(vhds.baothanhhoa.vn) - Xây dựng thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, cuộc hành trình nâng cao các tiêu chí theo hướng toàn diện, bền vững, đặt ra nhiều vấn đề khó khăn hơn. Quan trọng là phải tiếp tục tạo sự đồng thuận của người dân để phát triển các tiêu chí...

Đổi thay từ nếp nghĩ, cách làm

Xây dựng thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, cuộc hành trình nâng cao các tiêu chí theo hướng toàn diện, bền vững, đặt ra nhiều vấn đề khó khăn hơn. Quan trọng là phải tiếp tục tạo sự đồng thuận của người dân để phát triển các tiêu chí...

Đổi thay từ nếp nghĩ, cách làm

Đường vào nghĩa trang thôn 12, xã Xuân Du (Như Thanh) đã được nâng cấp, cải tạo.

Gieo ý thức sẽ có trách nhiệm

Ngày 13-11-2021, thôn Lọc Trạch, xã Đồng Lợi (Triệu Sơn) được công nhận thôn NTM kiểu mẫu. Hình ảnh thôn NTM kiểu mẫu Lọc Trạch hiện lên như bức tranh đẹp với đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, rãnh thoát nước có nắp đậy; hệ thống đường trục chính được trồng hoa, cây xanh; vườn tạp thay thế bằng những vườn cây ăn quả, rau màu, hoa có giá trị kinh tế cao...Thôn có 343 hộ với 1.306 nhân khẩu. Cùng với sự phát triển của các hoạt động dịch vụ, thương mại và ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 70,37 triệu đồng.

Sau gần một năm triển khai thực hiện xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, trên khuôn mặt Trưởng thôn Trần Quang Bá vừa phấn chấn nhưng cũng không giấu được sự lo âu. Ông mừng vì Lọc Trạch đã đạt thôn NTM kiểu mẫu với sự đổi mới từ diện mạo đến chất lượng nhưng nhìn lại cuộc hành trình, không tránh khỏi những khó khăn. “Nếu trước đây trong xây dựng NTM, đã làm thay đổi nhận thức, tư tưởng người dân thì trong xây dựng NTM kiểu mẫu phải làm cho nhận thức, tư tưởng ấy chuyển biến một cách cơ bản hơn nữa để bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, rõ nét hơn, như mở rộng đường, xây dựng tường rào... Đấy mới là cái khó”, ông Trần Quang Bá, cho biết.

Xây dựng thôn NTM kiểu mẫu ở Lọc Trạch với kết quả huy động nguồn lực đạt 35,63 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp tới 30,570 tỷ đồng. Cũng theo Trưởng thôn Trần Quang Bá, để thực hiện các tiêu chí, sau khi tuyên truyền, vận động, phần lớn người dân đồng thuận, có gia đình đóng góp hàng chục triệu đồng nhưng cũng có một số hộ không chấp hành, chủ yếu là hộ người cao tuổi. Ông nhớ lại: “Hộ của các ông bà già thì điều kiện kinh tế khó khăn hơn. Vì thế, khi thôn xây dựng tường rào, các ông bà không đồng ý, cấp ủy phải đến từng nhà động viên, thuyết phục, thậm chí có những hộ, tập thể phải bỏ kinh phí làm cho bà con để tuyến đường đó sớm được hoàn thành. Trong xây dựng NTM, quan điểm của thôn là phải gieo ý thức thì người dân sẽ có trách nhiệm”.

Chỉ mong làng ta không thua làng khác

Ở thôn 12, xã Xuân Du (Như Thanh), có 96% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Đây cũng là thôn khó khăn nhất của xã. Bắt tay xây dựng thôn NTM kiểu mẫu vào tháng 3-2021 thì đến ngày 30-11-2021, thôn 12 được công nhận thôn NTM kiểu mẫu.

Xây dựng thôn NTM kiểu mẫu trong thời gian ngắn, nhưng đã làm chuyển biến rõ rệt nhận thức, tư tưởng của bà con nơi đây. Thành công này có đóng góp lớn của Bí thư Chi bộ thôn, ông Bùi Khánh Nghịch. Ông trải lòng: “Điều tôi tâm đắc nhất, là đã góp phần thay đổi tư duy của bà con. Thôn chủ yếu người dân tộc thiểu số nên để bà con thích ứng với sự đổi mới thường chậm hơn, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khi đã tạo được sự đồng thuận để thực hiện các tiêu chí và đến hôm nay, nhìn thấy sự thay đổi của thôn NTM kiểu mẫu, bà con vô cùng phấn khởi”.

Có 2 vấn đề mà ông Bùi Khánh Nghịch đau đáu nhất trong hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu, đó là tục khiêng người chết bằng cây luồng và nhà vệ sinh của người dân tộc Mường. Đã là phong tục thì khó bỏ. Tục khiêng người chết bằng cây luồng đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân nên dù vận động nhiều lần chuyển từ khiêng sang xe tang nhưng bà con không đồng ý. Đối với nhà vệ sinh, thực tế chỉ là vài cây tre, luồng gác thành... Cả hai vấn đề này, nay đã được giải quyết bởi sự quyết tâm cao độ của Bí thư Chi bộ thôn Bùi Khánh Nghịch. Ông kể lại: “Đầu tiên là thôn cải tạo, nâng cấp 400m đường vào nghĩa địa để thuận tiện cho xe tang đi vào nhưng người dân vẫn rất phản đối, đặc biệt là người già. Họ cho rằng, dù làm đường vào nghĩa địa hay có xe tang thì cũng không thay đổi được gì. Tôi từng nói, trường hợp gia đình có người mất, trong khi con cháu đi làm ăn xa chưa về kịp thì tôi khiêng ông bà hay ông bà khiêng tôi? Sau nhiều lần động viên, thuyết phục, rất mừng, bà con nhất trí cao”.

Đến nay, đồng bào người dân tộc Mường ở thôn 12 đã chuyển cách đưa tang người chết từ khiêng sang xe tang, hơn 90% hộ dân đã sử dụng nhà tiêu tự hoại, hợp vệ sinh. Sự thay đổi này để một lần nữa minh chứng, nếu không tạo sự đồng thuận từ người dân thì khó có thành công. Đặc biệt, với bí thư chi bộ Bùi Khánh Nghịch, ông có thêm bí quyết để tạo sự phấn đấu trong dân, như ông chia sẻ: “40 năm trong quân đội, khi trở về, tôi chẳng ước mơ gì, chỉ mong làng ta không thua làng khác”.

Ông Trương Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du: “Trong xây dựng NTM, xác định yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, xã chú trọng công tác tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, phải đánh đúng vào tâm lý để kích thích tinh thần thi đua của người dân. Thực tế cho thấy, rất nhiều hộ, trong nhà có thể đang còn đơn sơ nhưng vẫn tham gia làm đẹp đường làng, ngõ xóm trước. Ý thức trách nhiệm với cộng đồng rất cao”.

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh


Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]