(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm từ thiện không đơn thuần chỉ đóng góp, ủng hộ tiền bạc. Ở đó, còn là sự “dấn thân” của những tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng. Và trên hành trình làm từ thiện là niềm vui nhưng còn cả những suy nghĩ, trăn trở.

Chuyện từ thiện: Niềm vui thiện nguyện

Làm từ thiện không đơn thuần chỉ đóng góp, ủng hộ tiền bạc. Ở đó, còn là sự “dấn thân” của những tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng. Và trên hành trình làm từ thiện là niềm vui nhưng còn cả những suy nghĩ, trăn trở.

Chuyện từ thiện: Niềm vui thiện nguyệnHoạt động từ thiện ngoài việc kêu gọi đóng góp ủng hộ còn cả sự dấn thân của những người tham gia.

Trợ giúp trong đại dịch và câu chuyện cảm động

Năm 2021 là một năm vô cùng đáng nhớ đối với nhiều người làm từ thiện ở xứ Thanh. Đại dịch COVID-19 khiến cho những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ gia tăng; nhiều địa phương buộc phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách; lực lượng tham gia phòng, chống dịch căng mình suốt ngày đêm... Trong những hoàn cảnh ấy, với sự xuất hiện của những hội nhóm từ thiện, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu, nước uống, khẩu trang... được kịp thời dành tặng; rồi những chuyến hàng mang theo tình cảm của người dân xứ Thanh nối nhau vào với đồng bào miền Nam ruột thịt trong những ngày đại dịch bùng phát, là những hình ảnh đẹp, sẽ chẳng phai mờ.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình làm từ thiện của Câu lạc bộ (CLB) Thiện Nguyện Xanh, chị Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB, nhớ lại: “Đó có lẽ là đợt xuyên suốt 7 ngày đêm CLB đồng hành cùng các lực lượng chức năng của tỉnh và các hội, nhóm thiện nguyện đón tiếp, hỗ trợ bà con trong hành trình hồi hương từ miền Nam về các tỉnh phía Bắc di chuyển qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa (địa điểm thị xã Nghi Sơn) từ ngày mùng 5 đến 12-10-2021. Ban đầu là suất ăn nhanh (bánh mì, nước uống), sau đó nhờ sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, những nồi nước nóng được nấu tại chỗ với mì tôm hộp kèm giò, chả, bánh, sữa và cả một chút tiền xăng xe hỗ trợ hàng nghìn đồng bào trên đường về quê. Trong đoàn người hồi hương, có hai trường hợp người dân tộc Mông ở Hà Giang: một phụ nữ mang bầu theo dự kiến chỉ còn 6 ngày nữa sẽ “vượt cạn” và em bé 22 ngày tuổi được bố mẹ cõng trên lưng có dấu hiệu suy hô hấp, cần được giúp đỡ khẩn cấp. Thông qua mạng xã hội, CLB đã kết nối được nhà hảo tâm hỗ trợ một chuyến xe đưa gia đình em bé 22 ngày tuổi và phụ nữ mang bầu về quê nhà Hà Giang. Nhờ sự hỗ trợ, can thiệp của Hội Chữ thập đỏ tỉnh và lực lượng chức năng nên việc “thông xe” trong tình hình các địa phương kiểm soát chặt chẽ phương tiện ngoại tỉnh được thuận lợi hơn. Không chỉ vậy, các thành viên trong CLB còn kêu gọi sự ủng hộ cho mỗi đối tượng 13 triệu đồng. Sau khi về quê an toàn, bố em bé 22 ngày tuổi đã gọi điện cảm ơn CLB, họ nói cuộc đời mình chưa bao giờ có được số tiền lớn như vậy... Đến giờ nghĩ lại, vẫn thấy cay cay nơi sống mũi”.

Niềm vui từ những món đồ cũ

Nếu đánh giá về sự “bền bỉ” trong hoạt động từ thiện của các CLB, hội, nhóm trên địa bàn tỉnh, không thể không nhắc đến CLB thiện nguyện Bỉm Sơn (thuộc Hội Chữ thập đỏ thị xã Bỉm Sơn). Sau 10 năm thành lập, đến nay CLB thiện nguyện Bỉm Sơn được đánh giá là một trong những CLB hoạt động tích cực, năng nổ, lan tỏa và giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh trong cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Doanh (62 tuổi), Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Bỉm Sơn (hiện đang sinh sống tại phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn), cho biết: “Năm 2010, sau khi đi xuất khẩu lao động từ nước Nga trở về, dù không dư dả nhưng tình cờ biết đến hoàn cảnh của mẹ con bà Vũ Thị Tào, phố Lễ Môn (phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn) bị khiếm thị, không có khả năng lao động, tôi tặng dầu ăn, mắm muối, gạo, nhu yếu phẩm hàng tháng. Đến năm 2015, được nhiều người ủng hộ nên tôi đã có kinh phí xây nhà cho gia đình bà Vũ Thị Tào. Suy nghĩ phải làm gì đó cho cộng đồng, những người kém may mắn trong xã hội cứ thôi thúc và tôi từng bước bén duyên với hoạt động từ thiện”.

Nhưng hoạt động của CLB thiện nguyện Bỉm Sơn không dừng lại ở việc kêu gọi ủng hộ hàng trăm triệu đồng tiền, hàng hóa mỗi năm; đó còn là câu chuyện làm mới những món đồ cũ vẫn còn giá trị sử dụng (xe đạp, ti vi, nồi niêu, xoong chảo, quần áo...). Sau khi nhận về từ các hội nhóm ủng hộ, các tình nguyện viên trong CLB đã cần mẫn chọn ra những sản phẩm còn giá trị sử dụng, cẩn thận sửa chữa, trau chuốt để đảm bảo khi đến tay người nhận, dù cũ thì đó vẫn là món quà có giá trị. Và việc “gom” đồ cũ diễn ra thường xuyên, quanh năm, nên các tình nguyện viên trong CLB thiện nguyện Bỉm Sơn cũng vì thế mà luôn bận rộn.

Học cách cho “đúng và trúng”

Từ thiện là cho đi và nhận lại. Nhưng làm thế nào để việc “cho đi” được thực sự ý nghĩa, đúng và trúng? Năm 2019, người dân các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát phải gánh chịu thiệt hại do thiên tai tàn phá, mà tâm điểm là bản nghèo Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn). Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, những tấm lòng hảo tâm của đồng bào cả nước hướng về Sa Ná và khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai ngày một nhiều. Là tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm, đặc biệt là mì tôm. Dù không có con số chính xác, song câu chuyện “đoàn đoàn tặng mì tôm, nhà nhà nhận mì tôm” đã diễn ra. Trong khi đó, cái người dân cần là có tiền bạc, vật liệu dựng nhà để ổn định lại cuộc sống thì lại... thiếu.

“Câu chuyện quá tải mì tôm trong hoạt động từ thiện xảy ra không chỉ ở riêng Sa Ná. Không biết tự bao giờ, khi làm từ thiện, người ta thường nghĩ đến tặng mì tôm, nó như một lối mòn vậy. Trong khi điều quan trọng nhất làm từ thiện là phải khảo sát nhu cầu thực tế của người dân thì nhiều hội, nhóm làm từ thiện lại dễ dàng bỏ qua. Khi lũ lụt đi qua, người dân ở trong cảnh màn trời chiếu đất, cái họ cần là chăn màn, quần áo, thuốc men, tôn lợp nhà, tiền để khôi phục sản xuất... chứ đâu chỉ có mì tôm. Khi những món quà từ thiện dành tặng không “trúng” nhu cầu thì ý nghĩa sẽ giảm đi nhiều”, bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, nhìn nhận.

Tôi chợt nhớ đến một lần theo chân CLB xe đạp 668 (TP Thanh Hóa) tặng quà cho những người đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 (TP Sầm Sơn) cách đây nhiều năm. Trước khi tặng quà, CLB đã gặp gỡ từng người đang sống tại trung tâm, hỏi họ về nhu cầu, có người nói thích một cái chăn mới, bộ quần áo mới, có người lại chỉ thèm một “khoanh giò” ấm nóng... Sau đó, những món quà từ thiện như mong muốn đã được gửi trao đến đúng đối tượng. Đó thực sự là những món quà nhỏ, ý nghĩa lớn.

Từ thiện vốn là cho đi, và việc cho “đúng và trúng” còn cần nhiều hơn sự dụng tâm của những tấm lòng thiện nguyện...

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]