(vhds.baothanhhoa.vn) - Không còn lách cách thoi đưa. Bãi dâu hơn 100 ha cũng đã bị thu hẹp chỉ còn gần 40 ha. Hộ dệt nhiễu duy nhất, thì đầu năm nay cũng đã gác lại khung cửi. Chuyện ở làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, gần như chỉ còn là ký ức…

Còn đâu Làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu…

Không còn lách cách thoi đưa. Bãi dâu hơn 100 ha cũng đã bị thu hẹp chỉ còn gần 40 ha. Hộ dệt nhiễu duy nhất, thì đầu năm nay cũng đã gác lại khung cửi. Chuyện ở làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, gần như chỉ còn là ký ức…

Còn đâu Làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu…Một công đoạn làm đông trùng hạ thảo tại Công ty CP Dược liệu SUKHA Việt Nam của anh Nguyễn Hoài Châu.

Bỏ nghề

Cách đây 7 năm, Làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô ở xã Thiệu Đô, bây giờ là thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), được công nhận theo Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 21-1-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

7 năm chưa phải là dài nhưng khó khăn thì lại triền miên với làng nghề. Nếu tại thời điểm công nhận, làng nghề có 240 hộ nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu (chiếm khoảng 30% số hộ trong làng) thì về sau này, con số giảm dần. Hiện chỉ còn gần 30 hộ nuôi tằm, 8 hộ ươm tơ, không còn hộ dệt nhiễu. Sau công nhận, làng nghề đã không phát huy giá trị.

Nghề đã từng mang lại ấm no cho người dân. Thu nhập bình quân của 1 hộ (khoảng 2 - 3 người làm), từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Là nghề phụ nhưng lại được xem như nghề chính.

Thời kỳ thịnh vượng nhất của nghề là giai đoạn từ 1990-2005. Nhưng, từ 2005 trở đi, nghề đã lúc thăng, lúc trầm, đặc biệt, bắt đầu có dấu hiệu suy thoái. Như vậy, trước khi được công nhận làng nghề thì nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đã đối diện với nhiều khó khăn. Sau công nhận, tưởng như đó là một cơ hội để tháo gỡ sự khó nhưng đã hoàn toàn ngược lại. Nhất là vài năm trở lại đây, thị trường cho sản phẩm làng nghề bị thu hẹp, khiến đa số người làng nghề đành phải… bỏ nghề. Ông Hoàng Bình Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa, người đã rất trăn trở với sự mai một của làng nghề, cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân người dân không còn tha thiết với nghề truyền thống. Thứ nhất, kén đầu ra giá thấp. Thứ hai, những hộ ươm tơ không có nguyên liệu để làm. Thứ ba, do không tiếp cận được tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nên nhiễu Hồng Đô không thể cạnh tranh với sản phẩm của các tỉnh bạn…”.

Những nguyên nhân này đã kéo theo một sự đồng thuận của nhiều người làng nghề đó là họ không ngần ngại đào gốc dâu, hạ cây màu khác xuống. Cách đây 4 năm, ông Hoàng Viết Trung, người đã gắn bó hơn 30 năm với nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô cũng không thể tiếp tục theo nghề. Ông trải lòng: “Đến tôi là đời thứ 3 gắn bó với nghề truyền thống. Nhưng đến đời con, đời cháu thì không ai theo nghề nữa rồi. Tôi bỏ nghề vì vất vả quá. Con cái thấy vất vả này nên đã đi làm công ty hết”.

Ở tiểu khu 10, nơi ông Trung sinh sống, giờ chỉ còn 5 hộ trồng dâu, nuôi tằm. Những người làm nghề lâu năm như ông Thành, ông Toàn, ông Thức… cũng không đủ kiên trì để đi tiếp cuộc hành trình với nghề truyền thống. Ngay đến hộ duy nhất còn dệt nhiễu ở làng nghề là gia đình ông Lê Viết Hạnh thì đầu năm nay, cũng đã gác lại khung cửi do không có nguyên liệu để làm.

Người làng nghề bỏ nghề, doanh nghiệp cũng lao đao. Trong năm 2022, Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức, doanh nghiệp đầu tiên của làng nghề, chuyên thu mua kén tằm cho bà con cũng đã phải kinh doanh thêm ngành nghề khác. Sở dĩ có sự thay đổi này cũng bắt đầu từ việc khan hiếm nguồn nguyên liệu. Ông Hoàng Viết Đức, giám đốc công ty này cho biết: “Trước đây, ở làng Hồng Đô, 1 ngày tôi có thể thu mua được vài tấn kén nhưng hiện giờ chỉ cần 50kg kén thôi cũng rất khó khăn. Thời điểm này, giá kén đang rất cao nhưng người làng nghề không đủ kén mà bán”.

Bao giờ làng nghề hồi sinh?

Sẽ rất khó. Đó là câu trả lời không chỉ của người dân mà ngay cả những người làm lãnh đạo huyện, thị trấn cũng không còn niềm tin ở sự phục hồi làng nghề.

Trước đó, rất nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước đã về với làng nghề nhưng vẫn không thể níu giữ chân người lao động. Ông Hoàng Bình Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa nhớ lại: “Từ con giống đến phân bón đều hỗ trợ nhưng người dân vẫn không mặn mà. Họ có những quan điểm riêng và cũng phải so đo tính toán, về kinh tế cái nào có lợi hơn thì họ làm”.

Còn đâu Làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu…Lượng tơ mua từ làng nghề Hồng Đô của Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức ngày càng ít.

Không chỉ dừng ở đây, ngay cả khi cụm công nghiệp làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô được xây dựng vào năm 2014 nhưng đến nay cũng chỉ có sự hiện diện duy nhất của Công ty TNHH Dịch vụ Thanh Đức. Trước đó, cũng đã có 40 hộ đăng ký nhưng về sau không hộ nào tham gia. Trong số 40 hộ này, hiện có hơn một nửa đã bỏ nghề.

“Nghề không thể mất nhưng rất khó hồi sinh”. Ông Hoàng Viết Tâm, trưởng ban công tác mặt trận tiểu khu 10 trải lòng. Điều ông nói, có thể đúng. Bởi theo tính toán của một số hộ đang còn gắn bó với nghề hoặc như ông Hoàng Viết Trung, dù đã bỏ nghề 4 năm nay vẫn khẳng định: “Không có nghề nào bằng nghề nuôi tằm. 18 ngày được 1 lứa với 7 - 8 vòng tằm, cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Nhưng bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau đã khiến nhiều hộ rời xa nghề truyền thống của làng”.

Thêm một sự nuối tiếc khi sản phẩm làng nghề, thực tế đang rất cần đối với những doanh nghiệp sản xuất đông trùng hạ thảo. Theo anh Nguyễn Hoài Châu (Hậu Lộc) và anh Nguyễn Văn Tuấn (Nga Sơn), hai doanh nghiệp đã có sản phẩm đông trùng hạ thảo được chứng nhận OCOP bày tỏ sự tiếc nuối khi sản phẩm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Cách đây một năm, anh Nguyễn Hoài Châu, với mục tiêu muốn phát triển hỗ trợ cùng bà con làng nghề làm vùng nguyên liệu, đồng thời nếu được, anh sẽ làm thêm phần thương mại cho các đơn vị khác nhưng sau khi đi kiểm tra thì nguồn nguyên liệu không ổn định nên đã không thể thực hiện. “Riêng việc sản xuất đông trùng hạ thảo không thể thiếu kén và nhộng. Đối với doanh nghiệp của tôi, một tháng sử dụng khoảng 4 tạ nhộng và 70 - 80 kg kén. Tuy nhiên, làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô cũng chưa thể đáp ứng”. Anh Châu cho biết.

Chuyện về Làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, thời kỳ của thịnh vượng, giờ đây chỉ còn là ký ức. Còn nhớ, sản phẩm làng nghề đã từng được lãnh đạo địa phương hướng tới sản phẩm OCOP nhưng tiếc thay, mong ước ấy đã không thành.

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]