(vhds.baothanhhoa.vn) - Nay đi làm, tạt qua quán café quen tính mua vài ly mời đồng nghiệp thì vô tình chứng kiến cuộc hội thoại của một người đàn ông và một người phụ nữ trung tuổi, có lẽ là anh em ruột.

Đạo lễ thời hiện đại

Nay đi làm, tạt qua quán café quen tính mua vài ly mời đồng nghiệp thì vô tình chứng kiến cuộc hội thoại của một người đàn ông và một người phụ nữ trung tuổi, có lẽ là anh em ruột.

Đạo lễ thời hiện đại

Ngày giỗ là ngày con cháu hướng về nơi sinh thành và máu mủ ruột rà quây quanh nhau, điều đó lớn hơn miếng ăn.

Người phụ nữ dù đã có tuổi nhưng phong cách ăn mặc thời thượng, cùng nước da trắng và mái tóc xoăn được chăm sóc kĩ, ở bà toát lên sự sang trọng và quý phái của một người có tiền. Còn người đàn ông, một người nom không giàu, cũng chẳng nghèo, chỉ có một thứ nổi bật nhất - phong thái chỉn chu, tươm tất.

Ông ngồi đó từ lúc nào, lơ đễnh ngắm dòng người hối hả ngược xuôi trên đường. Bước vào quán café, chưa kịp ngồi xuống ghế, người phụ nữ đã vội tuôn một tràng với người đàn ông: “Lát nữa anh cả đến, anh nói với anh ấy sao thì nói. Đúng là phiền phức, đi làm cả tuần có một ngày nghỉ rồi còn bao nhiêu việc chớ ở không đâu. Thời buổi này mà bắt tập trung đông đủ, rồi còn nấu nấu, nướng nướng, hành hạ nhau thì có. Vợ thì bệnh tật, vào - ra bệnh viện suốt, chăm vợ chưa đủ mệt hay sao mà còn bày vẽ, chán ông ấy thật”.

Người đàn ông nhìn người phụ nữ với vẻ bất lực, tiếng thở dài chẳng buồn giấu giếm cứ thế hắt ra một cách nặng nề...

Chừng 10 phút sau, một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ bước vào quán dáo dác nhìn quanh rồi tiến lại bàn có hai anh em nọ. Đó là người anh cả khi nãy họ vừa nói đến.

Ông xua tay thông báo với nhân viên rằng mình chỉ ghé một lát, rồi bắt đầu câu chuyện: “Cuối tuần này là giỗ đầu của bố, anh chị làm vài mâm cơm, cô, chú bảo vợ, chồng và mấy đứa nhỏ sắp xếp công việc về dự nhé. Bình thường giỗ đầu là phải mời họ hàng nội ngoại, bạn bè thân thiết của bố mẹ, hàng xóm láng giềng… nhưng vướng dịch nên anh chỉ gói gọn con cháu trong nhà thôi. Nếu được, cô Vân về sớm đi chợ, lo công chuyện với chị dâu. Chú Dương nhắn Thím Hường mua giúp anh ít lá chuối gửi về trước cho chị gói bánh… Giỗ ông vào ngày nghỉ chắc bọn trẻ cũng được nghỉ đấy".

Chưa đợi anh trai nói hết, người phụ nữ đã đáp lời với thái độ khá gay gắt: “Bày vẽ làm gì cho mất công vậy anh, nải chuối, con gà, đĩa xôi với hoa quả, nhang đèn là xong. Nếu làm cỗ thì cứ đặt nhà hàng hẹn đúng giờ, đúng giấc họ đem tới có tiện hơn không. Cái cần là lúc sống đối với cha mẹ chu đáo, còn chết có ăn được đâu mà cúng với bái”.

Người đàn ông chỉn chu lúc này mới lên tiếng: “Đúng vậy anh, cứ đặt họ làm cho khỏe, mấy dịch vụ nấu đám giờ ê hề ra, chỉ cần a lô một cái khỏe re, đặt vài bàn cũng chẳng đáng là bao bọn em lo được”.

Người anh cả vẫn giữ vẻ điềm đạm, chậm rãi nói: “Hai đứa nói đều đúng, người chết có ăn được đâu mà cúng với bái. Nhưng “Bách thiện hiếu vi tiên”, trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu, ngày giỗ là ngày con cháu hướng về nơi sinh thành và máu mủ ruột rà quây quanh nhau, cái đó lớn hơn miếng ăn”.

Thấy anh cả nói có lý có tình, người đàn ông chỉn chu và người phụ nữ sang trọng cúi đầu lầm bẩm: “Tùy, bác tính sao thì em theo vậy”. Nói đoạn, người đàn ông khắc khổ kết luận: “Anh tính rồi chủ nhật anh chị dậy sớm đi chợ, mấy đứa cũng được nghỉ làm, mỗi người một tay đỡ đần phụ nhau, mình vừa làm vừa trò truyện tâm sự thì loáng cái là xong. Cái chính là anh chị muốn tự tay nấu những món mà bố thích, trước là tưởng nhớ bố, sau là con cháu hưởng lộc chứ cũng chẳng công lên việc xuống gì mà khó khăn. Bố cả đời vất vả vì anh em mình, mới có giỗ đầu mà"...

Xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống dường như nhanh hơn, vội vã hơn, người ta càng dễ bị cuốn theo cuộc mưu sinh khốc liệt của địa vị công danh, của cơm áo gạo tiền mà ngày càng phai nhạt hai chữ “Hiếu” và “Lễ”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]