(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng các dự án xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, cũng như hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường ở các bãi rác, đang là vấn đề được người dân, chính quyền quan tâm.

Chuyện về những công trình xử lý rác thải tập trung: Đã có tín hiệu vui

Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng các dự án xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, cũng như hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường ở các bãi rác, đang là vấn đề được người dân, chính quyền quan tâm.

Chuyện về những công trình xử lý rác thải tập trung: Đã có tín hiệu vuiMột góc Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt xã Đông Nam đang được hoàn thiện.

Trước tình trạng bãi rác quá tải gây ô nhiễm môi trường và nhà máy xử lý rác thải chậm tiến độ chưa được khắc phục một cách hiệu quả, ngày 8-1-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện của 2 nhà máy xử lý rác: Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện, phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường Tianyu làm chủ đầu tư và Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam (Đông Sơn) do Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Ecotech làm chủ đầu tư. Tại buổi làm việc với chính quyền địa phương và chủ đầu tư, đồng chí Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Vấn đề ô nhiễm môi trường để lại rất nhiều bức xúc trong Nhân dân và cần sớm xử lý dứt điểm. Nếu tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải chậm, đồng nghĩa không thể giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các bãi rác quá tải. Vì vậy, đảm bảo điều kiện để dự án được khởi công Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện, phường Đông Sơn, chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn thành đầy đủ các thủ tục, hồ sơ như: Hồ sơ bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện nước Quốc gia; hồ sơ thiết kế cơ sở, dự án đầu tư; thiết kế kỹ thuật; báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ thuê đất, giấy phép xây dựng... trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định; đồng thời phải có cam kết bằng văn bản với tỉnh về tiến độ thực hiện dự án. Đến ngày 31-7-2021, chủ đầu tư phải hoàn thành những thủ tục có liên quan và tỉnh không gia hạn thêm cho dự án.

Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, chủ đầu tư đã xây dựng được khu hành chính và nhà ăn cho công nhân; thi công cơ bản hoàn thành nhà xưởng phân loại rác, xưởng tái chế hạt nhựa, xưởng chứa các lò đốt rác; đang thi công các hạng mục hạ tầng, lắp đặt dây chuyền thiết bị. Trong buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị chủ đầu tư chủ động nhập máy móc, thiết bị và tranh thủ lắp đặt vận hành thử, trước khi đưa vào vận hành chính thức vào tháng 6-2021.

Sau buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh, chủ đầu tư 2 dự án nói trên, đặc biệt là Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Ecotech đã tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nên chủ đầu tư không thể hoàn thành đưa nhà máy vào hoạt động trong tháng 6 như cam kết với tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, công ty đã có Văn bản số 28 ngày 4-6-2021 gửi Chủ tịch UBND tỉnh xin gia hạn thời gian, đưa nhà máy vào vận hành chạy thử vào ngày 31-12-2021.

Theo báo cáo tiến độ thực hiện dự án của Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Ecotech gửi Chủ tịch UBND tỉnh ngày 10-8-2021, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam đã có 12 hạng mục hoàn thành xây dựng; 9 hạng mục đang gấp rút thi công với khối lượng công việc đạt từ 60 - 90%; các hạng mục còn lại như: gia công chế tạo thiết bị; lắp đặt thiết bị,... dự kiến chậm nhất đến ngày 30-12-2021 sẽ hoàn thành. Còn Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn đến nay vẫn chưa thể khởi công, hiện chủ đầu tư đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Trong khi chờ các dự án xử lý rác thải được khởi công, đưa vào sử dụng, để hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác phường Đông Sơn và xã Đông Nam, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa và Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Bỉm Sơn phải thực hiện nghiêm túc quy trình xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định. Đồng thời, thực hiện các giải pháp để hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường như: Phủ bạt HDPE toàn bộ bề mặt rác ô chôn lấp; phun tăng cường chế phẩm Enchoice, thuốc diệt ruồi, vôi bột; gia cố bờ bao các ô chôn lấp và hồ chứa nước rỉ rác; vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải... Có như thế, người dân mới có thể tạm thời yên tâm sinh sống, sản xuất.

Bài và ảnh: Long Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]