(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa hè được xem như mùa vui của con trẻ. Nhưng, niềm vui của con lại là áp lực của phụ huynh. Điều tưởng như rất phi lý này lại là một thực tế, đã và đang khiến nhiều ông bố, bà mẹ đối diện với khó khăn…

Để mùa hè của con không còn là nỗi lo của cha mẹ

Mùa hè được xem như mùa vui của con trẻ. Nhưng, niềm vui của con lại là áp lực của phụ huynh. Điều tưởng như rất phi lý này lại là một thực tế, đã và đang khiến nhiều ông bố, bà mẹ đối diện với khó khăn…

Để mùa hè của con không còn là nỗi lo của cha mẹTô tượng, một trò chơi được trẻ em yêu thích trong dịp hè (Ảnh: Vi An).

Không phải đến khi con nghỉ hè, phụ huynh mới căng thẳng. Nỗi lo đã thường trực trước đó, khi con sắp bước vào kỳ nghỉ dài. Vấn đề đặt ra với người lớn là làm thế nào để bảo đảm cho con trẻ có một mùa hè vui, theo đúng nghĩa. Thực sự không dễ. Đó là bài toán khó, không chỉ cần sự cẩn thận mà cả cẩn trọng.

Phụ huynh ở thành phố có nỗi lo của người thành phố. Phụ huynh nông thôn cũng có nỗi lo riêng. Nhưng nỗi lo chung nhất, chính là sự an toàn cho con trong dịp hè. Ngày 27-5 vừa qua, một câu chuyện buồn đã xảy ra với một học sinh 9 tuổi, ngay khi em vừa bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Một phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh đã gửi 2 con về chơi với bà ngoại ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi các con kết thúc năm học. Đáng tiếc, trong 1 buổi đi cào hến cùng bà ngoại, không may cả 2 anh em trượt chân xuống vùng nước sâu. Người anh may mắn được cứu kịp thời còn người em bị đuối nước. Niềm vui ngày hè, vô tình đã biến thành nỗi đau.

Làm gì cho con trong ngày hè khi bố mẹ vẫn đi làm. Con chơi hay con tiếp tục học hè? Và nếu chơi thì chơi gì cho lành mạnh. “Một chiếc điện thoại thông minh cho con ở nhà vào dịp hè, với chúng tôi không có gì khó. Con tự do sử dụng. Biết là sẽ có những hiểm nguy nhưng dường như chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”. Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Lâm Di ở phường Ba Đình (TP Thanh Hóa). Còn theo anh Lê Vinh ở xã Hợp Lý (Triệu Sơn), điều băn khoăn nhất với anh chính là việc quản lý con. Anh nói: “Hè là ngày vui của con, con được chơi với bạn nhiều hơn. Nhưng không hoàn toàn đơn giản như thế. Bố mẹ đi vắng, ông bà đã già yếu không thể kiểm soát hết được các trò chơi của con. Nếu không may, các con nghịch dại dột thì hậu quả sẽ khó lường…”.

Để mùa hè của con không còn là nỗi lo của cha mẹNhững học viên nhí tập giặt quần áo tại khóa học “Trại hè tự tin - tự lập” của Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Tâm Việt (Ảnh Trung tâm cung cấp).

Để lấp đầy khoảng thời gian nghỉ hè của con, nhiều ông bố, bà mẹ cũng lên những kế hoạch “chật chội” và nghĩ rằng, bản thân họ đã mang lại niềm vui cho con đồng thời quản lý con dễ dàng hơn. Nhưng họ không nghĩ rằng, chính họ lại đang đánh mất đi ý nghĩa mùa hè của con. Tôi đã chứng kiến có những phụ huynh, chỉ cho phép con được nghỉ hè 1 tuần. Thời gian sau đó, thuê gia sư để củng cố kiến thức cho con và đăng ký để con tham gia các khóa học về kỹ năng sống, các môn nghệ thuật… Có nghĩa, trong tuần, con họ sẽ có một lịch trình dày đặc và buộc con phải bận bịu theo guồng quay đấy.

Học không bao giờ thừa nhưng rõ ràng, nếu bố mẹ cứ cho rằng, cách quản lý tốt nhất trong dịp hè là ép con học này, học kia thì đó là một sai lầm lớn. Cần thiết phải có một sự sắp xếp khoa học và phải nắm bắt tâm lý của con, rằng, bận bịu như thế, con có thực sự vui hay con đang phải cố chịu đựng?

Nói về kỳ nghỉ hè 3 tháng, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Những bố mẹ có suy nghĩ nghỉ 3 tháng nhiều quá, sợ con quên kiến thức, cũng đều xuất phát từ tâm lý ích kỷ vì không có ai trông con”.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra quan điểm, nghỉ hè không có nghĩa là dừng học. Do đó, trong khoảng thời gian này, bố mẹ cần tổ chức một cách khoa học, giúp con đạt được những kỹ năng cần thiết khi con ở nhà, khi con đi chơi. Đối với những gia đình có điều kiện cho con tham gia các chương trình trải nghiệm hè, cần lưu ý khi lựa chọn các chương trình cho con, cần thiết phải xem có phù hợp với lứa tuổi, có hướng đến mục tiêu giáo dục hay không… “Tôi cho rằng, nhà trường cần có kế hoạch trao đổi tập huấn cho cha mẹ kỹ năng quản lý con cái trong thời gian nghỉ hè. Cộng đồng địa phương tăng cường các biện pháp giám sát hoạt động của học sinh trên địa bàn. Thực hiện liên gia canh gác an ninh khu phố, không gian sân chơi chung cùng với công an khu vực… Nghỉ hè không có nghĩa là hoạt động giáo dục dừng lại”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết thêm.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]