(vhds.baothanhhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 kéo dài, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Đã có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đăng ký giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động. Nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước vừa được ban hành là động lực giúp doanh nghiệp vượt khó vươn lên, khôi phục và phát triển sản xuất.

Doanh nghiệp trước đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp gặp khó

Đại dịch COVID-19 kéo dài, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Đã có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đăng ký giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động. Nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước vừa được ban hành là động lực giúp doanh nghiệp vượt khó vươn lên, khôi phục và phát triển sản xuất.

Doanh nghiệp trước đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp gặp khóNhiều tháng nay, hàng chục xe ô tô của Công ty TNHH ô tô du lịch và taxi Linh Thông nằm bãi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (ngày 27-4) đến nay, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngoài phải lo trả lãi suất ngân hàng hằng tháng, còn phải gánh trên vai trách nhiệm trả lương cho người lao động với hy vọng “giữ chân” khi sản xuất trở lại bình thường.

Công ty TNHH ô tô du lịch và taxi Linh Thông, địa chỉ Quốc lộ 1A, phường Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn có 48 xe hợp đồng phục vụ tour. Ông Nguyễn Xuân Linh, Giám đốc Công ty cho biết: “Gần 2 năm chống chọi với dịch COVID-19, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, hoạt động du lịch “đóng băng”, đồng nghĩa 48 đầu xe hợp đồng phục vụ các tour du lịch của doanh nghiệp không thể hoạt động và phải nằm bến từ nhiều tháng nay. Xe không hoạt động, doanh nghiệp không có doanh thu nhưng hàng tháng vẫn phải trả lương cho người lao động và trả lãi ngân hàng với tổng số tiền lên đến trên 500 triệu đồng/tháng. Nếu tình trạng này kéo dài không biết công ty sẽ như thế nào?”.

Hơn 3 tháng nay Công ty CP Đầu tư dịch vụ Cảng Hàng không Thọ Xuân - Chi nhánh Thanh Hóa (thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân) tạm thời ngừng hoạt động do Cảng Hàng không Thọ Xuân có quyết định tạm dừng khai thác các đường bay thương mại đi và đến từ ngày 4-7-2021. Ông Lê Văn Hiếu, Giám đốc Chi nhánh giãi bày: Khi chưa có quyết định tạm dừng khai thác, việc kinh doanh của đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn vì tần suất cũng như lượng khách đi và đến tại cảng hàng không sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, công ty vẫn phải thực hiện trả lương và nộp bảo hiểm xã hội đầy đủ cho 15 lao động với mức bình quân hơn 6 triệu đồng/người/ tháng cho đến hết tháng 6. Sang tháng 7-2021, sau khi Cảng Hàng không Thọ Xuân tạm dừng khai thác các đường bay thương mại đi và đến, công ty dừng đóng bảo hiểm xã hội và chi trả tiền lương cho người lao động vì không còn khả năng.

Doanh nghiệp trước đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp gặp khóKhi chưa xảy ra dịch COVID-19, lượng khách hàng được Công ty CP Đầu tư dịch vụ Cảng Hàng không Thọ Xuân phục vụ lên đến hàng trăm lượt mỗi chuyến bay.

Công ty TNHH may mặc Hoàng Tùng, địa chỉ thôn Bỉ Kiều, xã Trung Chính (Nông Cống) là đơn vị chuyên may sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Doanh nghiệp này hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 480 lao động là con em trên địa bàn huyện với mức lương 6 triệu đồng/người/ tháng. Khi huyện Nông Cống thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Giám đốc Công ty, ông Hoàng Bá Tùng cho biết: Chuỗi sản xuất bị đứt gãy do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và sản phẩm làm ra không lưu thông được, dẫn đến nhiều đơn hàng bị hủy, ước thiệt hại lên đến 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp vẫn phải xoay xở, chi trả lương đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ.

Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: Ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã làm cho chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu không lưu thông nên các doanh nghiệp không có doanh thu, không có lợi nhuận. Nhưng mỗi tháng doanh nghiệp vẫn phải lo trả lãi cho ngân hàng, lương công nhân và tiền thuê đất. Trong tình cảnh khó khăn này, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không còn sức, đành chấp nhận phá sản. Vì vậy, để giúp doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất, bên cạnh chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó trong đại dịch COVID-19 của Chính phủ đang được triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh, cần có cơ chế nhất quán quy định xe luồng xanh, luồng vàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa giữa tỉnh này với tỉnh khác khi doanh nghiệp, người lao động đảm bảo điều kiện theo quy định. Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, người lao động trong các doanh nghiệp cần sớm được tiêm vắc-xin với tỷ lệ bao phủ rộng... Những vướng mắc trên nếu được quan tâm tháo gỡ kịp thời, cộng với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là động lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]