(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuối tuần, đưa con gái về quê chơi. Đang say giấc ngủ, tôi bị đánh thức bởi tiếng lợn kêu eng éc, tiếng người nói lao xao ở đầu ngõ. Mẹ như hiểu ý tôi định hỏi gì rồi thở dài đánh thượt và nói, dạo này giá lợn xuống thấp nên mọi người trong làng chung nhau “đụng lợn”. Nhà mình còn vài con mà từ hôm đến giờ cũng chưa bán được, mấy hôm nữa xem có ai trong làng chung nhau để thịt.

“Đụng lợn” với tiếng thở dài

Cuối tuần, đưa con gái về quê chơi. Đang say giấc ngủ, tôi bị đánh thức bởi tiếng lợn kêu eng éc, tiếng người nói lao xao ở đầu ngõ. Mẹ như hiểu ý tôi định hỏi gì rồi thở dài đánh thượt và nói, dạo này giá lợn xuống thấp nên mọi người trong làng chung nhau “đụng lợn”. Nhà mình còn vài con mà từ hôm đến giờ cũng chưa bán được, mấy hôm nữa xem có ai trong làng chung nhau để thịt.

Nhà cô tôi, là một trong những hộ nuôi nhiều lợn nhất trong làng, trong xã. Bao năm gắn bó với nghề nuôi lợn, tiền bán lợn góp phần nuôi 2 đứa con học hành đâu ra đấy, làm nên cái nhà, cái cửa đàng hoàng, giờ ảnh hưởng dịch, thành ra cũng lao đao. Hiện nay nhà cô cũng chưa xuất bán được lứa lợn nào. Bán lợn giá rẻ thì tiếc công nuôi, để lại thì chi phí, giá thức ăn vẫn không ngừng tăng.

Từ hồi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, giá cả lợn, gà đều giảm. Nguyên nhân là do dịch bệnh kéo dài làm cho việc vận chuyển đi tiêu thụ khó khăn; các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Điều đáng nói, giá lợn hơi xuống thấp chỉ còn 50-55 nghìn đồng/kg còn giá thịt lợn thương phẩm bán ngoài thị trường không giảm hoặc giảm rất ít. Hiện nay, không chỉ riêng quê tôi mà hầu hết ở các địa phương, giá các loại thịt lợn, gia cầm đều xuống thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người chăn nuôi “khóc dở, mếu dở”. Thành ra, để khắc phục việc bán lợn không được mà mua thịt lợn bên ngoài thì giá cao, nên ở quê tôi mới tổ chức “đụng lợn”.

Lúc còn nhỏ, thời còn nghèo khó, lũ trẻ con chúng tôi chờ đến ngày “đụng lợn” chỉ với ý nghĩa đơn giản là được ăn thịt lợn thoải mái, còn người lớn giải thích rằng đó còn phong tục, thể hiện tinh thần đoàn kết trong bản, trong làng. Khi trưởng thành rồi đi làm, có gia đình, về quê mỗi dịp tết, tôi cảm thấy xúc động khi quê tôi vẫn giữ được các tục lệ tốt đẹp của người Mường, trong đó có tục “đụng lợn” (tức là, mấy nhà gần nhau hoặc mấy anh em cùng chung nhau thịt một con lợn để ăn tết). Từ độ 25 tết, trong làng đã bắt đầu nhộn nhịp sắm tết, vài ba gia đình đã họp bàn nhau “đụng lợn”, bọn trẻ con thì háo hức mong chờ. Những ngày giáp tết, các bà, các mẹ đã sắm sửa bếp núc, xoong nồi, ngâm gạo, chặt lá chuối...; những người đàn ông thì leng keng với dao, thớt chuẩn bị thịt lợn, chia phần rồi gói bánh chưng, gói giò, làm nem... không khí náo hức, rộn ràng.

“Đụng lợn” trước đây là niềm vui, háo hức mong chờ, còn giờ đây, giữa thời điểm dịch bệnh, giá cả xuống thấp, mọi người phải chung nhau thịt lợn để giải cứu mà chạnh lòng. Mong rằng, dịch bệnh qua nhanh, cuộc sống sẽ sớm ổn định trở lại, để những người nông dân, trong đó có cô tôi, mẹ tôi sẽ không còn phải thở dài. Và “đụng lợn” chỉ mang ý nghĩa ấm no, thiêng liêng vào mỗi dịp tết đến, xuân về.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]