(vhds.baothanhhoa.vn) - ... chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa đã ngập sâu, khiến người và phương tiện tham gia giao thông gặp khó khăn. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hướng giải quyết hiệu quả.

Chống ngập đường phố sau mưa lớn: Bài toán “tắc” lời giải

... chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa đã ngập sâu, khiến người và phương tiện tham gia giao thông gặp khó khăn. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hướng giải quyết hiệu quả.

Chống ngập đường phố sau mưa lớn: Bài toán “tắc” lời giảiSau mỗi trận mưa lớn kéo dài, nhiều đoạn trên đường Trần Phú bị ngập nước.

Đường biến thành sông

Cứ mỗi trận mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, nhiều tuyến đường ở TP Thanh Hóa lại bị ngập, có khu vực bị ngập sâu trên 30cm, như: ngã tư Bưu điện tỉnh, đường Phan Chu Trinh, đường Đông Lân, đường Triệu Quốc Đạt, đường Dương Đình Nghệ (đoạn trước cửa ga Thanh Hóa), đường Nguyễn Trãi (đoạn từ ngã tư Trường Trung cấp nghề Giao thông - Vận tải lên Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh)... Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và trở thành nỗi ám ảnh thường trực của người dân nơi đây cũng như người tham gia giao thông mỗi khi mùa mưa đến.

Chị Lê Thị Thu, xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) cho biết: "Tôi thường bán rau, củ các loại dọc nhiều tuyến phố nên mỗi khi TP Thanh Hóa có mưa lớn kéo dài, gặp các tuyến phố bị ngập sâu là chuyện bình thường. Ví như trận mưa gần đây nhất vào ngày 7-7-2021 kéo dài hơn một giờ đồng hồ, nhiều đoạn đường trên địa bàn thành phố bị ngập hơn nửa bánh xe. Khi ấy, tôi đang đẩy xe rau di chuyển trên tuyến đường Trần Phú, gần ngã tư Bưu điện, rất lo sợ gặp phải ổ gà, hoặc vật nhọn ngầm trong nước.

Còn anh Nguyễn Văn Hùng, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) chia sẻ: “Tôi làm việc ở Trụ sở các đơn vị sự nghiệp tỉnh, ở đường Lý Nam Đế, phường Đông Hương. Vào mùa mưa bão, dọc trên tuyến đường từ nhà tôi đến cơ quan có nhiều đoạn đường bị ngập sâu như đoạn từ Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh đến Trường Trung cấp nghề Giao thông - Vận tải (đường Nguyễn Trãi), khu vực ngã tư Bưu điện tỉnh, khu vực gần chân cầu Đông Hương (Đại lộ Lê Lợi)... Gặp những lúc trời mưa to, đường ngập, tôi không dám đi qua, vì sợ xe ô tô bị ngập nước, sửa chữa rất tốn kém”.

Ông Hoàng Văn Thư, phố Đông Lân (phường Điện Biên) bày tỏ: "Tôi sống ở tuyến đường thấp và nhiều ổ gà. Vì thế mỗi khi có trận mưa lớn kéo dài, đường ngập sâu và dễ xảy ra tai nạn giao thông. Tôi rất mong TP Thanh Hóa sớm tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng ngập úng, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trong mùa mưa, bão.

Khắc phục ngập nước cách nào?

Trước tình trạng trên ông Lê Đức Thao, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Thanh Hóa, cho rằng: Về nguyên lý, nước mưa sẽ có 3 đường thoát đó là bốc hơi, ngấm xuống đất và tiêu thoát nước ra sông, ao hồ... Song thực tế các đường thoát này hiện không phát huy hiệu quả. Một phần phải kể đến đó là do tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa trên địa bàn TP Thanh Hóa thời gian qua diễn ra nhanh, nhiều hồ chứa nước bị san lấp, thu hẹp, số còn lại người dân thả cá nên có tình trạng bịt cửa thoát nước, dẫn đến việc tiêu thoát nước khi mưa lớn, kéo dài ở các hồ này không phát huy tác dụng. Thêm vào đó, hệ thống thoát nước ra sông, nhất là hệ thống cống ngầm chưa được nạo vét thường xuyên, nên dễ xảy ra tắc và bán tắc một phần, ảnh hưởng đến dòng chảy... Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa phải kể đến đó là hệ thống tiêu thoát nước của thành phố hiện nay được xây dựng cách đây hàng chục năm về trước. Vì vậy, quy trình và tiêu chuẩn tính toán lượng mưa và tiết diện cống không phù hợp với lượng mưa bây giờ, dẫn đến khi mưa lớn, kéo dài, nước không tiêu thoát kịp, xảy ra tình trạng ngập nước trên các tuyến phố.

Để khắc phục tình trạng ngập nước khi mưa lớn kéo dài, cũng theo ông Lê Đức Thao, TP Thanh Hóa đã xây dựng đề án chống ngập với giải pháp căn cơ nhất là thay hệ thống cống thoát nước có đường kính lớn hơn. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là nguồn kinh phí mà còn ở cách làm, vì hệ thống thoát nước hiện đang sử dụng được thiết kế từ thời Pháp thuộc và hồ sơ lưu trữ đã bị mai một. Bên cạnh đó, việc đường phố đào lên không chỉ làm mất mỹ quan đô thị... Chính những vướng mắc trên, đến nay “bài toán” giải quyết tình trạng ngập nước vẫn đang bế tắc. Trong khi chờ đề án tiếp tục hoàn thiện, giải pháp của thành phố lúc này là thường xuyên tổ chức nạo vét hệ thống tiêu thoát nước và vệ sinh lá cây, mở rộng cửa thông nước, nhằm khơi thông dòng chảy.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]