chỉ có thể lan tỏa. Thu nhập thực tế có thể viết lên bằng con số nhưng cái mà mình tạo ra được mọi người đón nhận mới là vô giá. Hiện nay, đầu ra của sản phẩm đã đi vào ổn định, các cửa hàng tranh ở trong và ngoài tỉnh đặt hàng thường xuyên, cũng như các đơn hàng lẻ khắp cả nước, đặc biệt là các điểm du lịch như Đại nội Huế, Bái Đính, Tam Chúc… Tranh gạo của HTX Tâm Phát cũng được tham dự triển lãm cùng các đơn vị, các ngành có liên quan trong tỉnh và Trung ương bởi tính chất mới mẻ và độc đáo.

Anh Cao Văn Tuân cho rằng, đối với người khuyết tật sự giúp đỡ về vật chất như quà tặng, xe lăn, xe lắc, học bổng, thăm khám định kỳ là một việc vô cùng thiết thực và đầy tính nhân văn. Nhưng trên hết vẫn là tạo cơ hội và giải quyết việc làm để họ có thể tự vận động trong tầm sức của bản thân, tự nuôi sống chính mình và gia đình, xóa bỏ khoảng cách trong xã hội. Và anh tự hào khi mình góp phần làm những điều ý nghĩa đó.

Mong mỏi lớn nhất của Cao Văn Tuân là tranh gạo của HTX Tâm Phát sẽ dần khẳng định danh tiếng không những trên địa bàn huyện nhà, tỉnh nhà mà còn vươn xa hơn, để tranh gạo không chỉ còn tỏa sắc trong nước mà nó còn mang giá trị hạt gạo Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.

Từ khi bắt đầu làm tranh, đến nay anh Cao Văn Tuân đã đạt được nhiều thành tích với nhiều giấy khen, bằng khen của địa phương và ngành chức năng. Năm 2016, anh tham dự Hội nghị tuyên dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V và được nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Bằng khen của Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên, lao động sản xuất giỏi giai đoạn 2011-2016. Năm 2020, Cao Văn Tuân được nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất giai đoạn 2015-2020; năm 2020, Cao Văn Tuân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]