(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một trong hai xã thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/QĐ-TTG ngày 31-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 135), xã Xuân Thái đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển du lịch tạo “đòn bẩy” góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo ở Xuân Thái

Là một trong hai xã thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/QĐ-TTG ngày 31-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 135), xã Xuân Thái đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển du lịch tạo “đòn bẩy” góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo ở Xuân TháiThiếu đất sản xuất, ngoài nuôi một con trâu từ vốn vay chính sách, anh Lô Văn Việt, thôn Đồng Cốc (xã Xuân Thái) phải làm thuê đủ mọi việc.

Cách trung tâm huyện khoảng 20km về phía Tây Nam, men theo những cung đường ngoằn ngoèo, nhiều đoạn dốc, cua khúc khuỷu “rợn tóc gáy”, chúng tôi có mặt tại xã Xuân Thái – một trong hai xã thuộc diện Chương trình 135 khó khăn của huyện miền núi Như Thanh.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân về vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất… Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cơ bản thay đổi đời sống của người dân xã Xuân Thái, bộ mặt nông thôn khởi sắc, hạ tầng cơ sở đầu tư khá đồng bộ. Tuy vậy, người dân nơi đây vẫn chưa thoát cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Xuân Thái hiện có 1.006 hộ với trên 4.063 nhân khẩu, tập trung 3 dân tộc sinh sống (Thái, Mường, Kinh) trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Thiếu đất sản xuất, kinh tế chủ yếu lại dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí của người dân còn thấp, nhiều thôn thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa lũ, nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã còn ở mức cao.

Giảm nghèo ở Xuân TháiỞ thôn Đồng Cốc, chị em phụ nữ do không có việc làm thường xuyên nên thường ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái.

Ông Dương Đình Cương, trưởng thôn Cây Nghia cho biết: Thôn hiện có 125 hộ, 510 nhân khẩu, do nằm trong vùng ngập nước hồ sông Mực, vùng đệm của Vườn quốc gia Bến En, mỗi khi mưa bão, mực nước dâng cao, ruộng lúa, bãi canh tác của người dân hầu như bị ngập lụt. Cuộc sống cứ nơm nớp lo sợ vì nước lũ cuốn trôi, nhiều hộ phải sống chung với nước ngập, sinh hoạt, đi lại vô cùng khó khăn, thậm chí có hộ gia đình phải di dời chờ nước rút mới dám về nhà.

Xuân Thái hiện còn 3 thôn khó khăn là Ba Bái, Quảng Đại, Đồng Cốc. Trong đó, thôn Quảng Đại có 81 hộ với 233 khẩu, 100% là đồng bào Thái khó khăn hơn cả do thiếu đất sản xuất, lại không có điều kiện phát triển thêm các ngành nghề khác.

Ông Hà Văn Nam, trưởng thôn Quảng Đại cho biết: Người dân trong thôn chỉ có 10 ha trồng lúa do dân vỡ đất ở các khu suối để khai hoang, canh tác. Số đất còn lại chủ yếu là đất rừng, đất trồng cây lâu năm. Để mưu sinh, các hộ nuôi vài con trâu, dê xung quanh nhà hoặc lấy măng nứa trên rừng để trang trải cuộc sống.

Nhiều năm nay, gia đình anh Lô Văn Khẩn, thôn Đồng Cốc chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng, do đất lúa rất ít, đất ngô, keo cũng không nhiều, nên cuộc sống của 5 thành viên trong nhà gặp nhiều khó khăn, bế tắc. Theo anh Khẩn, ngoài ít ruộng nương, người dân ở đây còn chăn nuôi vài con trâu, dê nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng.

Giảm nghèo ở Xuân TháiNgười dân xã Xuân Thái tận dụng diện tích canh tác ít ỏi để trồng lúa đảm bảo nguồn lương thực.

Anh Lê Hùng Đinh, Trưởng thôn Đồng Cốc chia sẻ: Trước đây người dân cũng chịu khó chăn nuôi trâu, bò hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn, toàn thôn có 144 hộ, chỉ còn 15 hộ nghèo. Vài năm trở lại đây, do giá cả bấp bênh, một số hộ chỉ nuôi cầm chừng, còn lại trồng keo, ít ruộng nước. Người dân không đến nỗi thiếu đói lúc giáp hạt, nhưng nếu không thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì khó thoát nghèo bền vững, vì đất sản xuất ít, mỗi năm lại bạc màu thêm, nên năng suất kém đi.

Ông Lê Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thái cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2023, đồng thời để người dân vượt khó thoát nghèo, nhất là những khu dân cư vùng cao, về lâu dài, Xuân Thái đang nỗ lực tận dụng tiềm năng, thế mạnh vốn có về vị trí địa lý, thổ nhưỡng để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tận dụng tối đa nguồn lực tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]