(vhds.baothanhhoa.vn) - Là địa phương có tới 2 lần về đích xã nông thôn mới (NTM) nhưng quá trình thực hiện ở mỗi thời điểm không giống nhau. Lần xây dựng sau khó khăn hơn bội phần so với lần đầu… Đó là câu chuyện ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh.

Chuyện ở nơi 2 lần được công nhận xã nông thôn mới

Là địa phương có tới 2 lần về đích xã nông thôn mới (NTM) nhưng quá trình thực hiện ở mỗi thời điểm không giống nhau. Lần xây dựng sau khó khăn hơn bội phần so với lần đầu… Đó là câu chuyện ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh.

Chuyện ở nơi 2 lần được công nhận xã nông thôn mới

Cảnh đẹp làng quê ở xã NTM Cán Khê.

Về đích lần 1

Năm 2011, xã Cán Khê bắt tay vào xây dựng NTM khi xuất phát điểm chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Là xã thuộc Chương trình 135 nên thực hiện tiêu chí NTM với Cán Khê là cả vấn đề lớn. Trong đó, nhiều tiêu chí không đảm bảo như thu nhập, cơ cấu lao động đặc biệt tiêu chí về giao thông khi đường trong xã 100% đường đất.

Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, sau 5 năm xây dựng NTM, những con đường đất đã “biến” thành đường bê tông. Nhờ làm tốt công tác đổi điền, dồn thửa đã tạo điều kiện cho người dân đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó nổi bật với vùng trồng riềng tập trung có tổng diện tích 120ha, cho giá trị 140 triệu - 150 triệu đồng/ha/năm. Cùng với đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người ở Cán Khê từ 13 triệu đồng/năm vào năm 2011 lên 27,5 triệu đồng/năm vào năm 2017. Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã (lúc bấy giờ là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cán Khê), nhớ lại: “Một cuộc hành trình với nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, do cán bộ ban chỉ đạo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, Nhân dân đồng thuận ủng hộ. Năm 2017, xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra và xã cũng ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn”.

Vào cuối năm 2019, thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị hành chính, huyện Như Thanh đã tiến hành sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số xã Xuân Thọ vào xã Cán Khê. Vấn đề đặt ra, trước khi sáp nhập, Xuân Thọ chưa về đích NTM, nên sau sáp nhập, xã Cán Khê thêm một lần nữa phải xây dựng lại xã NTM với nhiều khó khăn hơn.

Về đích lần 2

Trước sáp nhập, xã Xuân Thọ còn 6/19 tiêu chí chưa hoàn thành, chủ yếu là tiêu chí khó như: thu nhập, văn hóa, môi trường... Hộ nghèo của xã là 12,7% và mới có 1/6 thôn đạt thôn NTM. Sau khi rà soát, đánh giá các tiêu chí, huyện Như Thanh giao nhiệm vụ xây dựng xã Cán Khê đạt chuẩn NTM vào năm 2021.

Sáp nhập, xã Cán Khê có 39,29km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 7.944 người với 18 thôn. Tăng diện tích, tăng khẩu, tăng thôn và những tiêu chí chưa đạt chuẩn thì lại cần nguồn kinh phí lớn để thực hiện. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn trông chờ ỷ lại vào nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Thời điểm năm 2020 - 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng NTM của địa phương. “Khó nhưng vẫn phải quyết tâm thực hiện. Nhân dân đồng thuận mà đúng định hướng thì làm, quá sức dân thì phải khoan thư sức dân”, ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Cán Khê, cho biết.

Chuyện ở nơi 2 lần được công nhận xã nông thôn mới

Nhà văn hóa thôn Mó 2 được đầu tư xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và Nhân dân trong thôn đóng góp.

Và để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng NTM sau khi sáp nhập xã, Đảng ủy xã Cán Khê đã kiện toàn Ban chỉ đạo và bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo, phân công 1 công chức cấp xã làm công tác chuyên trách về xây dựng NTM; tham mưu kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện, đồng thời thành lập các ban phát triển ở các thôn, bản.

Lòng dân ủng hộ và được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền, khó cũng thành dễ. Cuối năm 2021, xã Cán Khê đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trong cuộc hành trình này, xã đã huy động nguồn lực 414,81 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 291,35 tỷ đồng (chiếm 70,24%).

Trở về thôn Mó 2 (1 trong 4 thôn khó khăn của xã Xuân Thọ trước đây), thôn đạt NTM sau sáp nhập xã, được nghe Bí thư Chi bộ thôn Lê Sỹ Cương kể lại quá trình xây dựng thôn NTM càng thấy rõ hơn sự quyết tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM. Trước sáp nhập xã, thôn Mó 2 mới đạt 9/14 tiêu chí, chỉ sau 8 tháng xây dựng thôn NTM, thôn đã hoàn thành 5 tiêu chí còn lại và về đích đúng kế hoạch. Bí thư Cương nhớ lại: “Thời gian này, nhà văn hóa thôn chưa có, đường bê tông hóa mới đạt 80%... Một số hộ dân không chấp hành thực hiện các tiêu chí. Chúng tôi đã đến từng hộ dân để vừa vận động, tuyên truyền vừa trực tiếp tham gia đào mương, đào rãnh, phá dỡ tường rào... Bà con cũng từng bước hiểu và đồng thuận. Xã giao mà không hoàn thành thì càng đẩy xa tiến độ về đích NTM của xã".

Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Cán Khê, cho biết thêm: “Thêm 1 lần xây dựng NTM là thêm thử thách, sự kiên trì, lòng quyết tâm. Phải nói là vô cùng khó. Nhưng Cán Khê có sự đồng lòng, đoàn kết bởi xã làm công việc gì cũng phải bàn với dân, cuối năm báo cáo với Nhân dân, vì vậy mới tạo được sự đồng thuận của người dân. Nhân dân tích cực hưởng ứng, đóng góp. Theo mục tiêu của Đảng bộ, đến năm 2025, Cán Khê sẽ về đích xã NTM nâng cao. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2025 có 35,5% thôn NTM kiểu mẫu”.

Bài và ảnh: Anh Hoàng


Bài và ảnh: Anh Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]