(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở vào tuổi sáu mươi tôi trở về đi lại con đường xưa. Con đường tuổi thơ. Con đường gắn bó với biết bao kỷ niệm vui buồn một thưở. Con đường xanh miên man những hoa dại, xuyến chi hoa nhỏ li ti nở cùng mặt trời, hoa xấu nở tím biếc như sắc áo ai mùa hội, còn hoa ngũ sắc như điểm tô cho mướt mát sắc cỏ xanh vệ đường.

Đường xưa kỷ niệm

Đường xưa kỷ niệm

Ở vào tuổi sáu mươi tôi trở về đi lại con đường xưa. Con đường tuổi thơ. Con đường gắn bó với biết bao kỷ niệm vui buồn một thưở. Con đường xanh miên man những hoa dại, xuyến chi hoa nhỏ li ti nở cùng mặt trời, hoa xấu nở tím biếc như sắc áo ai mùa hội, còn hoa ngũ sắc như điểm tô cho mướt mát sắc cỏ xanh vệ đường.

Háo hức, mừng vui gặp lại gương mặt rơm rạ đồng chiều thân quen. Cánh đồng này xưa quanh năm nước ngập úng, cây lúa lớn lên cùng rong rêu, tôm, ốc, cá, cua. Buổi đi làm cùng mẹ, nước ngập quá đầu gối, nước trong leo lẻo còn thấy cả gương mặt thơ dại. Đi làm cùng mẹ để lấy công điểm, vẫn còn nhớ tranh thủ lúc giải lao lấy đầy gánh rau rong về nấu cùng cám gạo cho lứa lợn, mẹ hứa rằng khi bán lưá lợn này sẽ cho tiền mua quần áo mới. Cuối những năm 1960 một bộ quần áo xanh sĩ lâm là mơ ước của chúng tôi. Từng ngày tôi ra sức chăm lợn và phấp phỏng mừng vui. Hình ảnh con lợn gắn liền với hình ảnh bộ quần áo, mơ ước ngày nào cũng như treo trước mặt.

Mẹ men theo bờ cỏ lầm lụi nhặt những con ốc, con cua núp nơi bờ cỏ bám nơi cây rong bỏ vào giỏ nhỏ, lúc đi làm đồng luôn mang theo. Những con ốc đem về mẹ thường cho vào ang sành cho ăn nước gạo mới cũng là cho ốc nhả hết phần bùn tanh hôi. Cứ chừng ba ngày anh em chúng tôi lại có bữa ốc luộc, thơm hương bưởi, hương sả. Hôm nào xong việc, nghỉ sớm mẹ chỉ cần đi một vòng bờ ruộng thì anh em chúng tôi cầm chắc có bữa canh cua nấu rau vông vang thơm ngon nhớ đời.

Còn đây là ao làng nơi chúng tôi tập bơi, nơi mỗi buổi đi làm về thường xuống rửa chân tay, giặt xà cạp, hay chao cỏ, chao mạ. Xưa sao nhìn nó to lớn. Hình như lúc bé nhìn cái gì cũng thấy to lớn choáng ngợp, lúc lớn lên rồi nó vẫn là chiếc ao ngày xưa nhưng trở nên nhỏ bé.

Ở làng nào cũng có ao làng để trai thanh, gái lịch trêu chọc đùa vui, nơi ấy ngày lại ngày vọng vang tiếng trêu đùa. Lũ con trai chúng tôi còn dùng xẻng phạt trên mặt nước thành một dải nước dài khiến lũ con gái phải chạy tán loạn. Có đứa con gái cũng táo tợn chẳng kém lợi thế có nón múc một nón đầy bất thình lình dội cho đứa đầu đảng một nón nước để rồi ướt như chuột lột. Tiếng cười vui của chúng tôi tan vào ngõ nhỏ, những hàng dừa hàng duối cất giữ âm thanh ấy. Có phải thế không mà hôm nay ngược đường xưa tôi còn nghe văng vẳng tiếng cười trong trẻo của lũ bạn, để bâng khuâng về một thưở dại khờ, thơ ngây.

Ngày lại ngày con đường chiều ấy, hôm nay là con đường tôi đã chọn để thả bộ rèn luyện cho gân cốt thêm săn và để được mỗi ngày sống lại với đường xưa cho kỷ niệm xôn xao trong trí não, âm ấm nơi con tim khi mình đã bước sang tuổi “tri thiên mệnh”.

Bạn bè giờ đã xa vắng, nhạt thưa, bay nhảy nơi trời Nam, bể Bắc, có đứa đã ở tận trời Tây xa tít, neo đậu nơi xứ người. Còn tôi vẫn ở quê, bởi như quê hương đã định danh trong tôi, bởi tôi vẫn muốn gần mẹ như thưở nào để hít hà mùi trầu thơm cay của mẹ, thấy mẹ đã già bên bậc thềm nhai trầu bỏm bẻm vẫn nhận ra con trai và cất lời: Con đấy hả. Chỉ thế thôi, giản đơn mà sao tôi vẫn thấy lo lo, bởi từ tôi mà nhận ra rằng, tuổi già như chiếc lá trước gió giông, như ngọn đèn leo lét đêm đông, gió qua ai biết lá còn giữ được, giông đến đằng đông liệu đèn còn đỏ lửa. Tôi cứ muốn, buổi chiều nào cũng vậy trời đừng mưa, đừng gió dông để tôi lại đi trên đường xưa, xuống với mẹ. Mẹ già của tôi.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]