(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc tỉnh Thanh Hóa cho xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung ở những bãi rác quá tải được chính quyền, người dân - nơi có bãi rác mong đợi, cùng kỳ vọng sớm thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Tuy nhiên, trong số này có dự án xin gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chưa khởi công và có dự án đã khởi công nhưng tiến độ... “rùa bò”, khiến chính quyền, người dân sống gần khu vực bãi rác quá tải... bức xúc.

Chuyện về những công trình xử lý rác thải tập trung: Những nhà máy xử lý rác thải tiến độ... “rùa bò”

Việc tỉnh Thanh Hóa cho xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung ở những bãi rác quá tải được chính quyền, người dân - nơi có bãi rác mong đợi, cùng kỳ vọng sớm thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Tuy nhiên, trong số này có dự án xin gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chưa khởi công và có dự án đã khởi công nhưng tiến độ... “rùa bò”, khiến chính quyền, người dân sống gần khu vực bãi rác quá tải... bức xúc.

Chuyện về những công trình xử lý rác thải tập trung: Những nhà máy xử lý rác thải tiến độ... “rùa bò”Công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Bỉm Sơn phải cho máy múc gạt sang 2 bên, dọn đường cho xe vào bãi rác phường Đông Sơn.

Dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4891/QĐ-UBND, ngày 18-12-2017. Dự án được thực hiện trên diện tích hơn 10ha, công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm, chia 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là 500 tấn/ngày đêm, phát điện 9MW; giai đoạn 2 là 500 tấn/ngày đêm, phát điện 9MW. Tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn dự kiến khoảng 90 triệu USD (tương đương 2.051,1 tỷ đồng). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Giai đoạn 1 dự kiến khởi công vào tháng 5-2018, hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 9-2019; giai đoạn 2 căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, giao chủ đầu tư xác định cụ thể tiến độ dự án và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định. Dự án do Công ty TNHH Năng lượng môi trường Tianyu Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Thông tin thị xã Bỉm Sơn sẽ có nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện đã được nhiều người dân sống gần các bãi rác mừng rỡ. Họ nghĩ không còn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ bãi rác quá tải khi nhà máy xây dựng xong và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, gần 4 năm trôi qua, dự án vẫn không thấy đâu. Chủ đầu tư, thay vì phải bắt tay nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để dự án sớm khởi công, đã nhiều lần xin điều chỉnh, gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ. Và UBND tỉnh đã 3 lần chấp thuận cho gia hạn thể hiện tại các văn bản: Công văn 1291/UBND-NN, ngày 17-10-2018; Công văn 12569/UBND-NN ngày 10-9-2020 và gần đây nhất tại Văn bản số 12669/UBND-THKT, ngày 19-8-2021, đồng ý cho gia hạn lần cuối cùng với mốc thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục dự án vào ngày 31-12-2021 thay vì ngày 31-7-2021 tại công văn trước.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam (Đông Sơn) tuy đã khởi công nhưng lại có tiến độ... “rùa bò". Được biết, dự án này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3841/QĐ-UBND, ngày 5-10-2016, do Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Ecotech làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trên diện tích đất khoảng 20ha, công suất xử lý rác thải sinh hoạt 500 tấn/ngày. Tổng vốn đầu tư của dự án là 647.413 triệu đồng. Dự án được khởi công xây dựng tháng 12-2016, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động tháng 12-2017. Thế nhưng gần 5 năm kể từ khi có quyết định đầu tư và gần 4 năm vượt mốc so với thời gian quy định, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam này vẫn chưa xây dựng xong. Và chủ đầu tư nhiều lần xin gia hạn, cam kết sớm đưa nhà máy đi vào vận hành.

Không chỉ dự án xử lý rác ở phường Đông Sơn, hay bãi rác ở xã Đông Nam mà trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án xử lý rác thải sinh hoạt chậm tiến độ, như Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), Nhà máy xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy)...

Nói về nguyên nhân những dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ, ông Lê Văn Bình, Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), cho rằng: Nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên việc thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. Còn nguyên nhân chủ quan là do năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế, nhất là năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai dự án.

Ông Dương Văn Đông, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bỉm Sơn, nhận định: “Sở dĩ dự án Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn, nhiều năm qua vẫn chưa được khởi công do chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Năng lượng môi trường Tianyu Thanh Hóa không có trách nhiệm trong việc hoàn thiện hồ sơ, như các giấy phép đấu nối điện trình Bộ Công Thương,... Một khi chủ đầu tư không chịu làm các loại giấy phép theo quy định, dù gia hạn nhiều lần đi chăng nữa, chắc chắn hồ sơ dự án không đủ điều kiện khởi công”.

Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng những bãi rác quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân, nhất là người dân sống gần khu vực bãi rác quá tải. Việc nhiều dự án còn chậm tiến độ như ở trên, đang khiến người dân bức xúc. Vậy, giải quyết vướng mắc này như thế nào để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường từ bãi rác, đó là câu hỏi chưa cá nhân, đơn vị nào trả lời với chúng tôi.

Bài và ảnh: Minh xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]