(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày cuối tuần, tôi cùng chị bạn tranh thủ đi chợ hải sản mới mở ở vùng ven thành phố. Sau khi đưa xe vào trong bãi gửi của chợ, chúng tôi trở ra lấy vé. Người giữ xe đưa ra tờ vé xe nhàu nhĩ được “vuốt” vội, biển số xe của chúng tôi được viết đè lên những con số đã bị gạch xóa. Vốn thẳng tính và không lạ gì mấy trò gian lận kiểu này, chị bạn hỏi lại: “Anh ơi, hình như đây là vé xe cũ, anh viết cho em tờ vé mới”. “Ôi dào, vé nào chả như nhau. Miễn sao lúc ra lấy xe, tôi chấp nhận là được” - người trông xe xẵng giọng.

Chiếc vé xe cũ...

Ngày cuối tuần, tôi cùng chị bạn tranh thủ đi chợ hải sản mới mở ở vùng ven thành phố. Sau khi đưa xe vào trong bãi gửi của chợ, chúng tôi trở ra lấy vé. Người giữ xe đưa ra tờ vé xe nhàu nhĩ được “vuốt” vội, biển số xe của chúng tôi được viết đè lên những con số đã bị gạch xóa. Vốn thẳng tính và không lạ gì mấy trò gian lận kiểu này, chị bạn hỏi lại: “Anh ơi, hình như đây là vé xe cũ, anh viết cho em tờ vé mới”. “Ôi dào, vé nào chả như nhau. Miễn sao lúc ra lấy xe, tôi chấp nhận là được” - người trông xe xẵng giọng.

Tôi định nói chị bạn kệ đi, dù sao cũng không ảnh hưởng đến mình. Nhưng chưa kịp cất lời, chị đã cương quyết: “Anh viết cho em vé mới, em không lấy vé cũ. Anh làm như vậy là sai quy định...”. Tôi bất chợt sợ hãi khi thấy gương mặt người trông xe sầm xuống, nếu anh ta to tiếng chửi, chỉ có thiệt thân. Nhưng không, sau khi lầm bầm câu gì đó trong miệng, người giữ xe cũng đưa cho chúng tôi tờ vé mới.

Trên đường về nhà, tôi nói với chị bạn: “Chị gan thật đấy. Mấy người đấy, họ không ngại to tiếng chửi mình đâu”.

“Sợ gì chứ, họ mới là người làm sai cơ mà. Nhiều khi, chính bởi vì mình nhún nhường, biết sai mà không lên tiếng nên mấy người đó mới có cơ hội gian dối đấy em. Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của mình, nhưng cứ im lặng khi cần phải lên tiếng là không nên, đặc biệt với mấy trò gian dối vặt này. Khi người ta “ăn cắp” được cái nhỏ, sẽ quen thói dám gian dối cái lớn hơn. Chưa kể, một xã hội có nhiều người chỉ chăm chăm nghĩ đến cái lợi của mình sẽ hình thành nên thói quen văn hóa rất xấu...”.

Nghe chị bạn nói, tôi lặng đi. Nhưng không phải sự lặng im để tránh phiền phức. Mà sự lặng im khi vừa nhận ra điều gì đó và cả sự lặng im vì biết mình đã... sai.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp nhiều điều không mong muốn. Từ chuyện một chiếc vé xe sử dụng nhiều lần, ta im lặng vì dường như nó không ảnh hưởng đến mình. Vé xe 3.000 đồng nhưng người trông xe mặc định thu... 5.000 đồng, ta im lặng vì vài nghìn lẻ, nói làm gì!. Gặp những kẻ đang cố tình quảng cáo bán hàng kém chất lượng cho người dân, ta im lặng vì dù sao ta cũng... không mua, nói làm gì để gây thù chuốc oán... Những sự im lặng mà ta vẫn cho rằng mình khôn ngoan. Nhưng nào phải vậy.

Chúng ta vẫn thường nghĩ mình vô can trước những hành vi xấu. Nhưng chính thái độ im lặng - cũng là sự thỏa hiệp, tiếp tay cho điều xấu. Người giữ xe đã sai khi anh ta muốn trục lợi kiếm tiền từ những tờ vé cũ. Nhưng nếu, người khách nào vào gửi xe gặp trường hợp đấy cũng lên tiếng, liệu anh ta có còn cơ hội gian dối?. Đó chỉ là tờ vé xe vài nghìn lẻ. Nhìn rộng hơn, trong một gia đình, một tập thể, một cơ quan, đơn vị... đã bao giờ ta nghĩ rằng, chính sự im lặng của mình đã vô tình tiếp tay cho điều không tốt.

Cuộc sống muôn màu, giữa muôn vàn điều tốt đẹp, sẽ còn đâu đó những điều chưa tốt, chưa hay, cần phải được thay đổi. Nhưng sự thay đổi không tự nhiên mà có, nếu chúng ta cứ tiếp tục im lặng.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]