(vhds.baothanhhoa.vn) - Gần 40 năm, mặc kệ mọi người “nói vào nói ra”, bà Sang vẫn gắn bó, tần tảo chăm sóc người chồng bệnh tật và đàn con thơ cả riêng và chung gần 10 đứa. Bà bảo, có lúc bế tắc tưởng không thể tiếp tục, nhưng rồi nhìn các con khôn lớn, bà lại có thêm động lực để cố gắng.

Chuyện người phụ nữ cả đời kết thân với “tử thần”

Gần 40 năm, mặc kệ mọi người “nói vào nói ra”, bà Sang vẫn gắn bó, tần tảo chăm sóc người chồng bệnh tật và đàn con thơ cả riêng và chung gần 10 đứa. Bà bảo, có lúc bế tắc tưởng không thể tiếp tục, nhưng rồi nhìn các con khôn lớn, bà lại có thêm động lực để cố gắng.

Chuyện người phụ nữ cả đời kết thân với “tử thần”

30 làm bạn với “tử thần”, bà Sang chỉ mong trời cho mình sức khỏe ngày nào hay ngày đó để lo cho chồng, con

30 năm “cõng” nghề độc hại

4 giờ sáng, trong một căn nhà nhỏ thuộc xã Hưng Lộc (Hậu Lộc), tiếng chuông báo thức điện thoại vang lên. Một lúc sau có tiếng dép lạch cạch phát ra từ căn buồng của bà Đoàn Thị Sang - người phụ nữ 58 tuổi. “Bà ơi! Bà đi đâu đó?”, tiếng đứa cháu ngoại được bà nuôi khi mới 7 tháng tuổi mếu máo. Bà Sang vội vỗ vỗ trấn an cháu, miệng khẽ à ơi để đứa cháu chìm vào giấc ngủ, tránh việc đánh thức chồng rồi lẳng lặng xuống bếp chuẩn bị đồ đạc đi làm.

Bà Sang dắt chiếc xe đạp quen thuộc ra cổng, trên xe nào là xô, bình…. Nếu thoạt nhìn qua người ta sẽ tưởng rằng người phụ nữ này làm nghề buôn bán, nhưng không, cái nghề bà Sang đang theo đuổi có lẽ phải xếp vào hàng những nghề đặc biệt nhất: Nghề phun thuốc trừ sâu thuê.

Bà chia sẻ: “Tôi làm nghề này đã gần 30 năm, ngày trước đi phun tiền công chỉ được 1.000 đồng mỗi bình, nay mọi thứ đều tăng giá nên mỗi bình được trả gấp 20 lần. Bình thường tôi phun mỗi ngày từ 10 đến 20 bình, nhưng dạo này trời nắng, mưa thất thường nên chỉ phun được 5 - 7 bình là về”.

Dựng xe trên đường lớn, bà xách bình và thuốc xuống ruộng. Bà dùng đôi tay trần bóc thuốc rồi múc nước đổ theo liều lượng định sẵn và cầm thanh tre khuấy cho thuốc hòa tan trong bình. Khó nhọc đưa bình thuốc trừ sâu nặng trịch lên vai, bà lội xuống ruộng, khỏa chiếc vòi phun, bụi thuốc bay mù mịt. Phun hết một bình thuốc, bà lại pha bình nữa, rồi bình nữa. Thời tiết bắt đầu nắng gay gắt, khiến nhịp chân bà Sang chậm lại, chiếc áo bà mặc đã ướt sũng nhưng bà vẫn cố cho xong đám ruộng. Đưa đôi bàn tay chai sần ra bà Sang bảo, từ ngày đi phun thuốc sâu thuê đến giờ, các ngón tay bà như cứng lại, thường xuyên bị đau nhức và khó cử động.

Chuyện người phụ nữ cả đời kết thân với “tử thần”

Bà Sang dùng tay trần bóc thuốc trừ sâu

Trước đây, vì chủ quan bà Sang ít khi dùng kéo cắt túi thuốc mà dùng răng cắn cho nhanh. Cộng thêm việc mỗi ngày vác bình thuốc trừ sâu nặng hàng chục kg đã khiến sức khỏe của bà ngày càng suy giảm, bà thường xuyên ốm vặt, đau đầu, rồi mắc các bệnh ngoài da.

“Vì là nghề nguy hiểm, không ai làm mới có cơ hội để tôi làm mà nuôi chồng, nuôi con. Thật tình, tôi cũng sợ lắm, chồng bị bệnh, lỡ mình đi phun thuốc sâu cũng bị nhiễm bệnh thì sẽ chẳng còn ai gánh vác việc nhà, lo cho mấy đứa con, cháu”, bà Sang tâm sự.

Họa đến nhà, đàn bà đứng lên làm trụ cột

Trong câu chuyện khi nhắc đến chồng và con, khuôn mặt bà Sang có chút buồn. Bố mẹ mất sớm, bà sống dựa vào tình yêu thương của vợ chồng người anh trai và chị gái. Cái khó, cái khổ vận vào người đã tạo cho bà một một đức tính cần cù, chăm chỉ từ nhỏ. Cứ tưởng cuộc sống sẽ yên bình trôi qua, bà sẽ gặp một người đàn ông tốt để dựa dẫm, yêu thương suốt quãng đời còn lại thì chị gái bà bị bệnh qua đời, để lại một đàn cháu nhỏ. Trong những giờ phút thập tử nhất sinh trên giường bệnh, người chị gái đã nắm tay em gái dặn dò: “Nếu chị có mệnh hệ nào thì nhờ em tiếp duyên chị để đỡ đần sớm tối cùng anh chăm sóc các cháu. Anh ấy không khỏe mạnh, giàu có như người ta nhưng sống tình nghĩa, nếu em gắn bó cùng anh ấy thì chị mới yên tâm được”.

Ban đầu bà Sang không đồng ý vì sợ người đời cười chê “tình chị duyên em”, nhưng khi nhìn 4 đứa cháu nhỏ nheo nhóc, bà Sang lại mủi lòng. Bà cứ thế về ở với ông Tăng Văn Quých mà không có một đám hỏi đúng nghĩa, thay vào đó là những lời động viên, chia sẻ của người nhà và bà con hàng xóm. Gần 40 năm nay, bà cứ vậy tiếp tục sứ mệnh làm mẹ của các con chị gái và 4 đứa con chung.

Chuyện người phụ nữ cả đời kết thân với “tử thần”

Bà Sang kết thúc công việc khi mặt trời đã đứng bóng

Gánh nặng quá lớn, bà Sang bất chấp những rủi ro về sức khỏe đến với nghề phun thuốc trừ sâu thuê để nhanh làm ra tiền lo thuốc thang cho chồng, nuôi 8 người con. Ông Quých bị hỏng một mắt, tai cũng điếc nặng, lâu nay không làm được gì. Các con lớn tuy đã có gia đình nhưng cũng chỉ đủ ăn, không thể đỡ đần bố mẹ. Các con nhỏ người làm thuê, người thất nghiệp, bà vẫn phải lo toan. Bà Sang tặc lưỡi: “Nhiều người chê, còn như tôi đây buộc phải lao vào để mưu sinh, dù biết nghề này độc hại vô cùng”.

Một mình chèo chống gánh cả trách nhiệm của chồng, bà Sang cứ lầm lũi sớm hôm: sáng sớm đi phun thuốc thuê, nắng lên thì ra ruộng cấy hái, chiều lại đi lấy cỏ cho bò, chiều muộn tiếp tục đi phun thuốc thuê cho người ta… Hỏi bà vất vả thế thì cuộc sống có vui không, bà Sang trả lời đơn giản: "Gia đình là cuộc sống của tôi. Tôi chỉ mong ông nhà khỏe mạnh để mẹ con, bà cháu tôi có điểm tựa. Cuộc sống bên ngoài đã bon chen, vất vả, về nhà chỉ mong nhìn thấy những người thân yêu vui vẻ, bình an”. Cuộc sống của người phụ nữ làng quê này là thế, họ lao động cần mẫn với một niềm tin sẽ có một tương lai tươi sáng hơn, dù có lẽ không phải cho bản thân mình.

Trời nhá nhem tối, bà Sang mới trở về nhà. Vừa thấy vợ về đến cổng, ông Quých đã dò dẫm ra dắt xe, mang đồ vào nhà giúp vợ. Chẳng ai nói với ai một câu, nhưng họ hiểu nhau rất nhiều. Cả ngày vất vả, bữa cơm tối là lúc duy nhất bà Sang tươi cười. Nhìn ánh mắt bà nhìn chồng và cử chỉ ân cần bà dành cho các con và cháu, tôi liên tưởng tới những cây cỏ dại mọc trên những cánh đồng. Cho dù sóng gió, phong ba hay sinh trưởng tại một vùng đất khô cằn thì nó vẫn sừng sững, vươn lên mạnh mẽ để được sống, dâng tặng cho đời những cánh hoa rực rỡ.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]