(vhds.baothanhhoa.vn) - Được xem là “cánh tay nối dài” của ngành y tế, trong những năm qua, đội ngũ cô đỡ thôn, bản (CĐTB) đã và đang phát huy hết vai trò, năng lực trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ em ở các thôn, bản vùng cao xa xôi, khu vực biên giới. Tuy nhiên, do chế độ trợ cấp ít ỏi, thậm chí không có, công việc lại vất vả, một số CĐTB đang tính bỏ nghề.

Gian nan cô đỡ thôn, bản

Được xem là “cánh tay nối dài” của ngành y tế, trong những năm qua, đội ngũ cô đỡ thôn, bản (CĐTB) đã và đang phát huy hết vai trò, năng lực trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ em ở các thôn, bản vùng cao xa xôi, khu vực biên giới. Tuy nhiên, do chế độ trợ cấp ít ỏi, thậm chí không có, công việc lại vất vả, một số CĐTB đang tính bỏ nghề.

Gian nan cô đỡ thôn, bảnNhờ sự nhiệt tình, năng nổ trong công việc, đội ngũ CĐTB ở các thôn, bản khó khăn, xa xôi đã góp sức giúp các bà mẹ có những kiến thức trong cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh, nuôi con bằng sữa mẹ.

Tâm huyết với nghề...

CĐTB là những phụ nữ được trưởng trạm y tế xã và cán bộ làm công tác sinh đẻ của trạm lựa chọn ở một số thôn, bản khó khăn xa trạm y tế, nơi có tỷ lệ sinh tại nhà cao, tình nguyện tham gia công tác tuyên truyền, vận động, quản lý thai nghén tại thôn, bản... Theo tìm hiểu, thói quen sinh con tại nhà từ lâu đã trở thành tập tục ăn sâu vào nhận thức của một số người dân vùng cao suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân chính là trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, một phần là do các yếu tố về văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi có cô đỡ là người cùng dân tộc sinh sống tại thôn, bản, họ có kiến thức, lại được tập huấn bài bản áp dụng kiến thức đã học, thông thạo ngôn ngữ của dân tộc mình, không quản ngại vất vả, băng rừng, lội suối đến từng nhà, từng hộ dân tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản, tư vấn chăm sóc thai, sinh con ở trạm y tế, đỡ đẻ tại nhà cho các trường hợp không đến trạm y tế kịp..., góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh.

Đối với đồng bào Mông ở bản Ón (xã Tam Chung, huyện Mường Lát) không ai không biết CĐTB Lâu Thị Cho, sinh năm 1991, nhưng đã có 8 năm kinh nghiệm trong nghề. Hằng ngày, ngoài công việc nương rẫy bận rộn, tối đến tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị đến từng hộ gia đình trò chuyện, nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên và hướng dẫn chị em phụ nữ có thai về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, khám thai định kỳ và chăm sóc tốt bản thân. Chị Cho chia sẻ, do đường sá xa xôi, từ trung tâm bản nếu ra đến trạm y tế xã cũng mất gần 17 km, hơn nữa do phong tục tập quán, chị em phụ nữ vẫn còn mang nặng tâm lý đẻ con tại nhà. Trước đây có nhiều trường hợp mang thai gần đến ngày sinh vẫn đi làm rẫy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, tính mạng sản phụ, thai nhi. Trong khi đó, cuộc sống kinh tế khó khăn, nhiều gia đình còn thiếu đói trong mùa giáp hạt nên thai phụ không có điều kiện bồi bổ, chăm sóc bản thân và thai nhi. Nhờ nhiệt tình, tận tâm với nghề, cộng thêm chút kiến thức đã học, chị Cho đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức giúp chị em phụ nữ trong bản bỏ dần hủ tục. Bằng chứng là đến nay, khi có dấu hiệu chuyển dạ, gia đình thai phụ đã chủ động liên hệ cho CĐTB xuống tư vấn rồi đưa đến cơ sở y tế sinh con, chăm sóc.

... đến những nỗi niềm

Trong những năm qua, đội ngũ CĐTB đã có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho sản phụ, trẻ sơ sinh, đỡ đẻ tại nhà cho bà mẹ và trẻ em ở các thôn, bản khó khăn, xa xôi hẻo lánh... Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của đội ngũ CĐTB gặp nhiều khó khăn do một số địa phương không bố trí được nguồn ngân sách để chi trả phụ cấp hoạt động. Một số chuyển đổi sang làm nhiệm vụ của y tế thôn, bản nên được hưởng chế độ từ nguồn ngân sách Nhà nước, số còn lại tham gia dự án Quỹ Thiện Tâm nhưng cũng chỉ được hỗ trợ một phần từ nguồn quỹ hoặc bỏ nghề, tìm kiếm công việc khác với mức thu nhập tốt hơn.

Gian nan cô đỡ thôn, bảnCô đỡ Lâu Thị Cho, bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát tư vấn kiến thức về sức khỏe sinh sản cho chị em trong bản.

Mùa Xuân là 1 trong 2 bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở xã Sơn Thủy (Quan Sơn) cùng với bản Xía Nọi. Do giao thông cách trở, cộng thêm điều kiện canh tác lạc hậu, chủ yếu tự cung tự cấp, trình độ dân trí thấp nên cả bản 100% là hộ nghèo. Hầu hết phụ nữ đều sinh con tại nhà, một số thiếu kiến thức về chăm sóc thai kỳ, chăm sóc trẻ sơ sinh, trong khi đó đường đến trạm y tế lại xa xôi, cả bản chỉ có một CĐTB. Vì vậy, công việc của chị Thao Thị Sua (sinh năm 1996, dân tộc Mông) càng trở nên vất vả hơn bao giờ hết. Chia sẻ về công việc được xem là “làm dâu trăm họ” này, chị Sua cho biết: Ở đây địa bàn rộng, các hộ gia đình không sống tập trung mà rải rác ở các sườn núi. Riêng việc đến từng nhà thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cho chị em cũng hết sức gian nan. Bằng tinh thần giúp đỡ mọi người với tất cả tấm lòng, dù chế độ phụ cấp ít ỏi, CĐTB Thao Thị Sua vẫn không quản ngày đêm, nắng mưa làm tốt việc quản lý phụ nữ mang thai, đỡ đẻ tại nhà, thầm lặng với công việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em...

Ông Lê Quốc Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết: Trong những năm qua, nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống bà con có nhiều thay đổi, công tác chăm sóc sức khỏe cũng được quan tâm. Đặc biệt, ở những thôn, bản xa xôi, khó khăn, vùng biên giới, đội ngũ CĐTB luôn hết mình trong công việc, đồng thời cũng là “cánh tay” nối dài của ngành y tế đến với các bản vùng sâu, vùng xa, đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, CĐTB không còn được hưởng phụ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, khiến đội ngũ CĐTB khó bám trụ với công việc...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]