(vhds.baothanhhoa.vn) - 5 giờ sáng, tiếng chuẩn bị đồ đoàn, tiếng mở cửa, tiếng xe nổ máy lẹt đẹt phát ra từ nhà ông Nguyễn Bá Đức (SN 1963) ở phố Lập Công, phường Bắc Sơn, TP. Sầm Sơn). Những tưởng, với thứ âm thanh hỗn tạp vào thời điểm nhiều người còn ngon giấc sẽ là sự phiền toái. Ấy nhưng, mọi người nơi đây cho rằng, đó là những âm thanh quen thuộc và cảm thông cho công việc đầy khó nhọc của “người canh biển” - biệt hiệu mà bà con lối xóm gọi ông suốt 25 năm qua.

Chuyện kể của “người canh biển”

5 giờ sáng, tiếng chuẩn bị đồ đoàn, tiếng mở cửa, tiếng xe nổ máy lẹt đẹt phát ra từ nhà ông Nguyễn Bá Đức (SN 1963) ở phố Lập Công, phường Bắc Sơn, TP. Sầm Sơn). Những tưởng, với thứ âm thanh hỗn tạp vào thời điểm nhiều người còn ngon giấc sẽ là sự phiền toái. Ấy nhưng, mọi người nơi đây cho rằng, đó là những âm thanh quen thuộc và cảm thông cho công việc đầy khó nhọc của “người canh biển” - biệt hiệu mà bà con lối xóm gọi ông suốt 25 năm qua.

Chuyện kể của “người canh biển”

Ông Nguyễn Bá Đức được người dân gọi với biệt hiệu “người canh biển” suốt 25 năm qua.

Tôi tình cờ gặp và quen biết ông trong tình cảnh không mấy thân thiện. “Anh kia, không sợ chết à, có nghe còi báo không?”. Người đàn ông với vóc dáng to cao, nước da sạm đen, vẻ mặt nghiêm nghị quát lớn. Tôi kịp nhận ra sự chủ quan của mình khi cho rằng bản thân là người sinh ra ở vùng sông nước, nên có thể bơi xa một chút. Sau phút trấn tĩnh, tôi nhẹ nhàng đáp lỗi: “Bác thông cảm, nghe tiếng còi của bác, em bơi vào ngay!”…

Sau hồi chuyện trò, hết ca trực, ông kéo tôi về nhà để uống với ông chén rượu nhạt. Chẳng lý do gì, chỉ bởi ông nói quý tôi.

Căn nhà nhỏ nằm nép mình giữa khu phố sầm uất. Bên trong căn nhà không quá rộng rãi, đồ đoàn giản đơn lọt thỏm trong không gian xưa cũ. Ở hiên nhà, bày một gốc cây nhỏ cắt mặt phẳng, dùng làm bàn trà uống nước. Bỏ chiếc mũ cối xuống, ông rít điếu thuốc lào, nhả khói vào không trung từ từ nói: “Tôi đoán anh cũng người sành sỏi về bơi lội. Tuy nhiên, ở đây có quy định, và còn có nhiều du khách khác nữa, không thể ngoại lệ. Mà kể cũng lạ, tôi chưa thấy ai đi du lịch lại đi một mình như anh, hay giận vợ giận con gì… Nói anh bỏ quá, chớ nghĩ dại!”.

Nghe những thắc mắc của ông, tôi phì cười, đáp vội: “Em là hoa tiêu, đến trước lo liệu cho đoàn cán bộ cơ quan. Theo lịch, trưa mai đoàn sẽ vào, chứ giận vợ giận con gì đâu bác!”.

Từ ngoài cửa, vợ ông Đức trở về nhà với mớ hải sản còn tươi roi rói vừa mua được từ một người quen ở chợ Cột Đỏ. Ông nhìn mớ hải sản mà hồ hởi, mặt vui mừng phấn khích: “Tốt quá bà nó ơi. Đúng dịp nhà có khách. Lát tôi gọi thêm anh Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa qua một thể”. Nói rồi ông kéo tay tôi lại gần thuyết trình: “Mớ hải sản dù không được bắt mắt như trong các nhà hàng, khách sạn… nhưng lát anh thưởng thức, cái vị nó ngọt, nhâm nhi, uống được rượu ra trò”.

Trái ngược với không khí nhộn nhịp, lộng lẫy ngoài phố, tổ ấm bên trong của hai vợ chồng ông cho tôi một cảm nhận thật đặc biệt, vui nhộn khi có nhiều tiếng cười, nói. 25 năm qua, vào mỗi mùa du lịch, ông Đức lại gác việc đi biển để ở nhà tình nguyện làm người cứu hộ cho du khách dù không có lương bổng gì. Nhiều người ban đầu bảo ông là gã gàn. Vợ con cũng từng khuyên bảo ông thôi. Tuy nhiên, ông bảo đến với công việc cứu hộ cũng là cái duyên gắn với đời ông, làm vì chữ “tâm” như một định mệnh.

Chuyện kể của “người canh biển”

Ông Đức với công việc thường ngày của mình trên bãi biển Sầm Sơn

Cơ duyên đến vào một mùa hè ông không nhớ rõ. Trong lần ở nhà để tu sửa lại tàu thuyền, ông hốt hoảng khi phát hiện có hai bác cháu (là du khách từ Hà Nội) bị đuối nước. Không ngần ngừ, ông bơi ra bể kéo hai người vào. Ông nhớ, đứa cháu tình trạng thoi thóp, tuy nhiên người bác thì đã ngất lịm. Phải mất gần 30 phút sơ cứu, hô hấp… sau đó hai bác cháu được đưa đi cấp cứu kịp thời. Mấy ngày sau, hai bác cháu xuống bãi biển tìm và cảm ơn ông.

Cũng từ đó mùa hè năm nào hai bác cháu cũng vào Sầm Sơn qua nhà hàn huyên, hỏi han sức khỏe, cảm ơn ông cứu mạng.

“Nụ cười của đứa nhỏ hôm nào, sự biết ơn của người bác và cảm xúc khi bản thân có thể góp phần giúp cho vùng biển quê nhà đẹp và an toàn hơn trong mắt du khách, giúp tôi có thêm động lực để làm việc”, ông Đức chia sẻ.

Kể thêm về nghề “cứu hộ biển”, ông Đức bảo có thâu đêm cũng không hết chuyện. Nếu như thời điểm khi ông mới tham gia cứu hộ, trang bị chỉ có cờ với còi thì bây giờ có chòi cao để quan sát, theo dõi; có mô tô, xuồng máy, có phao tiêu, biển cảnh báo… Thậm chí ngồi ở khu vực trung tâm điều hành có thể nhìn qua camera để theo dõi và cảnh báo. Dẫu trang bị, công nghệ đang góp phần to lớn vào công tác cứu hộ, song ông khẳng định máy móc không thể thay thế được vai trò của con người.

Những người trong tổ đội cứu hộ biển đều xuất phát từ cái tâm, sẻ chia vì sự phát triển của biển Sầm Sơn. Cũng đã có nhiều người sau những năm cống hiến vì điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình mà phải nghỉ. Nhưng đến nay, cũng nhiều những trường hợp có gia đình cả ba thế hệ đều tham gia đội cứu hộ.

Chuyện kể của “người canh biển”

Sầm Sơn ngày càng đẹp, yên bình và an toàn hơn đối với du khách nhờ sự góp sức của những người làm nhiệm vụ cứu hộ.

Ông Đức cho biết thường những trường hợp chẳng may đến với du khách rơi vào những khung giờ không ai nghĩ tới, có khi đêm khuya, có khi sáng sớm… Bất kể!

Trong đó, ông Đức bảo có nhiều trường hợp uống rượu, uống bia rồi ra biển tắm. Có những trường hợp không hiểu tính chất công việc của các ông thì cho rằng các ông ngăn cản du khách. Thậm chí có những du khách còn cho mình cái quyền lăng mạ, quát tháo… Song, theo ông Đức, đa phần du khách họ hiểu, cảm thông, chia sẻ.

Dù không còn trẻ, nhưng ông Đức khẳng định sẽ tình nguyện làm cho đến khi sức khỏe không cho phép. Đúng như anh Dương Đức Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Sầm Sơn từng chia sẻ với tôi: Trong các tổ đội cứu hộ trên biển vẫn còn có những người lão làng giàu kinh nghiệm. Họ là những người đang “thắp lửa” và truyền những kinh nghiệm quý báu cho thế hệ kế cận. Những kinh nghiệm đó, không phải ai khi mới làm cũng có thể biết được.

Hiện tổ đội cứu hộ biển có tổng 55 thành viên, trong đó có 8 thành viên thuộc Đội Phòng cháy, chữa cháy, còn lại 47 tình nguyện viên là người dân từ các phường, xã đăng ký tham gia. Đây chủ yếu là lực lượng trẻ, có tâm huyết, khả năng bơi lội, thực hành sơ cấp cứu. Thời gian cao điểm mùa du lịch từ tháng 4 đến tháng 9 với 100% quân số sẽ túc trực cứu hộ trên biển. Để khích lệ cũng như động viên các tổ đội cứu hộ, UBND thành phố Sầm Sơn cũng có nguồn kinh phí hỗ trợ các tình nguyện viên theo định kỳ hàng tháng. Nhưng điều đó không quan trọng bằng sự đóng góp của họ đối với sự phát triển của thành phố biển.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]