(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), tạo bước đột phá mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính công.

Chuyển đổi số ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa

Thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), tạo bước đột phá mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính công.

Chuyển đổi số ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh HóaKhách hàng đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe chỉ mất 2 - 3 phút để hoàn thành hồ sơ, thủ tục.

Năm 2022, Thanh Hóa đã có bước cải thiện đáng kể trên bảng xếp hạng về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), xếp thứ 5 cả nước và tăng 19 bậc so với năm 2021; Chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp thứ 10, tăng 4 bậc so với năm 2021; 2 năm liên tục giữ vị trí thứ 3 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)… Đây là minh chứng cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong chỉ đạo thực hiện công tác CCHC nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ trên, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh CCHC gắn với CĐS. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tập trung phát triển các phần mềm ứng dụng đồng bộ, hiện đại; phát triển các kênh giao tiếp hỗ trợ người dân qua mạng xã hội facebook, zalo...; tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cấp, hoàn thiện các tính năng trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; thu phí, lệ phí bằng biên lai điện tử trên hệ thống thông tin một cửa điện tử; thanh toán tiền phí, lệ phí trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia; gửi giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả qua zalo; 100% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được số hóa điện tử khi tiếp nhận; 100% TTHC thực hiện tại trung tâm được thiết lập quy trình điện tử trên hệ thống thông tin một cửa điện tử, qua đó đảm bảo việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, đơn vị được thực hiện một cách công khai, minh bạch trên môi trường mạng; thuận tiện cho tổ chức, cá nhân trong tra cứu quá trình giải quyết TTHC cũng như xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong việc đảm bảo giải quyết TTHC đúng tiến độ, thời hạn quy định; trang bị công cụ ký số phục vụ tổ chức và cá nhân đến giải quyết TTHC tại trung tâm...

Từ năm 2022 đến nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh bình quân có khoảng 1.500 lượt truy cập hằng ngày; trang mạng xã hội facebook và zalo của trung tâm đã chia sẻ, cập nhật nhiều tin, bài liên quan đến TTHC trực tuyến, CĐS và triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ với hơn 33.000 lượt truy cập trang và hàng chục ngàn lượt tương tác mỗi năm. Hằng năm, tổng đài 02373.900.900 của trung tâm tiếp nhận, trả lời trên 30.000 cuộc gọi của công dân đề nghị hướng dẫn, tư vấn và giải đáp về việc giải quyết TTHC; hệ thống nhắn tin tự động đã gửi trên 150.000 tin nhắn SMS cho tổ chức, công dân để thông báo hồ sơ được giải quyết trước hạn, trả lại, bổ sung.

Thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai thực hiện xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số (đặc biệt là Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan; trung tâm đã triển khai, hướng dẫn thực hiện các nội dung thuộc nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu đề ra; đã chủ động rà soát các tính năng kỹ thuật, yêu cầu về nghiệp vụ và chức năng ứng dụng của Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh do trung tâm được giao quản trị để đáp ứng yêu cầu kết nối, khai thác dữ liệu từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC của tỉnh.

Hiện nay, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được tích hợp, đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác, thường xuyên, liên tục trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (VDXP) với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí được thực hiện qua nền tảng thanh toán trực tuyến Payment Platform trên Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp tổ chức, công dân tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho xã hội khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, không phải chứng thực, nộp giấy tờ liên quan đến công dân (sổ hộ khẩu, thẻ căn cước công dân, chứng minh thư Nhân dân...) mỗi khi thực hiện TTHC; không phải cung cấp, kê khai thông tin một cách thủ công nhiều lần; công chức xử lý hồ sơ thuận tiện, nhanh chóng, không phải nhập dữ liệu thủ công trên các phần mềm khác nhau; chưa kể chi phí lưu trữ bản giấy, rủi ro khi tham gia giao thông. Hiện nay Cổng dịch vụ công của tỉnh đã kết nối, liên thông dữ liệu với 17 hệ thống thông tin của các bộ, ngành… Mặt khác, trung tâm thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa các cấp về nghiệp vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC: hướng dẫn triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; hướng dẫn đồng bộ dữ liệu liên thông từ hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh sang hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, như: hệ thống dữ liệu cấp đổi giấy phép lái xe (Bộ Giao thông - Vận tải), hệ thống dịch vụ công thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua (Bộ Xây dựng), hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch, hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp (Bộ Tư pháp), hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)... để giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng suất làm việc, giảm bớt các thao tác xử lý trên các phần mềm.

Việc triển khai hiệu quả cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử các cấp trên địa bàn tỉnh đã góp phần xây dựng chính quyền điện tử, đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, công khai, minh bạch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết TTHC, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá của các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước.

Trung tâm đã cung cấp 734 dịch vụ công trực tuyến (trong đó: 617 dịch vụ công toàn trình; 117 dịch vụ công một phần). Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh từ ngày 23-7-2021 đến ngày 31-3-2023 là 121.152 hồ sơ (trong đó, toàn trình là 117.683 hồ sơ, một phần là 3.469 hồ sơ). Tổng số TTHC được triển khai thanh toán trực tuyến là 292 thủ tục. Tổng số TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến: 69 thủ tục. Tổng số hồ sơ thanh toán trực tuyến: 6.321 hồ sơ. Tổng số biên lai điện tử thu phí, lệ phí: 230.000 biên lai…

Với việc ứng dụng các giải pháp CĐS, nâng cao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến một phần, dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giúp tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện TTHC, có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày tại bất cứ đâu có kết nối mạng internet. Thay thế dần phương thức giao dịch thủ công, truyền thống bằng phương thức trực tuyến một phần, trực tuyến toàn trình linh hoạt, dễ dàng theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ… Từ đó, góp phần tạo sự thuận lợi trong tương tác giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan Nhà nước thông qua các giao dịch trực tuyến, đẩy mạnh CĐS trong cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính công, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]