(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh giá các loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón hóa học. Ngoài giúp giảm chi phí đầu tư, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, phân bón hữu cơ còn có tác dụng cải thiện độ mùn, điều hòa dung dịch đất, đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản...

Giảm chi phí sản xuất nông nghiệp bằng cách nào?

Trong bối cảnh giá các loại vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón hóa học. Ngoài giúp giảm chi phí đầu tư, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, phân bón hữu cơ còn có tác dụng cải thiện độ mùn, điều hòa dung dịch đất, đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản...

Giảm chi phí sản xuất nông nghiệp bằng cách nào?

Dưa Kim Hoàng hậu trong trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Hoan (xã Quảng Hợp) tươi tốt nhờ sử dụng phân bón hữu cơ.

Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không rác thải đã và đang là hướng đi của một số nông trại trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, tạo ra các nông sản an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó phải kể đến nông trại của gia đình anh Trần Văn Thảo, chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn Én Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương).

Sau nhiều năm sinh sống tại châu Âu, anh Trần Văn Thảo, chị Nguyễn Thị Hoan quyết định trở về quê hương để phát triển kinh tế. Đầu năm 2019, gia đình anh đấu thầu gần 2ha đất để xây dựng mô hình tuần hoàn không rác thải. Ban đầu gặp nhiều khó khăn, song với sự cố gắng, nỗ lực, chỉ trong một thời gian ngắn, trang trại Thảo Hoan đã ra đời với hơn 8.000m2 nhà lưới trồng rau và hoa quả. Trang trại gần như không dùng các loại phân bón hóa học. Để tự túc nguồn phân bón cho cây trồng, anh chị đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi lợn, gà và đào ao thả cá. Phần lớn thức ăn chăn nuôi là các phụ phẩm rau, củ, quả trong vườn. Chất thải của vật nuôi được đẩy xuống hệ thống bể kiên cố, trộn thêm các loại men vi sinh. Phân hoai mục trở thành nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng trong trang trại. Bên cạnh đó, anh chị còn xây dựng mô hình nuôi giun quế, với diện tích khu nuôi lên đến 150m2. Thức ăn cho giun cũng được tận dụng từ chính các phụ - phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp tại trang trại. Giun thịt được sử dụng làm thức ăn cho gà, vịt, hoặc chế thành dịch giun. Phân giun và dịch giun là nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho cây trồng. Thời gian gần đây, để mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập, vợ chồng chị Hoan còn nuôi thêm ốc nhồi, xây dựng bể nuôi lươn bằng phương pháp hữu cơ tuần hoàn.

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh trang trại, chị Nguyễn Thị Hoan cho biết: “Mặc dù là trang trại tổng hợp, chăn nuôi lợn, gà nhưng với phương pháp tuần hoàn không rác thải nên không có mùi hôi thối. Đặc biệt, bằng việc sử dụng các loại phân hữu cơ cho cây trồng, tận dụng các phụ - phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp mà chi phí giảm khoảng trên 50% so với sử dụng các loại phân bón hóa học. Cũng nhờ áp dụng phương pháp sản xuất này mà đến nay, trang trại của gia đình chúng tôi luôn là địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng về nông sản sạch”.

Với diện tích sản xuất nông nghiệp lên tới 7ha, nông trại Hương Quê Farm ở thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến (Đông Sơn) cũng là một trong những mô hình tiêu biểu, chuyên cung cấp các loại rau, củ, quả an toàn. Đi vào sản xuất từ năm 2014, đến nay, các sản phẩm nông sản của Hương Quê Farm đã khẳng định được niềm tin với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và đứng vững trên thị trường. Đến năm 2021, Hương Quê Farm đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, gồm bí xanh sơ chế và măng tây xanh, phân phối rộng rãi tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn trong tỉnh.

Quản lý nông trại Hương Quê Farm, anh Thiều Khắc Hạnh cho biết: “Để chủ động được nguồn phân bón hữu cơ cho toàn bộ diện tích sản xuất, nông trại chúng tôi đã đầu tư 6 bể ủ nước và 3 bể ủ phân khô, chủ yếu là phân bò ủ hoai, phân giun quế, phân gà, đạm cá, bón cho các loại rau, củ, quả như: rau ăn lá, bí xanh, dưa vàng, dưa lê, măng tây xanh, lúa. Việc hạn chế tối đa các sản phẩm phân bón hóa học giúp nông trại Hương Quê Farm tiết kiệm được từ 50 - 60% chi phí so với sử dụng các sản phẩm phân bón hóa học. Cùng với đó, để giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả sản xuất, chúng tôi còn đầu tư hệ thống tưới tự động. Nhờ đó, trong những năm qua, nông trại đã cung cấp nhiều loại nông sản đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng với giá cả cạnh tranh trên thị trường”.

Tuy nhiên, theo anh Thiều Khắc Hạnh, để chủ động được nguồn phân bón hữu cơ trong sản xuất nông sản đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó. Với các loại phân hữu cơ, đạm cá cần có thời gian ủ tối thiểu 6 tháng trước khi đưa ra sử dụng. Đặc biệt, việc sản xuất nông sản bằng phương pháp hữu cơ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm mới có thể phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông sản hữu cơ của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, cộng thêm áp lực các loại phân bón hóa học tăng giá mạnh, thì việc giảm chi phí đầu bằng việc sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất được xem như một mệnh lệnh sống còn với người dân tham gia sản xuất nông nhiệp. Đó cũng là cách để tiến hành sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Hoài Anh


Bài và ảnh: Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]