(vhds.baothanhhoa.vn) - Dẫu còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bản Suối Tôn hôm nay đã có đường, có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại, có nhà văn hóa, trẻ em được đến trường. Đời sống của đồng bào Mông ở đây đã khởi sắc rất nhiều.

Cuộc sống mới của người Mông ở Suối Tôn

Dẫu còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bản Suối Tôn hôm nay đã có đường, có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại, có nhà văn hóa, trẻ em được đến trường. Đời sống của đồng bào Mông ở đây đã khởi sắc rất nhiều.

Cuộc sống mới của người Mông ở Suối Tôn

Cán bộ xã Phú Sơn vào thăm bà con, vừa tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 vừa trao đổi về phát triển kinh tế - xã hội với người có uy tín ở bản Suối Tôn.

Sau chặng đường dài từ thành phố Thanh Hóa lên huyện vùng cao Quan Hóa, dừng chân ở thị trấn Hồi Xuân, đón chúng tôi là anh Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng phòng và anh Hà Xuân Khuyên, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn về bản Suối Tôn (xã Phú Sơn) - là 1 trong 2 bản có đồng bào Mông sinh sống, anh Hoàng Mạnh Hùng gật đầu đồng ý và thông tin sơ bộ cho chúng tôi biết về đời sống của người dân ở đây cùng một số chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Mông.

Từ thị trấn Hồi Xuân lên bản Suối Tôn dài hơn 30 km. Nếu gần 10 năm trước con đường vào bản nhỏ, hẹp, dốc hiểm trở, thì nay đường bê tông đã vào tận bản. Suối Tôn có đường, có điện thắp sáng, có sóng điện thoại để liên lạc. Với bà con Suối Tôn, đây là sự thay đổi lớn.

Cuộc sống mới của người Mông ở Suối Tôn

Cách trung tâm xã Phú Sơn hơn 8 km, bản Suối Tôn có 100% đồng bào Mông sinh sống.

Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Phạm Văn Tư cho biết, xã có 5 bản, 584 hộ, 2.711 khẩu gồm các dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Mông sinh sống. Suối Tôn là bản duy nhất có đồng bào Mông, thành lập năm 1998, sau khi bà con di cư từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La đến sinh sống.

Đồng bào Mông ở Suối Tôn theo đạo Công giáo. Năm 2019 bản được công nhận là điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Hiện nay, bản Suối Tôn có 75 hộ, 427 khẩu, ngành nghề chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, có một số thanh niên đã đi làm ở các công ty.

Cuộc sống mới của người Mông ở Suối Tôn

Bác Mùa A Su là người có uy tín của bản Suối Tôn, được người dân quý mến, nghe theo.

Chúng tôi đến thăm gia đình bác Mùa A Su - người có uy tín ở bản Suối Tôn khi mà Bí thư Chi bộ Giàng A Chu và Trưởng bản Suối Tôn Mùa A Du cũng đến thăm bác Su để bàn chuyện tuyên truyền, vận động bà con phòng, chống COVID-19.

Hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên bản đã thông báo đến các gia đình có con em đi làm ăn xa, ở các vùng dịch không nên trở về địa phương, nếu trở về phải thực hiện cách ly theo quy định.

Trưởng bản Mùa A Su cho biết, bản có 38 người đi làm ở các công ty đã trở về địa phương từ tháng 4 và hiện ở nhà.

Những năm qua dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cấp trên, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của bản Suối Tôn có nhiều khởi sắc và phát triển, nhiều hủ tục lạc hậu trong đồng bào Mông dần được xóa bỏ. Có được điều đó, theo Trưởng bản Mùa A Du là có đóng góp rất lớn của bác Su. Với vai trò là người có uy tín trong bản, bác Mùa A Su cùng chi bộ, các đoàn thể trong bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện theo nếp sống mới trong ma chay, cưới hỏi, đưa vào hương ước, quy ước của bản và được bà con thực hiện.

Bác Su còn là điển hình kinh tế của bản, được bà con học hỏi trong cách làm ăn. Gia đình bác hiện nuôi nhiều trâu bò, lợn gà, trồng lúa, trồng ngô và có con cái học hành.

Bác Mùa A Su cho biết, muốn bà con làm theo thì mình phải làm trước. Bà con thấy rồi tin rồi sẽ làm theo. Từ đó mà vận động, tuyên truyền cho bà con về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng dễ hơn.

Dứt lời, bác Su quay sang Bí thư Chi bộ Giàng A Chu và nói: Bản Suối Tôn phát triển như hôm nay còn có sự đóng góp của các thế hệ trẻ như Giàng A Chu.

Giàng A Chu, sinh năm 1989, là Bí thư chi bộ bản Suối Tôn, anh cũng là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn. Giàng A Chu cũng là một trong những người con của Suối Tôn được đi ăn học và trở về quê hương. Hiện anh vừa học xong Ngành khoa học cây trồng, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang. Từ những kiến thức đã học, trở về quê hương, Giàng A Chu có thêm kiến thức, truyền đạt lại cho bà con trong bản, trong xã, định hướng cho bà con trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế, trồng luồng, chăn nuôi gia súc ngoài khu vực dân cư. Luôn gương mẫu đi đầu vận động bà con trong bản không di cư tự do, tích cực làm ăn, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển đảng viên người Mông ở Suối Tôn. Vận động bà con “phải cho con em mình đến trường được học cái chữ để đem ánh sáng về với bản”.

Trước kia, người Mông nay đây, mai đó, sống dựa vào đồi núi, đồi núi hết màu mỡ lại di chuyển đến nơi khác nên cuộc sống bấp bênh lắm. Khi di cư đến Suối Tôn, bà con đã được cán bộ tuyên truyền, giải thích di cư không tốt, cuộc sống của bà con không chỉ đói cơm, đói gạo mà con cháu không được đi học và ảnh hưởng đến đất đai, rừng núi. Bà con nghe thấy phải lắm nên không còn di cư tự do nữa, cuộc sống dần ổn định.

Dù vậy thì những hủ tục lạc hậu vẫn đeo bám người dân trong bản như ma chay thờ cúng dài ngày gây tốn kém, khi ốm còn nhờ thầy mo về cúng dẫn đến bệnh không thuyên giảm, hôn nhân cận huyết dẫn đến những đứa trẻ sinh ra bị thiểu năng trí tuệ, bạch tạng...

Là người được học cái chữ nên anh Giàng A Chu biết bà con mình sẽ còn đói khổ, lạc hậu nhiều lắm nếu không xóa bỏ những hủ tục, không áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, không cho con cái đến trường. Bởi thế, Giàng A Chu cùng phối hợp với chính quyền, đoàn thể và đội liên ngành đang cắm chốt ở bản, ban quản lý bản như trưởng bản Mùa A Du, người có uy tín như bác Mùa A Su luôn sâu sát với bà con, nhờ đó tình hình an ninh - trật tự được đảm bảo, đời sống bà con dần đi vào ổn định”.

Cuộc sống mới của người Mông ở Suối Tôn

Con đường vào bản Suối Tôn đã được bê tông hóa từ nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn Hà Thanh Bình cho biết: Dân cư bản Suối Tôn thưa thớt, trải dài hơn 3 km với 4 khu cách biệt nhau, rất khó trăn trong công tác tuyên truyền vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, xã đang đề nghị cấp trên quy hoạch lại khu dân cư tập trung và có chính sách đặc thù hỗ trợ cho Nhân dân bản Suối Tôn để bà con có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.

Hiện bản đã quy hoạch khu nghĩa địa gồm 2,5 ha, tuy nhiên chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho 5 hộ nhường đất.

Rời bản người Mông Suối Tôn, chúng tôi đem theo niềm vui về sự đổi thay và cũng đem theo cả những trăn trở mà lãnh đạo và người dân nơi đây đề cập, kiến nghị. Cuộc sống mới đang về, và một tương lai tốt đẹp hơn sẽ sớm đến với đồng bào, bởi nơi ấy có những con người tâm huyết.

Ngọc Huấn - Hoàng Đông


Ngọc Huấn - Hoàng Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]