(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở tuổi “xưa nay hiếm”, vợ chồng ông Lê Văn Đình và bà Nguyễn Thị Tiệc ở xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân luôn dành cho nhau tình cảm đong đầy. Với tình yêu âm nhạc cùng sự đồng điệu trong tâm hồn đã giúp họ chung tay xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc, cùng nhau thực hiện lời hẹn ước “đầu bạc răng long”.

Chuyện tình của đôi vợ chồng “nghệ sĩ” nơi làng quê xứ Thanh

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, vợ chồng ông Lê Văn Đình và bà Nguyễn Thị Tiệc ở xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân luôn dành cho nhau tình cảm đong đầy. Với tình yêu âm nhạc cùng sự đồng điệu trong tâm hồn đã giúp họ chung tay xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc, cùng nhau thực hiện lời hẹn ước “đầu bạc răng long”.

Chuyện tình của đôi vợ chồng “nghệ sĩ” nơi làng quê xứ Thanh

Ở tuổi “xưa nay hiếm” ông bà Lê Văn Đình - Nguyễn Thị Tiệc vẫn luôn dành tình yêu cho âm nhạc và ca hát.

Về xã Xuân Giang hỏi thăm gia đình ông Lê Văn Đình, bà Nguyễn Thị Tiệc, người làng chẳng ai không biết. Đặc biệt, có người còn nói vui đùa mà rất thật: “Các cô cứ theo hướng có tiếng đàn ghi-ta, tiếng hát là kiểu gì cũng tìm đến được nhà ông Đình bà Tiệc”.

Chuyện tình của đôi vợ chồng “nghệ sĩ” nơi làng quê xứ Thanh

Hai ông bà cùng chơi đàn ghi-ta.

Bước chân vào ngôi nhà mái ngói đơn sơ, ấn tượng đầu tiên chính là hình ảnh đôi vợ chồng già đang ôm đàn ghi ta say sưa hát. Cụ ông đàn, cụ bà hát. Bà hát vọng cổ, rồi thì cải lương chuyện tình Lan và Điệp. Cao hứng, cụ bà còn mang đàn thập lục ra vừa đàn vừa hát. Nhìn cách đôi vợ chồng già đàn hát cùng nhau, thật giống như những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Không có son phấn cầu kì, cũng chẳng có điệu bộ kiểu cách, chỉ có tình yêu với âm nhạc hiển hiện trên gương mặt đậm dấu thời gian của đôi vợ chồng già.

Chuyện tình của đôi vợ chồng “nghệ sĩ” nơi làng quê xứ Thanh

Ông đệm đàn ghi-ta, bà chơi đàn thập lục.

Nở nụ cười móm mém hồn hậu, vừa rót nước mời khách, ông bà chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình của mình. Từ hơn nửa thế kỷ trước, khi còn là thiếu nữ, cô gái Nguyễn Thị Tiệc đã nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới bởi giọng hát hay, là hạt nhân tích cực trong phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương. Khi bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc và lưu lại địa phương, buổi tối các anh bộ đội mang đàn ghi-ta, đàn thập lục ra đánh, cô gái Nguyễn Thị Tiệc thích thú vô cùng. Ngày ấy, mỗi khi ăn cơm tối xong, cô lại mượn đàn của các anh bộ đội để tập. Sẵn có năng khiếu bẩm sinh, nên được dạy vài hôm, cô gái của làng quê Xuân Giang đã biết chơi thành thạo cả 2 loại nhạc cụ. Cứ như vậy, tiếng đàn, tiếng hát của cô thôn nữ Nguyễn Thị Tiệc hòa cùng lời ca, tiếng hát của các chú bộ đội rộn rã khắp xóm làng.

Chuyện tình của đôi vợ chồng “nghệ sĩ” nơi làng quê xứ Thanh

Những ngón tay của bà Nguyễn Thị Tiệc “lướt” trên cây đàn như người nghệ sĩ thực thụ.

Cũng vì say mê tiếng đàn, tiếng hát của cô gái Nguyễn Thị Tiệc mà nhiều người trong làng đã đến xin “tầm sư”. Trong số đó, có chàng trai Lê Văn Đình. Ông nhớ lại: Ngày ấy, từ say mê tiếng đàn, tiếng hát mà ông yêu bà lúc nào không hay. Ông chỉ là học sinh của bà thôi. Khi ông ngỏ lời yêu thì bà bắt đầu dạy đàn cho ông. Ông bên đó, bà bên đây, bà “thách” ông phải biết đàn các bài bà dạy thì mới đồng ý lấy ông. Và vì thế, phải 2 năm sau ông mới cưới được bà.

Tiếp lời chồng, cụ bà Nguyễn Thị Tiệc tâm tình: “Tôi yêu cây đàn lắm. Nhiều lúc tôi cứ đùa ông ấy rằng: Ông giận chi thì giận, ông mà động vô cây đàn là tôi đánh ông liền”.

Có lẽ, vì dành nhiều tình cảm cho cây đàn, mà cụ bà Nguyễn Thị Tiệc đã viết nhiều vần thơ về đàn: “Cây đàn làm bạn tâm giao/ Đã cùng tôi đi hết cuộc đời/ Cung oán cung thương thay lời tâm sự/ Gửi tiếng lòng qua những dây tơ”.

Chuyện tình của đôi vợ chồng “nghệ sĩ” nơi làng quê xứ Thanh

Căn nhà ngói đơn sơ trong không gian làng quê của đôi vợ chồng già luôn rộn vang tiếng đàn, tiếng hát.

Thấu hiểu tiếng lòng của vợ, cụ ông Lê Văn Đình cũng gửi gắm: “Cuộc đời đan xen lắm gian nan/ Tre trúc đời ta xóa nghèo nàn/ Ca dao thuận vợ chồng bè bạn/ Mây mù chan nắng mới chang chang/ Chẳng kinh, chẳng sử cũng dùi mài/ Vuông tròn sẵn có bốn bàn tay/ Trăm vành cũng mặc đời điên đảo/ Lận đận ngày đêm nức tiếng tài”.

Chuyện tình của đôi vợ chồng “nghệ sĩ” nơi làng quê xứ Thanh

Để có tiền trang trải cuộc sống, ông Đình bà Tiệc vẫn cần mẫn lao động mỗi ngày.

Hơn 60 năm nên duyên vợ chồng, từ tình yêu âm nhạc đến tình yêu đôi lứa, từ khi tóc hãy còn xanh đến nay đã bạc mái đầu, trong thâm tâm đôi vợ chồng già vẫn khắc ghi lời ước nguyện năm xưa: “Thề xưa giữ trọn đạo bằng/ Nguyện trăm năm một tấm lòng thủy chung/ Ngâm câu phu xướng phụ tòng/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”.

Chuyện tình của đôi vợ chồng “nghệ sĩ” nơi làng quê xứ Thanh

Chuyện tình thủy chung của ông bà được nhiều người mến mộ.

Đọc đến đây, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ, hẳn ông bà phải có cuộc sống vật chất đủ đầy thì mới có thể an vui tuổi già đến như vậy. Và tôi cũng nghĩ như thế, cho đến khi biết rằng, hằng ngày ông Lê Văn Đình và bà Nguyễn Thị Tiệc vẫn cần mẫn với nghề đan lát để có tiền trang trải cuộc sống. Ông nói: “Vợ chồng ông bà không có lương, con cháu làm nông nghiệp cũng khó khăn, ông bà cũng không muốn trở thành gánh nặng cho con. Vả lại, mình còn sức khỏe, còn làm được việc. Vì thế, hằng ngày ông vào làng mua cây tre, cây nứa rồi về chẻ nan, đan cái rế, cái rổ, sau đó bà mang đi chợ bán. Chẳng đáng là bao, nhưng tuổi già cũng chỉ cần cơm canh đạm bạc, không đòi hỏi nhiều. Những lúc rỗi rãi là mang đàn ra hát. Đàn bài chuồn chuồn, bài vọng cổ... Ông đàn thường hay lỡ nhịp, đôi khi lỡ nhịp là bà lấy song loan “cốp liền”, vậy nhưng ông không giận mà lại thấy vui. Cuộc sống của ông bà cứ vậy thôi, không ưu tư muộn phiền, chỉ lấy tiếng đàn, lời ca để bắc nhịp cầu tâm giao”.

Trong những năm tháng chiến tranh, vợ chồng ông bà Lê Văn Đình - Nguyễn Thị Tiệc thường xuyên tham gia các hội diễn văn nghệ tại địa phương, góp vui cho bà con lối xóm bằng lời ca, tiếng hát ngọt ngào và tiếng đàn sâu lắng. Giờ đây, hai cụ vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do xã, huyện tổ chức. Có nhiều gia đình trong làng vì mến tài năng nên đã mời ông bà đến biểu diễn trong những dịp vui. Không chỉ vậy, ngôi nhà nhỏ đơn sơ của ông bà còn là nơi gặp gỡ của người già, trẻ nhỏ trong xóm ghé chơi để được nghe đàn, nghe hát và rồi được ông bà truyền dạy.

Cứ như vậy, với người dân làng quê Xuân Giang suốt nhiều năm qua, ông Đình bà Tiệc chính là những người truyền cảm hứng âm nhạc. Không chỉ vậy, chuyện tình đẹp, đạo vợ chồng thủy chung của đôi vợ chồng già ở tuổi “gần đất xa trời” còn là niềm cảm hứng cho mọi người xung quanh noi theo.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]