(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (1 sản phẩm đạt 5 sao, 40 sản phẩm đạt 4 sao và 117 sản phẩm đạt 3 sao). Trong đó có 108 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 9 sản phẩm nhóm đồ uống, còn lại là các sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và thảo dược. Đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, ngoài tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, hội chợ..., việc mở 16 gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đang là cầu nối giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận, sử dụng sản phẩm sạch, chất lượng.

Đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng

Thanh Hóa hiện có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (1 sản phẩm đạt 5 sao, 40 sản phẩm đạt 4 sao và 117 sản phẩm đạt 3 sao). Trong đó có 108 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 9 sản phẩm nhóm đồ uống, còn lại là các sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và thảo dược. Đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, ngoài tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, hội chợ..., việc mở 16 gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đang là cầu nối giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận, sử dụng sản phẩm sạch, chất lượng.

Đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùngKhách hàng chọn mua sản phẩm OCOP tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hóa, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa).

Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đông trùng hạ thảo Đăng Khoa, khu Yên Hạnh 2, thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn) khai trương và đi vào hoạt động từ tháng 11-2020. Chị Mai Thị Trang, chủ cửa hàng cho biết: Hiện cửa hàng của chị đang trưng bày, giới thiệu và bán gần 50 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong số 7/19 sản phẩm OCOP của huyện Nga Sơn đang trưng bày, giới thiệu và bán tại cửa hàng có đến 6 sản phẩm của cơ sở Đăng Khoa, gồm: đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo khô, rượu đông trùng hạ thảo, tổ yến chưng đông trùng hạ thảo, mật ong ngâm đông trùng hạ thảo và rượu trắng Đăng Khoa. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đông trùng hạ thảo Đăng Khoa đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng trên địa bàn huyện. Ngoài bán hàng trực tiếp, cửa hàng cũng kinh doanh theo hình thức online, thông qua các trang mạng xã hội. Thông qua các kênh bán hàng, cửa hàng đạt doanh thu mỗi tháng từ 50 triệu -100 triệu đồng.

Đang chọn mua sản phẩm tổ yến chưng đông trùng hạ thảo Đăng Khoa, bác Mai Tiến Dũng (thị trấn Nga Sơn), chia sẻ: “Đến mua tại cửa hàng bán sản phẩm OCOP, tôi không cần mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu xuất xứ hàng hóa, không còn lo lắng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Giá cả phải chăng nên tôi rất hài lòng, yên tâm khi sử dụng”.

Còn chị Lê Thu Trang, xã Nga Trường (Nga Sơn), cho biết: “Khoảng cách từ nhà tôi đến cửa hàng dài gần 2km, song vì muốn dùng những sản phẩm sạch, có chất lượng nên tôi đã đến. Sản phẩm bày bán tại cửa hàng rất phong phú, đa dạng và có thương hiệu như mắm tôm, mắm tép, nước mắm của làng nghề Khúc Phụ (Hoằng Hóa) và Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), miến gạo Thăng Long (Nông Cống)..., giá cả có cao hơn một chút so với giá bán ở chợ, nhưng tôi vẫn lựa chọn vì đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoằng Hóa, ở thị trấn Bút Sơn hiện tại đang trưng bày, giới thiệu và bán 5/13 sản phẩm OCOP của huyện (chủ yếu là các sản phẩm mắm, đông trùng hạ thảo). Phó Giám đốc Trung tâm, ông Lê Xuân Ngọc cho biết: "Ngoài cung ứng bán các sản phẩm OCOP của huyện, trung tâm tham gia bán nhiều mặt hàng OCOP của các địa phương khác như: miến dong (Ngọc Lặc), kẹo lạc, bánh lá răng bừa (Thọ Xuân), nước mắm Tác Huy (thị xã Nghi Sơn), mật ong Pù Luông (Bá Thước), sâm báo (Vĩnh Lộc)... Bên cạnh khách hàng đến chọn mua sản phẩm tại gian hàng, có rất nhiều người dân đặt mua sản phẩm qua mạng xã hội zalo, facebook...

Đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùngKhách hàng chọn mua sản phẩm tại điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Đăng Khoa, thị trấn Nga Sơn.

Trên đây chỉ là 2 trong số 16 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được khai trương, đi vào hoạt động đến thời điểm này. Qua đó, khoảng 80% số lượng sản phẩm OCOP thuộc nhóm đồ uống, thực phẩm được trưng bày, bán tại đây. Việc mở các cửa hàng này đã góp phần hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trên thị trường, đồng thời tạo cơ hội để người tiêu dùng được lựa chọn hàng hóa chất lượng, đại diện cho những sản phẩm ưu thế, đặc trưng của địa phương.

Nói thêm về hiệu quả của việc mở các gian hàng, ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Hiệu quả vượt trội của những gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đã được khẳng định. Ở giai đoạn đầu, khi người tiêu dùng chưa biết nhiều về chương trình và hệ thống, giá trị của sản phẩm OCOP thì các cửa hàng làm nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng. Khi chương trình đã triển khai sâu rộng trong Nhân dân, các cửa hàng chính là điểm cung cấp, giao lưu các sản phẩm OCOP vùng miền, hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện, thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm OCOP.

Ông Bùi Công Anh cho biết thêm, để nâng cao sức tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh sẽ khuyến khích, lồng ghép kinh phí để hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]