(vhds.baothanhhoa.vn) - Thông qua mạng xã hội, như Zalo, Facebook..., tội phạm mua bán người đã bày ra nhiều chiêu trò nhằm dụ dỗ phụ nữ, trẻ em gái nhẹ dạ cả tin. Khi đã tiếp cận được “con mồi”, chúng làm quen, rồi vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống giàu sang với công việc nhàn hạ, mức thu nhập cao bên xứ người.

Đấu tranh với tội phạm trên mạng xã hội: Tình bạn qua mạng và cái kết buồn

Thông qua mạng xã hội, như Zalo, Facebook..., tội phạm mua bán người đã bày ra nhiều chiêu trò nhằm dụ dỗ phụ nữ, trẻ em gái nhẹ dạ cả tin. Khi đã tiếp cận được “con mồi”, chúng làm quen, rồi vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống giàu sang với công việc nhàn hạ, mức thu nhập cao bên xứ người.

Đấu tranh với tội phạm trên mạng xã hội: Tình bạn qua mạng và cái kết buồn

Lực lượng công an áp giải Nguyễn Thị Dương - đối tượng trong đường dây mua bán người sang Trung Quốc, triệt phá ngày 3-11-2020. (Ảnh cơ quan công an cung cấp)

Khi công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội được nhiều người lựa chọn là nơi thư giãn, giải trí, kết nối bạn bè. Nhưng đối với bọn tội phạm mua bán người, mạng xã hội được sử dụng như một công cụ kiếm tiền bất chính bằng cách dụ dỗ, đe dọa... thực hiện hành vi mua bán người.

Chỉ vì cuộc sống ở miền quê nghèo lam lũ, vất vả, không có thu nhập ổn định, lại thiếu hiểu biết, nên khi nghe đối tượng lừa đảo rủ rê sang Trung Quốc lấy chồng “ngắn hạn” sẽ có khoản thu nhập lớn, nhiều chị em không chút đắn đo, đồng ý “làm dâu"... xứ người. Họ đâu biết, khi sang đến Trung Quốc là một cuộc sống tủi nhục, ê chề đang đợi sẵn.

Chị N.T.C., sinh năm 1993 ở Thanh Hóa - nạn nhân của đường dây mua bán người, may mắn được Công an Thanh Hóa giải cứu dịp cuối năm 2020, cho biết: “Do không có việc làm ổn định, qua Zalo, tôi biết chị Dương đang tìm người sang Trung Quốc nên đã nghe theo. Chị Dương cũng đặt thẳng vấn đề là đưa người sang Trung Quốc làm “dâu” thời hạn 10, 15 ngày hoặc 1 tháng. Chị ấy cũng đưa ra giá, nếu làm dâu từ 10 đến 15 ngày sẽ có giá là 60 triệu đồng, nếu 1 tháng sẽ có giá từ 80 triệu đến 100 triệu đồng. Khi nào mình sang đến biên giới và phía Trung Quốc nhận được người thì họ mới trả tiền”.

Ngày 3-11-2020, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây mua bán người sang Trung Quốc, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Dương, sinh năm 1994, trú tại xã Quảng Chính (Quảng Xương). Nạn nhân được giải cứu án gồm 2 người ở Thanh Hóa do Dương rủ rê là chị N.T.C. sinh năm 1993 và L.T.C. sinh năm 1997 và 2 nạn nhân khác ở các tỉnh An Giang, Cà Mau. Mở rộng chuyên án, cơ quan công an tiếp tục bắt giữ các đối tượng liên quan, gồm: Hồ Thị Vớn, sinh năm 1989, trú tại xã Lê Thiện, huyện An Dương (TP Hải Phòng) và Nguyễn Châu Tuấn, sinh năm 1992, trú tại xã Tăng Phức Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang).

Không chỉ lừa bán người sang Trung Quốc “làm dâu” ngắn ngày, tội phạm mua bán người còn sử dụng mạng xã hội để mua bán, chuyển nhượng trẻ em dưới 16 tuổi phục vụ quán hát karaoke, thậm chí làm gái mại dâm ở trong nước. Điển hình như vụ án mua bán người; mua bán người dưới 16 tuổi; giữ người trái pháp luật, xảy ra ngày 4-12-2021 và 6-12-2021 tại TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và Thanh Hóa. Nạn nhân là các cháu: T.T.D., sinh năm 2006, quê huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), cháu N.T.Y.N., sinh năm 2008, quê huyện Yên Định (Thanh Hóa) và cháu Đ.T.N., sinh năm 2004, trú tại tỉnh Yên Bái, đều bị đối tượng Phan Văn Tiền, sinh năm 2001, trú tại xóm 16, xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy (Nam Định) lừa bán cho Vũ Thị Duyên, sinh năm 1990 trú tại xã Phương Cầu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) với giá 12,8 triệu đồng/cháu.

Tội phạm mua bán người qua mạng xã hội thường sử dụng nhiều chiêu trò, với vỏ bọc khác nhau, như làm quen với nạn nhân vờ yêu đương, rồi giúp tìm việc làm, thậm chí giúp lấy chồng là người Trung Quốc... để lừa bán. Để không trở thành nạn nhân của các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, về góc độ tâm lý, bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Tâm lý (Trường Đại học Hồng Đức), chia sẻ: Trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân không bị mua, bán. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ rê hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, hoặc không nhận tiền và tự nguyện trả nợ thay của người lạ mới quen biết. Điều tất yếu là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết để đề cao cảnh giác, kịp thời thông báo cho cơ quan công an, cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi, đối tượng nghi vấn phạm tội mua, bán người. Nên cảnh giác với những mối quan hệ trên mạng, nhất là với những người không rõ ràng về nhân thân, công việc, quan hệ xã hội... Thận trọng với trường hợp tuy mới quen biết nhưng đã tỏ vẻ yêu quý mình, mong muốn gặp mặt. Khi định đi làm ăn xa hay đi chơi, du lịch, nên kể với một số bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Nên đặt ra những nghi vấn đối với những trường hợp rủ đi làm ăn lương cao nhưng “phải giữ bí mật” với bất cứ lý do nào.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người... Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; những dấu hiệu, nguy cơ trở thành nạn nhân và phương thức phòng, tránh khỏi cạm bẫy của tội phạm mua bán người...

Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]