(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về “Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác” có hiệu lực từ ngày 1-10-2020, nhưng hình thức chào hàng này chẳng những không bị “xóa sổ” mà thời gian gần đây còn có xu hướng hoạt mạnh trở lại.

Chào hàng qua điện thoại có xu hướng quay trở lại

Mặc dù Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về “Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác” có hiệu lực từ ngày 1-10-2020, nhưng hình thức chào hàng này chẳng những không bị “xóa sổ” mà thời gian gần đây còn có xu hướng hoạt mạnh trở lại.

Chào hàng qua điện thoại có xu hướng quay trở lại

(Ảnh minh họa).

Kẻ quấy rối dấu mặt

Gần 2 tháng nay chị Trần Mỹ Hạnh (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) bị làm phiền suốt vì những cuộc điện thoại từ những người lạ. Họ không chỉ gọi đến để mời chào chị mua bất động sản, chơi chứng khoán hay mua ô tô, bảo hiểm… mà còn để giới thiệu với chị về các hình thức quảng cáo cho công ty của chị.

Chị Hạnh cho biết: “2 năm trước, tôi đã xin nghỉ việc ở một cơ quan Nhà nước để vay mượn tiền thành lập một công ty chuyên về các sản phẩm du lịch. Lúc mới thành lập, không biết bằng cách nào đó mà rất nhiều nhân viên telesale biết được thông tin và thường xuyên gọi điện, người thì chào mua phần mềm kế toán, người rao bán các gói quảng cáo trên google, có người lại tư vấn làm website để tạo hình ảnh chuyên nghiệp cho công ty của tôi. Thời gian đầu, tôi cũng đã mua một số gói dịch vụ nhưng hoạt động chưa được bao lâu thì dịch bệnh xuất hiện và kéo dài khiến công ty luôn trong tình trạng trì trệ”.

Bẵng đi một thời gian, chị Hạnh không thấy có ai gọi hỏi về công ty nữa nên cũng thấy vui vẻ hơn. Thế nhưng mấy tuần nay, những cuộc gọi như thế lại thường xuyên xuất hiện. Vốn đang buồn về chuyện làm ăn thua lỗ nên chị Hạnh chặn luôn các số lạ, thành ra nhiều lần chị bỏ qua các cuộc gọi làm ăn quan trọng.

Đó cũng là cách mà chị Lê Thanh Hà (Quảng Đông, TP Thanh Hóa) đang áp dụng để đối phó với những kẻ quấy rối dấu mặt. Công việc của chị vốn đã cho thu nhập thấp, lại còn bấp bênh khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến chị luôn đau đầu với chuyện cơm áo, gạo tiền. Ấy vậy mà người gọi đến cứ mời chị mua những thứ có giá trị cao ngất ngưởng mà có cho chị cũng không dám nhận vì không phù hợp với hoàn cảnh.

Có lẽ biết được dịch bệnh đã khiến cho nhiều người gặp khó khăn nên trước đó, chị Hà còn nhận được các cuộc gọi mời làm thẻ tín dụng, rồi cho vay tín chấp với thủ tục đơn giản. Nếu không phải vì chị đã từng đọc các thông tin về những vụ khủng bố đòi nợ thì chắc chị đã không vội từ chối họ. Thế mà thi thoảng vẫn có người gọi, thậm chí gửi cả tin nhắn vào điện thoại và facebook dù trước đó chị còn sử dụng cả cách thức chặn cuộc gọi và tin nhắn rác.

Chị Hà cho biết: “Tôi cũng là người lao động nên rất thông cảm cho nghề nghiệp của các nhân viên Telesale. Thế nhưng, bực nhất là ngày càng có nhiều cuộc điện thoại gọi đến nhưng lại để cho tổng đài tự nói chuyện. Với cách chào hàng đó, họ thực sự đang coi thường chính khách hàng của mình và càng khiến khách hàng quay lưng lại với họ”.

Muôn kiểu Telesale biến tướng

Theo quy định mới tại Nghị định 91/2020/NĐ - CP, nhân viên telesale chỉ được phép gọi điện thoại quảng cáo đến khách hàng khi được họ đồng ý trước và có cơ chế xử phạt nghiêm đối với người vi phạm. Vì vậy, để vừa “lách luật”, vừa không bị “ghét bỏ”, nhiều talesale hiện nay đã chọn hướng tiếp cận khách hàng hết sức đa dạng.

Chị Mai Thị Thúy (phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn) kể: “Gia đình tôi có một thửa đất vườn không dùng đến nên tôi đăng thông lên các trang website mua bán, cho thuê nhà đất. Thế là những hôm sau, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi tự xưng là đại diện của một số công ty đang có nhu cầu thuê mặt bằng nên gọi điện tìm hiểu. Sau khi thống nhất về giá, họ hẹn sẽ gọi điện lại, nhưng chờ mãi cũng chẳng có ai gọi điện thuê hoặc mua như đã hẹn. Sốt ruột, tôi gọi vào các số máy đó để hỏi thì thấy thuê bao không liên lạc được. Sau này cũng vẫn có người gọi đến hỏi thông tin về thửa đất nhưng tôi không còn hi vọng như lúc đầu nữa. Rồi theo thời gian, tôi bắt đầu nhận ra, đó đều là cuộc gọi của những người môi giới. Họ tìm kiếm thông tin của những người bán và cho thuê bất động sản, sau đó lại tìm giới thiệu cho những người có nhu cầu thực sự để hưởng tiền chênh lệch.

Dịch COVID-19 kéo dài đang khiến cho nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, trong đó có các trung tâm ngoại ngữ. Vì vậy, để chiêu mộ học sinh, nhân viên của các trung tâm này đã chọn cách tiếp cận khách hàng thông qua các nhà trường. Sau khi có danh sách học sinh và phụ huỵnh kèm theo những thông tin cần thiết, họ bắt đầu gọi điện thông báo về các gói học bổng giành cho một số học sinh có thành tích tốt trong học tập. Với hình thức telesale dạng này, phụ huynh sẽ có thiện cảm và chăm chú nghe nên khả năng bán được các khóa học tiếng Anh cũng khả quan hơn rất nhiều. Chỉ có điều nếu đi sâu tìm hiểu sẽ biết, dù có học bổng hay không thì giá mà mỗi học sinh phải đóng cho một khóa học là ngang nhau, không phân biệt năng lực khá giỏi.

Dịch bệnh đang khiến nền kinh tế trở nên khó khăn hơn bao giờ hết nên thay vì chờ khách hàng tìm đến, ngày càng có nhiều nhân viên của các công ty chủ động tìm đến khách hàng những mong có thể cải thiện chỉ tiêu, doanh số kinh doanh vào những tháng cuối năm để bù đắp lại cho những tháng trước đó. Vì vậy mà dù bị cấm nhưng hình thức chào hàng telesale vẫn quay trở lại và dự kiến sẽ còn hoạt động mạnh hơn trong thời gian tới. Trước thực tế đó, người dùng điện thoại sẽ còn bị làm phiền dài dài vì các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi và tin nhắn rác của các nhà mạng xem ra đã chẳng có hiệu quả như mong đợi.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]