(vhds.baothanhhoa.vn) - Thuốc lá vẫn đang hiện hữu đều đều trong đời sống của người Việt. Người ta nói quá nhiều về tác hại của thuốc lá đến nỗi ai cũng biết, ai cũng thuộc. Tấm bảng nhỏ “No smoking” dường như xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu, từ trường học, công sở cho đến những nơi công cộng, nhưng nhiều người vẫn cứ vô tư hút, vô tư nhả khói ở bất cứ nơi nào đông người, dù đã có những quy định rất cụ thể được cụ thể hóa thành luật. Mua thuốc lá ở ta dễ như mua cái kẹo và giá cũng khá rẻ nên trào lưu hút thuốc không hề suy giảm vì biện pháp chế tài bất cập và còn quá nhẹ.

Chuyện hút thuốc lá xưa và nay

Thuốc lá vẫn đang hiện hữu đều đều trong đời sống của người Việt. Người ta nói quá nhiều về tác hại của thuốc lá đến nỗi ai cũng biết, ai cũng thuộc. Tấm bảng nhỏ “No smoking” dường như xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu, từ trường học, công sở cho đến những nơi công cộng, nhưng nhiều người vẫn cứ vô tư hút, vô tư nhả khói ở bất cứ nơi nào đông người, dù đã có những quy định rất cụ thể được cụ thể hóa thành luật. Mua thuốc lá ở ta dễ như mua cái kẹo và giá cũng khá rẻ nên trào lưu hút thuốc không hề suy giảm vì biện pháp chế tài bất cập và còn quá nhẹ.

Chuyện hút thuốc lá xưa và nay

Ảnh minh họa.

Tôi là người quen mùi khói thuốc từ nhỏ vì ông nội là người nghiện nặng. Có lần tôi hỏi: “Ông hút thuốc lá từ khi nào?”. Ông bập điếu thuốc rê cho cháy đỏ lựng nhả khói cười khà khà, nói: “Ông hút từ lúc mới 12 tuổi. Ngày ấy đi làm ruộng lạnh lắm nên hút cho ấm rồi thành thói quen và nghiện từ khi nào không hay”. Ở cái thời xa xưa ấy hễ là đàn ông thì biết hút thuốc, còn phụ nữ thì ăn trầu là lẽ thường tình. Người ta hút thuốc lá bằng thứ nguyên liệu tự trồng lấy. Những lá thuốc sau khi thu hoạch được thái thành sợi mỏng, phơi khô rồi quấn với giấy quyển mà hút. Trong hành trang đi làm mỗi ngày của đàn ông không bao giờ thiếu hộp thuốc. Họ có thể nhịn ăn, nhịn uống, nhưng thiếu thuốc lá là không làm gì được. Tôi từng chứng kiến ông bác hàng xóm phải bỏ dở ngày đi rừng để ngược trở về lấy thuốc sau khi cuốc bộ đoạn đường đèo dốc hơn ba tiếng đồng hồ. Ông chú làm nghề hái dừa thuê phải thả cái dây dài mười mấy mét cho bà vợ cột gói thuốc vào để kéo lên mà hút khi đã lỡ ngồi trên ngọn dừa. Xưa giới lao động bình dân ghiền thuốc đã nhiều, giới công chức nghiện làn khói trắng cũng không ít. Thuốc lá ngày xưa ăn sâu vào đời sống của con người và tồn tại như một sự hiển nhiên.

Khi lớp người ăn trầu, hút thuốc đã qua đi và người ta nhận thức quá rõ về tác hại của thuốc lá, những tưởng thói quen này sẽ dần bị mai một theo thời gian. Số người ăn trầu giờ hầu như không còn thấy, nhưng số người hút thuốc hầu như không hề giảm. Thuốc lá có mặt ở khắp nơi và một sự thật đáng buồn là giới nghiện thuốc lá ngày càng trẻ hóa. Những tốp học sinh nam sau khi tan học sà vào các hàng quán trước cổng trường ngang nhiên nhả khói. Việc hút thuốc lá để... tập làm người lớn khá phổ biến ở một bộ phận giới tuổi teen. Trend hút thuốc lá điện tử đã đến mức báo động. Những nữ sinh mặt mũi non choẹt ngất ngây theo làn khói là hồi chuông cảnh báo cho sự buông lỏng trong giáo dục từ gia đình, nhà trường, ra xã hội.

Trong khi Nhà nước cấm quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thì các hãng thuốc lá lại tiếp cận khách hàng tiềm năng ở các quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng bằng đội ngũ tiếp thị mời chào giới thiệu sản phẩm mới. Nhiều bệnh viện có dán quy định phạt tiền nhưng chỉ để... “hù dọa” là chính, vì ai sẽ là người phạt, người thu đây? Không biết nguồn thu thuế từ thuốc lá có bù đắp nỗi hệ lụy do thuốc lá gây ra hay không? Để giảm những con số trên không thể tuyên truyền suông mà phải tăng các biện pháp chế tài, quy định nghiêm ngặt hơn với việc hút thuốc... như các quốc gia Singapore, Malaysia, thì mới mong giảm số người nghiện thuốc.

Nhân Ngày thế giới không hút thuốc lá (31-5) năm nay, chúng ta hãy cùng nhận thức và đề cao hành động hơn nữa, để hạn chế đi những tác hại không đáng có.

Bùi Duy Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]