(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù đã quá tải từ lâu nhưng bãi rác Núi Voi, phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và bãi rác Đông Nam, xã Đông Nam (Đông Sơn) vẫn “oằn” mình cõng thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn rác mỗi ngày. Rác ở đây được chất cao hơn núi, lại lộ thiên nên bốc mùi hôi thối, nồng nặc.

Chuyện về những công trình xử lý rác thải tập trung: Khi bãi rác... quá tải

Dù đã quá tải từ lâu nhưng bãi rác Núi Voi, phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và bãi rác Đông Nam, xã Đông Nam (Đông Sơn) vẫn “oằn” mình cõng thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn rác mỗi ngày. Rác ở đây được chất cao hơn núi, lại lộ thiên nên bốc mùi hôi thối, nồng nặc.

Chuyện về những công trình xử lý rác thải tập trung: Khi bãi rác... quá tảiNgoài không khí có mùi, nước rỉ rác đen kịt từ bãi rác Núi Voi, phường Đông Sơn chảy vào vườn xà cừ của gia đình bà Mai Thị Ký.

Quá tải rác thải

Bãi rác Núi Voi, phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) được quy hoạch rộng khoảng 2,8ha, là nơi tập kết rác thải sinh hoạt của toàn thị xã. Theo thiết kế, bãi rác có thể tích chứa được khoảng 16.000m3, song, do rác tích tụ nhiều năm không kịp xử lý nên có thời điểm bị “nhồi nhét” lên tới khoảng 80.000m3 rác thải. Tuy bãi rác đã quá tải nhiều năm và hiện tại được chất đống cao hơn núi nhưng vẫn “oằn” mình cõng thêm 55 - 70 tấn/ngày. Bởi vậy, bãi rác lộ thiên này đã phát tán mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương, nhất là người dân 2 phố Trường Sơn và Sơn Tây thuộc phường Đông Sơn.

Được biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bãi rác quá tải đó là tốc độ đô thị hóa của thị xã thời gian gần đây diễn ra nhanh, kéo theo sự phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Hiện tại, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Bỉm Sơn thực hiện. Mặc dù, đơn vị này đã thường xuyên phun thuốc chống thối ít nhất 3 ngày/lần, rải vôi bột, trồng cây xanh xung quanh, tạo tường rào cách ly với bãi rác, xây dựng hệ thống dẫn nước từ các ô chôn lấp về hồ sinh học... nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng bốc mùi hôi thối.

Tương tự, bãi rác Đông Nam, xã Đông Nam (Đông Sơn) được quy hoạch có diện tích gần 30ha, là nơi tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ khu vực TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và 4 xã thuộc huyện Quảng Xương. Bãi rác này đi vào hoạt động từ năm 2014 với sức chứa từ 240 - 250 tấn rác/ngày đêm. Hiện nay, lượng rác thải được thu gom, tập kết tại đây tăng lên 390 tấn/ngày đêm, trong khi việc xử lý bằng hình thức chôn lấp, nên gây ra tình trạng bốc mùi hôi thối. Cùng với ô nhiễm không khí, mỗi khi mưa xuống, nước thải đen sì từ bãi rác lại chảy tràn ra môi trường, ngấm dần xuống đất, gây nguy cơ đầu độc nguồn nước, gieo rắc mầm bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.

Khổ... vì bãi rác quá tải

Có mặt tại bãi rác Núi Voi vào khoảng gần 11 giờ trưa một ngày trung tuần tháng 8-2021, trước mắt chúng tôi là cả núi rác bốc mùi hôi thối nồng nặc, quyện với gió phả vào mặt khiến tôi không còn chút can đảm để nán lại. Thấy có người ghé thăm bãi rác, bà Mai Thị Ký, phố Sơn Tây, nhà ở gần bãi rác được dịp trút bầu tâm sự: “Tuy cách bãi rác gần 600m nhưng mỗi khi trở trời, hoặc gió lùa, mùi hôi thối từ bãi rác bay vào bủa vây ngôi nhà, thật sự không chịu nổi. Nhiều năm sống gần bãi rác, gia đình tôi đã quá sức chịu đựng vì sự ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất bị ô nhiễm nặng và ruồi nhặng... nhiều vô kể, nhất là vào dịp đầu mùa hè. Để chống đỡ với loại côn trùng khó ưa này, tôi đã sử dụng nhiều loại bẫy ruồi nhưng vẫn không ăn thua vì đến mùa sinh sản, chúng bay đến và ùa vào nhà, khổ lắm”.

Chuyện về những công trình xử lý rác thải tập trung: Khi bãi rác... quá tảiRác được thu gom, xử lý tại ô số 5 bắt đầu từ ngày 5-6-2021, sau khi 4 ô (từ ô số 1 - ô số 4) thuộc bãi rác Đông Nam quá tải phải đóng cửa.

Ông Bùi Văn Mạnh cũng ở phố Sơn Tây dẫn chúng tôi đi mục sở thị khu hồ điều hòa sinh học của bãi rác Núi Voi. Đó là những ao nhỏ nằm lẫn khuất trong khu rừng trồng của người dân. Tứ bờ của các ao không được xây dựng kiên cố, nước đặc quánh, đen kịt và bốc lên mùi thối nồng nặc. Phía cuối ao có một cống bê tông nhưng đã bị hư hỏng, nên nước rỉ từ rác mặc sức chảy tràn ra đồng ruộng.

Ông Nguyễn Duy Chinh, Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, cho biết: Nước rỉ của bãi rác Núi Voi làm hư hỏng hàng chục héc ta đất nông nghiệp chuyên canh cây lúa của phường. Khu ruộng này trước đây cấy đều đặn mỗi năm hai vụ lúa, nhưng mấy năm qua thì đành phải bỏ hoang, mặc cho cỏ dại mọc um tùm.

Nhiều năm qua, người dân xã Đông Nam, đặc biệt là người dân 2 thôn: Lương Sơn và Hạnh Phúc Đoàn ngày đêm khốn khổ vì mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác quá tải đặt trên địa bàn xã. Chị Phạm Thị Điền, thôn Hạnh Phúc Đoàn, nhà ở gần bãi rác bức xúc: “Bao nhiêu lần họp thôn, họp xã và tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều kiến nghị xã, huyện có phương án giải quyết bãi rác quá tải và quan tâm xử lý môi trường. Thế nhưng, mọi kiến nghị đều rơi vào im lặng. Rác vẫn đổ với số lượng ngày càng nhiều. Rác nhiều lại không được xử lý triệt để nên mùi hôi thối bốc ra nồng nặc tạo điều kiện cho ruồi nhặng sinh sôi, bay vào nhà dân. Ruồi nhặng nhiều đã khổ, ngày đêm còn hít thở không khí hôi thối bốc ra từ bãi rác. Vậy mà hàng chục hộ dân sống gần khu vực bãi rác đã phải chịu đựng gần 20 năm nay”.

Xác minh tình trạng này, tôi được Bí thư Chi bộ thôn Hạnh Phúc Đoàn - ông Trần Văn Sáng dẫn đường vào khu vực chôn lấp rác thải, đã cảm nhận rõ nỗi bức xúc của người dân sống gần khu vực. Nhìn những ô rác cao ngất ngưởng như núi, ông Sáng cho biết: “4 ô rác (từ ô số 1 đến ô số 4) đã đóng cửa hơn 2 tháng nay, hiện chỉ có ô số 5 đưa vào hoạt động từ ngày 5-6”.

Ra khỏi khu vực bãi rác, chúng tôi đã có cuộc chuyện trò với ông Doãn Huy Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Nam và ông Trần Văn Sáng, Bí thư thôn Hạnh Phúc Đoàn. Điều chúng tôi nhận được là những chia sẻ về "nỗi khổ chung”, bị người dân chê trách không biết bao nhiêu lần, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại về “tội” vận động Nhân dân đồng ý đặt bãi rác. Vì vậy, các ông mong muốn huyện, tỉnh có giải pháp quyết liệt, cứng rắn hơn, đốc thúc doanh nghiệp thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải.

Nỗi khổ của người dân sống gần khu vực bãi rác Núi Voi và bãi rác Đông Nam không còn là câu chuyện riêng của 2 địa phương trên, mà đó đang là thực trạng chung của nhiều bãi rác quá tải khác trên địa bàn tỉnh, như: bãi rác phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn), bãi rác thôn Nê Cắm, xã Đồng Lương (Lang Chánh)... Hơn ai hết, những người dân sống gần khu vực bãi rác quá tải mong muốn các cấp chính quyền cũng như các ngành liên quan sớm tìm ra giải pháp xử lý triệt để, trả lại cho họ môi trường sống trong lành.

Với lượng rác khoảng 2.200 tấn/ngày được thu gom, xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp, đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho người dân sống gần khu vực bãi chứa. Xây dựng nhà máy xử lý rác được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường từ các bãi rác quá tải. Tuy nhiên, trong số những nhà máy xử lý rác thải đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, có nhà máy xin gia hạn nhiều lần vẫn chưa khởi công và có nhà máy đã khởi công nhưng tiến độ “rùa bò”, khiến người dân sống gần khu vực bãi rác quá tải... bức xúc.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]