(vhds.baothanhhoa.vn) - Hai sản phẩm: Tinh dầu quế và Quế thanh Thường Xuân của Công ty TNHH một thành viên quế Thường Xuân được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 đã tạo cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị giống quế quý bản địa.

Chương trình OCOP góp phần bảo tồn quế ngọc Thường Xuân

Hai sản phẩm: Tinh dầu quế và Quế thanh Thường Xuân của Công ty TNHH một thành viên quế Thường Xuân được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 đã tạo cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị giống quế quý bản địa.

Chương trình OCOP góp phần bảo tồn quế ngọc Thường XuânTinh dầu quế và Quế thanh Thường Xuân trưng bày tại Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” nhân kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. (Ảnh: Tư liệu)

Từ lâu quế ngọc đã là một sản phẩm nổi tiếng quý hiếm mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Thường Xuân. Sử sách ghi lại, quế ngọc Thường Xuân được làm quà tặng đưa vào Huế để tiến vua. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), cây quế ở Thường Xuân được “khắc hình tượng vào Nghị đỉnh” tức là 1 trong 9 đỉnh đồng lớn đặt trong Đại nội Huế. Danh thơm quế ngọc đất Châu Thường (tên gọi vùng đất Thường Xuân xưa) còn được lưu truyền dân gian với những tên gọi quế Trịnh Vạn, quế Bạch, hay “Giao chỉ ngọc quế”.

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Thường Xuân khí hậu ôn hòa, hệ thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có cây quế. Quế Thường Xuân không chỉ là sản vật quý hiếm mà còn là biểu tượng giá trị tinh túy trong đời sống của người dân nơi đây. Đông y xem quế là một trong tứ đại danh dược “Sâm, Nhung, Quế, Phụ”. Quế còn được phổ biến trong chế biến thực phẩm, làm đẹp...

Trước đây, cây quế Thường Xuân phát triển mạnh mẽ không chỉ ở vùng “5 Xuân”: Xuân Thắng, Xuân Lộc, Vạn Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ mà còn ở nhiều xã trên địa bàn. Cây quế còn được trồng ở các huyện: Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Bá Thước... Nhưng khoảng từ năm 1986, nghề trồng quế Thường Xuân dần mai một do khó tiêu thụ, người dân không còn mặn mà.

Từ năm 1991 - 1995, nhận thấy giá trị lớn của cây quế nên UBND huyện Thường Xuân đã vận động người dân trồng lại khoảng 250 ha và đến năm 2000 đạt khoảng 600 - 700 ha. Song, do giá cả thị trường bấp bênh, sản phẩm không có đầu ra ổn định nên việc trồng quế cũng như thu mua nguyên liệu quế không thu hút được người dân.

Đến năm 2015, huyện Thường Xuân đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc Thường Xuân, giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Đề án được thực hiện trên 17 xã, thị trấn của huyện, trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực “5 Xuân”. Sau khi đề án được duyệt, huyện đã chọn lọc được 1.000 cây quế giống bản địa có bộ gen tốt để bảo tồn. Đến năm 2020, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), 2 sản phẩm Tinh dầu quế và Quế thanh Thường Xuân do Công ty TNHH MTV Quế Thường Xuân sản xuất, được xếp hạng 3 sao. Đây là cơ hội để phát triển các sản phẩm từ cây quế, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo động lực tiếp tục bảo tồn giống quế bản địa. Sau khi sản phẩm được xếp hạng 3 sao, Công ty TNHH MTV quế Thường Xuân đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, lan tỏa hình ảnh thương hiệu quế ngọc Châu Thường xưa. Đồng thời, nâng tầm sản phẩm Tinh dầu quế, Quế thanh Thường Xuân lên hạng OCOP 5 sao...

Đức Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]