(vhds.baothanhhoa.vn) - Với thành tích học tập 7 năm liên tục xuất sắc, giải Nhất môn Ngữ văn cấp thành phố năm học 2020-2021, mục tiêu sắp tới của Nguyễn Thị Nhung, học sinh lớp 8A Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) là đỗ vào chuyên Văn của Trường THPT chuyên Lam Sơn, từ đó em có thể đến gần hơn với ước mơ trở thành luật sư của mình.

Cùng nhau nuôi em

Với thành tích học tập 7 năm liên tục xuất sắc, giải Nhất môn Ngữ văn cấp thành phố năm học 2020-2021, mục tiêu sắp tới của Nguyễn Thị Nhung, học sinh lớp 8A Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) là đỗ vào chuyên Văn của Trường THPT chuyên Lam Sơn, từ đó em có thể đến gần hơn với ước mơ trở thành luật sư của mình.

Cùng nhau nuôi em“Em nuôi của Đoàn” Nguyễn Thị Nhung.

Bố mất, Nhung sống cùng bà nội từ nhỏ. Thời gian qua đi, đến nay bà đã tuổi cao, sức khỏe yếu, đãng trí, khiến bà không thể chăm sóc chu đáo cho đứa cháu gái đang tuổi trưởng thành. Tuy căn nhà đơn sơ ở phố Hàng Than (phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) không có vật dụng đáng giá nhưng luôn gọn gàng, sạch sẽ và ấm cúng. Đặc biệt, góc học tập của Nhung, với bàn ghế và sách vở luôn được xếp ngay ngắn. Ngoài thời gian học trên lớp, Nhung thường xuyên ở nhà chăm bà và giữ gìn “tổ ấm” của hai bà cháu.

Ở độ tuổi dậy thì, nhiều đứa trẻ đang khiến phụ huynh đau đầu bởi sự “nổi loạn” thì Nhung đã sớm trưởng thành và gánh vác nhiều trách nhiệm trên đôi vai nhỏ bé. 14 tuổi em đã tự lo hết mọi việc của bản thân và chăm sóc cho người bà bệnh tật. Bệnh đãng trí khiến bà nhiều lần bỏ đi lang thang, thậm chí “mất tích” trong đêm khiến Nhung vội vã đi tìm. Thường những cuộc tìm kiếm chỉ có mình em. Chi phí sinh hoạt của hai bà cháu dựa phần nhiều vào tiền trợ cấp của bà cùng sự giúp đỡ từ người thân, hàng xóm.

Những tháng gần đây, cuộc sống của hai bà cháu đã đỡ phần nào khó khăn vì Nhung là “Em nuôi của Đoàn”. Với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, gia đình có thêm khoản chi phí để bữa cơm của hai bà cháu thêm tươm tất. Nhung được mua sắm dụng cụ học tập, quần áo mới. Không những thế việc hỗ trợ kéo dài đến khi Nhung 18 tuổi thể hiện sự quan tâm của tổ chức, để Nhung biết rằng gia đình không bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, anh chị đoàn thanh niên cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và chăm sóc bà cùng với Nhung.

Được biết chương trình “Em nuôi của Đoàn” được đoàn phường Lam Sơn triển khai thực hiện trong năm 2022, hiện đoàn “nuôi” 2 học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn bằng nguồn vốn xã hội hóa, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng cho tới khi các em 18 tuổi. Chị Phạm Thị Kiều Nhung, Bí thư Đoàn phường Lam Sơn, cho biết: “Đây là một chương trình ý nghĩa và nhân văn, tiếp thêm động lực cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, chương trình mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ hơn nữa của các nhà hảo tâm để ngày càng nhiều “Em nuôi của đoàn” được giúp đỡ và hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Từ ngày trở thành “Em nuôi của Đoàn”, cuộc sống của Ngân Gia Kiệt, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Tam Chung (xã Tam Chung, huyện Mường Lát) đã vơi bớt khó khăn. Gia đình Kiệt thuộc hộ nghèo, em bị khuyết tật vận động, cuộc sống thiếu thốn khiến Kiệt nhiều lần đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Đúng thời điểm khó khăn đó, Kiệt trở thành “Em nuôi của Đoàn”. Số tiền 1.350.000 đồng/năm với nhiều người không đáng là bao, nhưng với Kiệt và gia đình lại rất quan trọng. Em còn nhận được sự động viên về mặt tinh thần từ các anh chị cán bộ đoàn xã để tiếp thêm động lực đến trường.

Cùng nhau nuôi emBữa ăn của các học sinh ở Mường Lát đã đầy đủ hơn nhờ chương trình “Cùng nuôi em Mường Lát”.

Kiệt là một trong số 336 học sinh của huyện Mường Lát được Đoàn khối Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cùng Huyện đoàn Mường Lát, Câu lạc bộ thiện nguyện và hiến máu Ngọc Lặc phối hợp thực hiện, với mức hỗ trợ 1.350.000 đồng/em/năm.

Anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi nỗ lực để số “Em nuôi của Đoàn” không dừng lại ở con số 336. Việc hỗ trợ nhiều năm liền sẽ giúp các em có một khoản tiền nhỏ để trang trải chi phí học tập, giúp các em vững tâm hơn khi có tổ chức đoàn sát cánh trên con đường đến trường”. Để duy trì hoạt động chương trình, Huyện đoàn Mường Lát đã xây dựng nguồn quỹ bằng nhiều cách. Ngoài việc kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, còn huy động sự đóng góp của cán bộ, đoàn viên tại từng cơ sở đoàn. Song song với việc hỗ trợ vật chất, cán bộ đoàn cơ sở cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn các em việc học. Có những em nhỏ gia đình neo người, khó khăn, chi đoàn còn phân công đoàn viên xuống giúp làm nương, làm rẫy để các em có thời gian đến trường… Lúc gặp vấn đề khó khăn, cần lời khuyên, các anh chị đoàn viên cũng là nơi các “em nuôi" tìm đến như một chỗ dựa tinh thần.

Thực hiện chương trình “Em nuôi của Đoàn” mỗi chi đoàn lại có cách làm riêng, tùy điều kiện, có nơi hỗ trợ mỗi bạn một khoản cố định hằng tháng, có nơi lại hỗ trợ khi lễ tết, có nơi liên hệ đóng học phí, học bổng từng năm học... Đến nay, đã có trên 600 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trở thành “Em nuôi của Đoàn”. Trở thành “Em nuôi của Đoàn” các em không chỉ được hỗ trợ về vật chất mà chuyện gia đình, khó khăn trong học tập luôn được các chi đoàn nắm bắt kịp thời để động viên các em, tìm cách giải quyết.

Bài và ảnh: Phong Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]