(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, các bệnh viện ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã được quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ tích cực cho công tác chuyên môn, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở khu vực miền núi

Những năm qua, các bệnh viện ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã được quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ tích cực cho công tác chuyên môn, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở khu vực miền núiBệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy được trang bị máy chụp cắt lớp vi tính giúp việc chẩn đoán bệnh chính xác, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Anh Phạm Thúc Trung, thôn 6, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo nhiều năm nay. Những năm trước, để chạy thận nhân tạo, anh phải xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chi phí đi lại, sinh hoạt tốn kém. Vì vậy, mỗi lần đi bệnh viện là một lần anh lo lắng, xoay xở đủ bề mới có tiền trang trải. Anh cho biết: Từ khi Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, tôi mừng lắm, không phải xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tiết kiệm được một phần chi phí ăn uống và đi lại.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc đã được đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại như: máy chụp cắt lớp vi tính MSCT 64 lát cắt, nội soi tiêu hóa, siêu âm 4D, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, bộ dụng cụ phẫu thuật Phaco, hệ thống mổ điện cao tần, máy tán sỏi Laser, hệ thống ICU chăm sóc bệnh nhân nặng, máy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR... Từ đó bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục sức khỏe. Bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, điều đầu tiên là cần có chất lượng chẩn đoán và điều trị phải thật tốt. Chẩn đoán phải chính xác, nhanh chóng, từ đó mới có thể đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Cuối cùng, người bệnh sẽ nhanh khỏi bệnh, thời gian điều trị ngắn nhất, giảm được thời gian điều trị và đỡ tốn kém. Chính vì vậy, hệ thống máy móc, trang thiết bị y khoa của Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc được chú trọng đầu tư với các dòng máy hiện đại, qua đó giúp người bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy cũng đã mạnh dạn đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại với nhiều kỹ thuật cao, như: phẫu thuật sọ não, tán sỏi bằng tia laser, thay đục thủy tinh thể; chăm sóc sơ sinh nhẹ cân, non tháng; cắt tử cung bằng phương pháp nội soi;… Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy cho biết: Khi người dân mắc bệnh mà phải chuyển tuyến, sẽ phát sinh những chi phí đi lại, ăn uống… Trong thời gian qua, bệnh viện đã được bổ sung thêm các trang thiết bị, máy móc hiện đại, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng mà không cần chuyển tuyến, hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện ở tuyến trên.

Từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát cũng đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị y khoa, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn, như: máy siêu âm màu, máy nội soi tai mũi họng, máy nội soi đại tràng, máy siêu âm tim, máy xét nghiệm miễn dịch,... Nhờ những thiết bị hiện đại, cùng với việc đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sĩ, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.

Anh Vi Văn Dận, bản Cò Cài, xã Quang Chiểu (Mường Lát) bị đau dữ dội ở thắt lưng vùng hạ sườn, sau đó lan dần xuống vùng hố chậu thắt lưng, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát. Tại đây, anh được bác sĩ thăm khám, rồi chụp X.quang kỹ thuật số, phát hiện bị sỏi thận. Bác sĩ của bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật tán sỏi bàng quang niệu đạo ngược dòng. Anh Dận cho biết: “Được bác sĩ của bệnh viện tận tình cứu chữa, bệnh tình của tôi đã khỏi. Nếu không phải đi bệnh viện tuyến tỉnh thì chi phí tốn kém lắm”.

Theo ông Nguyễn Huy Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát: Những năm trước, trường hợp như anh Vi Văn Dận chắc chắn phải chuyển tuyến để điều trị. Nhưng nay, do được đầu tư trang thiết bị hiện đại, bệnh viện đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật y tế chất lượng cao, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho bệnh nhân, mà không phải chuyển tuyến.

Thực tế cho thấy, trước đây ở các bệnh viện miền núi, khi gặp ca bệnh nặng hầu như phải chuyển lên tuyến trên. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, các bệnh viện đã được đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng của 11 bệnh viện huyện miền núi được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, tiết kiệm chi phí đi lại, sinh hoạt. Theo báo cáo của Sở Y tế, từ năm 2014 đến nay, các huyện miền núi đã được đầu tư 113 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác khám và điều trị.

Cũng phải nhìn nhận rằng, dù đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, nhưng nhu cầu đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các bệnh viện khu vực miền núi vẫn còn rất lớn. Do vậy, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các bệnh viện cần chủ động thực hiện xã hội hóa y tế, tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương để có thêm nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]