(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện nay, cả nước căng mình trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. “Chống dịch như chống giặc”, nhiều lực lượng đã được huy động, đang ngày đêm lăn lộn chiến đấu chống lại dịch bệnh quái ác đe dọa sự tồn vong của loài người. Cùng với những chiến sỹ áo trắng, áo xanh trong đoàn quân ra tuyến đầu chống dịch, có một đội quân đặc biệt, đó là những người khoác áo cà sa.

“Cởi áo cà sa, khoác blouse trắng”

Hiện nay, cả nước căng mình trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. “Chống dịch như chống giặc”, nhiều lực lượng đã được huy động, đang ngày đêm lăn lộn chiến đấu chống lại dịch bệnh quái ác đe dọa sự tồn vong của loài người. Cùng với những chiến sỹ áo trắng, áo xanh trong đoàn quân ra tuyến đầu chống dịch, có một đội quân đặc biệt, đó là những người khoác áo cà sa.

“Cởi áo cà sa, khoác blouse trắng”

Các nhà sư trong phòng điều trị F0.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19”, với tinh thần “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”, Hội Đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có thư kêu gọi, động viên Tăng Ni cả nước phát nguyện tinh thần tham gia tuyến đầu chống dịch. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng ngàn Tăng Ni trẻ đã gửi đơn đăng ký tham gia. Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị Ban Trị sự các tỉnh, thành phố tiếp nhận đơn phát nguyện và thực hiện công tác điều phối các Tăng Ni tham gia làm tình nguyện viên đi chống dịch. Hàng trăm Tăng Ni đã lên đường vào miền Nam, phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung đang chữa trị cho bệnh nhân F0 theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.

Phật giáo tỉnh Thanh Hoá nhận được 11 đơn phát nguyện xung phong vào miền Nam tham gia tuyến đầu chống dịch, và đã cử 5 vị Tăng trẻ đầu tiên, đủ tiêu chuẩn tham gia trong đợt này: Chùa Vạn Linh, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương có 2 nhà sư tham gia, là 2 thầy trò Thích Nguyên Từ và Thích Giác Hiếu; chùa Mèo, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh cũng có 2 vị sư là huynh đệ: Thầy Thích Giác Trí, Thích Giác Trang; vị sư còn lại là Thầy Thích Bản Hạnh, thuộc Tổ đình Chùa Thanh Hà, Thành phố Thanh Hóa. Các nhà sư tuổi đời còn rất trẻ, người nhiều tuổi nhất mới chỉ 35, người trẻ nhất là 22 tuổi. Khi đất nước gọi tên, tạm rời xa màu áo nâu giản dị và mái chùa cổ kính, các Thầy khoác túi đãy của người tu hành Phật pháp, chia tay Thầy tổ, Phật tử và nhân dân để xông pha vào trận tuyến, chưa hẹn ngày trở về.

“Cởi áo cà sa, khoác blouse trắng”

Nhà sư Thích Nguyên Từ trong bộ đồ bảo hộ.

Các nhà sư đã lên đường vào đúng ngày trung thu, Tết đoàn viên của mọi người, mọi nhà. Bay xuyên đêm dưới ánh trăng rằm, sáng hôm sau các thầy đã có mặt ở vùng đất miền Nam ruột thịt, bắt tay ngay vào công việc mới. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, tinh thần sẵn sàng dấn thân phục vụ chúng sinh của những người con Phật, các Quý thầy đứng bên đội ngũ y tế để hỗ trợ điều trị, chăm sóc cho những người bệnh F0 ở tầng bệnh cao nhất.

Thầy Thích Nguyên Từ là một vị sư tôi đặc biệt kính quý, vì đã biết Thầy từ nhiều năm qua; từng có hạnh ngộ cùng Thầy tham gia những chuyến đi thiện nguyện và những hoạt động vì cộng đồng. Thầy được phân công về Bệnh viện hồi sức COVID-19 Trung ương đóng tại tỉnh Long An. Được đội ngũ y tế tập huấn về kiến thức phòng chống dịch, Thầy cùng các đồng tu đã tiếp thu và thực hành một cách cẩn trọng. Vừa có mặt tại bệnh viện, năm nhà sư tỉnh Thanh Hoá cùng sáu nhà sư của phái đoàn Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ngay lập tức thay trang phục đặc trưng của lực lượng chống dịch, thực thi công việc được giao với các kíp trực thay phiên nhau: ca sáng từ 7h đến 14h; ca chiều từ 14h đến 19h. Nhiệm vụ chính là đưa cơm từ nhà ăn vào vùng lõi của bệnh viện, phân phát theo danh sách từng khu, đảm bảo đúng số giường, họ tên, ghi chú từng suất ăn cho từng bệnh nhân, vì với những người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, huyết áp phải có chế độ ăn riêng. Các Quý thầy trong vai trò điều dưỡng viên, gọi từng người đang mê man thiếp đi trong cơn bệnh, động viên họ ăn để lấy sức chống chọi bệnh tật. Với những người không thể dậy được thì phải bón từng thìa cháo, từng ngụm nước. Các Quý thầy cùng điều dưỡng viên vừa chăm sóc, vừa trò chuyện cùng các bệnh nhân với tình cảm ấm áp, tạo tâm lý vui tươi, tinh thần tích cực cho họ, bởi họ không có người thân bên cạnh lúc này.

Các nhà sư đã đóng góp một nguồn quỹ chung để tặng những bệnh nhận chuẩn bị ra viện, mỗi người một phần quà 500 nghìn đồng. Các Quý thầy mong muốn sau khi từ cõi chết trở về, mỗi bệnh nhân sẽ luôn nhớ thời khắc khó khăn nhất của đời mình, để thấy không ai bị bỏ lại phía sau, tình người vẫn lan toả hương giữa môi trường dịch bệnh đau thương, từ đó sống tích cực hơn trong phần đời còn lại.

“Cởi áo cà sa, khoác blouse trắng”

Các nhà sư Thanh Hóa đưa cơm vào vùng lõi của bệnh viện

Những ngày sống bên cạnh đội ngũ y tế, chứng kiến họ làm việc thông tầm 8-10 tiếng, không ăn uống, kín mít trong bộ đồ bảo hộ giữa tiết trời nóng nực, các Quý thầy càng cảm thấy thương các y bác sỹ nhiều hơn. Nhiều người từ miền bắc vào, để lại sau lưng con nhỏ, cha mẹ già, vượt qua tất cả mọi nhọc nhằn vì sức khoẻ của nhân dân, vì niềm mong mỏi đất nước sớm hết dịch bệnh. Thấu hiểu nỗi vất vả của các y bác sỹ , bằng những câu chuyện Phật pháp, các Thầy đã lan tỏa tinh thần Thí Vô Uý (cho điều không lo sợ), động viên và đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu trong công việc, để mỗi người đã mạnh mẽ lại càng mạnh mẽ hơn, đã cống hiến lại càng tích cực cống hiến.

Ở tầng Hồi sức tích cực, không tránh khỏi những bệnh nhân tử vong. Với lúc ấy, các nhà sư sẽ trở về đúng chuyên môn người thầy tâm linh của mình, trong điều kiện có thể, thay mặt người nhà cử khoá lễ cầu siêu để người mất được siêu thăng, giúp thân quyến ở xa cũng an ủi phần nào. Sau giờ tan ca, các nhà sư còn phụ giúp đội ngũ vòng ngoài những công việc không tên như vận chuyển, sắp xếp thiết bị y tế, đồ dùng cho bệnh nhân. Ở miền Tây đang là mùa nước nổi ( lũ tự nhiên), có những cơn mưa lớn khiến bệnh viện ngập nặng. Kho hàng có nhiều máy móc đắt tiền, đồ bảo hộ, phòng hành chính có nhiều giấy tờ, máy vi tính... đứng trước nguy cơ bị ngập, hư hỏng. Các nhà sư cùng anh em bộ đội, nhân viên y tế, hành chính trực xuyên đêm, vận chuyển lên nơi khô ráo, để không gây tổn thất cho bệnh viện.

Các nhà sư trẻ hòa mình trong lực lượng tuyến đầu chống dịch, với màu áo xanh hoặc bộ đồ bảo hộ kín mít đặc trưng của bệnh viện, không thể phân biệt là ai nếu không có dòng tên ghi vội trước ngực hoặc sau lưng. Nhìn những hình ảnh ấy, tôi chợt liên tưởng về thời chiến tranh, đã có những nhà sư “Cởi áo cà sa ký lên Tam bảo/Xông pha chiến trường giết giặc lập công”.Tôn chỉ của nhà Phật là từ bi hỉ xả, cứu nhân độ thế, lấy từ bi làm gốc rễ, lấy phương tiện làm cứu cánh. Trong trường hợp nước nhà lâm nguy, giặc là đại diện cho cái ác hoành hành, thì “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” chính là hành động cứu nhân độ thế mà những nhà sư đã từng làm. Kinh Lục Độ chép: Đức Thích Ca khi còn tại gia, làm người đi buôn. Một hôm, Ngài gặp một tên giặc và biết được ý đồ giết những người lái buôn để cướp của của hắn. Ngài nghĩ, nếu trốn đi thì riêng mình thoát nạn nhưng mọi người sẽ đều bị giết. Nếu để giặc sống, cái ác tràn lan mãi thì sẽ mắc tội đời đời, chi bằng giết chúng để chúng bớt gây tội ác, người đời đỡ khổ. “Nay ta cũng nhận lấy tội giết người, để ta chịu tội thay cho bọn giặc kia”. Nay trong thời dịch dã, các nhà sư được soi mình trong ánh sáng Phật pháp, cũng đang thực hành đức từ bi, cứu độ chúng sinh bằng cách “Cởi áo cà sa khoác bluse trắng”. Các Thầy đã “nhập thế”, trở thành những chiến sỹ thực thụ trên trận tuyến chống giặc dịch đầy cam go.

Không chỉ bổ sung lực lượng cho tuyến đầu chống dịch, nhiều nhà chùa còn tổ chức nấu cơm phục vụ các bệnh viện điều trị COVID-19, sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly, tổ chức tiếp nhận, lưu giữ tro cốt người bệnh trước khi trao về cho người thân của họ. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố cùng tín đồ Phật tử cả nước đã góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ vaccine COVID-19. Nhiều máy thở, phòng áp lực âm, trang thiết bị y tế được Giaó hội Phật giáo Việt Nam trao tặng thông qua Trung ương MTTQ Việt Nam.

“Cởi áo cà sa, khoác blouse trắng”

Nhà sư Thích Nguyên Từ trong vai trò điều dưỡng viên phục vụ F0.

Nhà sư trẻ Thích Nguyên Từ cho biết: Nếu có thể, các Thầy nguyện phục vụ ở tuyến đầu cho đến khi hết dịch bệnh, thì lúc ấy mới trở về. Trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với những ca bệnh nặng, có thể bị phơi nhiễm, nhưng các Thầy không lo ngại. Các Thầy vẫn vững tin, dưới ánh sáng hồng ân Tam Bảo, với sự chung tay của mọi lực lượng trong cả nước, dịch bệnh sẽ sớm bị tiêu trừ. Thầy Thích Nguyên Từ đã kịp sáng tác một bài thơ ngay giữa tâm dịch:

“Người chiến sĩ, mặc đồng màu áo trắng

Súng đạn không mang, chỉ toàn dược phẩm

Virus bay, trong không khí lặng câm.

Lần đầu tiên, sau chiến thắng mùa Xuân

Những chuyến bay, chở hàng - người yểm trợ

Chiến dịch lần này, gian nan không sợ

Non nước gọi mình, quyết chí xông pha.

Lần đầu tiên, hoà khúc khải hoàn ca

Tôi sẽ hát, cùng lương y áo trắng

Không thể quên, những chiến công thầm lặng

Sứ mệnh cuộc đời, Tổ quốc thiêng liêng !”

“Cởi áo cà sa, khoác blouse trắng”

Các nhà sư ủng hộ bệnh viện.

Không chỉ tu tập tinh tấn theo Phật đạo, các nhà sư trẻ còn thực hành sâu xa lời Phật dạy bằng tinh thần nhập thế, đi đến những nơi cần mình góp sức, để đất nước, quê hương không còn COVID-19, cuộc sống bình yên trở lại. Kính chúc các nhà sư sức khỏe dồi dào, thân tâm an lạc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Phật sự viên thành, sớm trở về với tiếng chuông chùa, lời kinh kệ, góp phần mang đến cho toàn xã hội cuộc sống phồn vinh, thiện lành./.

Mai Hương


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Đinh Ngọc Diệp - 12:44 29/09/21

 Trả lời

Cảm phục các nhà sư và PV Mai Hương đồng hành chống dịch!

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]