(vhds.baothanhhoa.vn) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người lao động nông nghiệp, làm công việc tự do có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, duy trì cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động, góp phần ổn định và phát triển xã hội.

Của để dành: An tâm khi tuổi già

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người lao động nông nghiệp, làm công việc tự do có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, duy trì cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động, góp phần ổn định và phát triển xã hội.

Của để dành: An tâm khi tuổi giàBHXH huyện Như Thanh tổ chức hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện.

Được sự chỉ dẫn của cán bộ BHXH huyện Yên Định, chúng tôi đến thăm gia đình bà Ngô Thị Bích, thôn Thung Thượng, xã Định Hòa, một trong những người tham gia BHXH tự nguyện sớm nhất ở huyện Yên Định. Bà Bích chia sẻ: “Năm 2008, được cán bộ BHXH huyện Yên Định tư vấn về những lợi ích của BHXH tự nguyện, tôi đã quyết định tham gia. Năm đầu tiên đóng 540 nghìn đồng/tháng, đến nay tôi tham gia mức đóng 2 triệu đồng/tháng. So với với các loại hình bảo hiểm khác thì mức đóng khá thấp, phù hợp với thu nhập của gia đình tôi. Theo dự tính của cán bộ bảo hiểm, với mức đóng trên sau tiền lương hưu của tôi sẽ không cao. Nhưng có cuốn sổ hưu trong tay sẽ mang lại cho tôi tâm lý tự tin, yên tâm khi về già. Bản thân mình chủ động được phần nào thì đỡ cho con cái phần ấy”.

Để lo cuộc sống khi về tuổi xế chiều không phải phụ thuộc vào con cháu, anh Nguyễn Văn Trường, Tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Anh Trường là lao động tự do, làm đủ mọi việc để lo toan cho cuộc sống gia đình. Thu nhập bình quân hàng tháng 5 triệu đồng, nhưng anh vẫn trích một phần để tham gia BHXH tự nguyện. Nói về sự lựa chọn của mình, anh kể: “Trước kia tôi đã tham gia BHXH bắt buộc được hơn 10 năm, nhưng việc làm, thu nhập không ổn định, tôi dừng đóng BHXH và tính đến chuyện hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, được cán bộ BHXH huyện Cẩm Thủy giải thích nên tôi đã tham gia, vì mình chỉ cần tham gia BHXH tự nguyện một thời gian nữa đã có thể nhận lương hưu”.

Từ năm 2018 đến nay, anh Trường vẫn kiên trì đóng tiền bảo hiểm hàng tháng, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Anh chia sẻ: “Nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì thu nhập thấp, chi phí sinh hoạt của gia đình ngày càng tăng lên. Nhưng rồi tự nhủ lòng mình cố gắng vượt qua khó khăn, để sau này có lương hưu, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tôi luôn nói với người thân, tham gia BHXH tự nguyện cũng như trồng cây. Cây lúc mới trồng thì nhỏ bé, nhưng kiên trì chăm sóc sau này chắc chắn sẽ đơm hoa, kết trái”.

Giống như bà Bích, anh Trường, hàng vạn người trên địa bàn tỉnh cũng đã lựa chọn BHXH tự nguyện để lo cho tương lai. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nhiều lao động tự do. Bởi lẽ, khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Khi tới tuổi nghỉ hưu, người tham gia BHXH sẽ được nhận lương hưu hàng tháng theo quy định, được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, từ năm 2018 người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đóng hàng tháng. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 30% phí đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% phí đóng với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; và 10% phí đóng với các trường hợp khác. Hiện dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng Thanh Hóa vẫn là một trong số ít địa phương đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Tính từ đầu năm đến ngày 30-10, toàn tỉnh có 72.160 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 81,93% kế hoạch giao, tăng 12.732 người so với tháng 12-2020.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đăng Sỹ Mười, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh, cho biết: Được triển khai thực hiện từ năm 2008, BHXH tự nguyện là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động trên mọi lĩnh vực. Nếu như trước đây, chỉ có cán bộ, công chức, viên chức người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mới được tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu, thì nhờ có chính sách BHXH tự nguyện, tất cả mọi đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia. Đặc biệt, BHXH tự nguyện có phương thức đóng góp rất linh hoạt, mức phí phù hợp với khả năng đóng góp và nguyện vọng thụ hưởng sau này. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của mình và có thể thay đổi mức đóng từ thấp lên mức cao hơn. Trong trường hợp rủi ro, bị giảm thu nhập, người tham gia có thể tạm ngừng đóng và được bảo lưu thời gian đóng để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng sau đó. Ngoài chế độ hưu trí, người tham gia còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; người thân của người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ tử tuất như với người tham gia BHXH bắt buộc.

“Với những ưu việt của chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước, người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện được hưởng rất nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, để loại hình BHXH này lan tỏa sâu rộng đến với người dân và được người dân ủng hộ, cần sự góp sức, chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia”, ông Đặng Sỹ Mười chia sẻ.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]