(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát huy lợi thế với diện tích rừng hiện có 647.107,05ha, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, mang lại hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Giữ màu xanh cho rừng: Khởi sắc kinh tế lâm nghiệp

Phát huy lợi thế với diện tích rừng hiện có 647.107,05ha, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, mang lại hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Giữ màu xanh cho rừng: Khởi sắc kinh tế lâm nghiệpÔng Vũ Quang Tuyến, thôn Eo Bàn, xã Thạch Long (Thạch Thành) chăm sóc rừng trồng của gia đình.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Vũ Quang Tuyến, thôn Eo Bàn, xã Thành Long (Thạch Thành), một trong những hộ nhờ trồng rừng mà cuộc sống đã cải thiện đáng kể. Ông Tuyến cho biết: “Trước đây, cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào nương ngô, nương sắn, mỗi khi giáp hạt phải vất vả đi làm thuê để có tiền mua gạo, nhưng không đủ cho lũ trẻ no bụng. Năm 2012, được cán bộ xã hướng dẫn, gia đình tôi trồng 12ha keo theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Sau 7 năm chăm sóc đến khi thu hoạch, trừ chi phí, gia đình còn lãi 800 triệu đồng, cao gấp đôi trồng rừng theo kiểu truyền thống trước kia. Hiện 12ha cây keo trồng sau thu hoạch vụ đầu đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn cho năng suất, chất lượng cao”.

Cũng như gia đình ông Tuyến, nhiều hộ gia đình ở xã Thành Long nhờ trồng rừng đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Hiện nay, xã Thành Long có 683ha được cấp chứng chỉ rừng trồng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trước đây, việc vận động người dân trồng rừng gặp nhiều khó khăn bởi tâm lý sợ trồng rừng không có lãi, không bán được như trồng sắn, trồng ngô. Những năm gần đây, nhờ trồng rừng nói chung và trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, kết hợp với chăn nuôi, hàng trăm hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thấy được hiệu quả kinh tế của việc trồng rừng, Nhân dân trong xã mạnh dạn đầu tư vốn, mua giống cây có năng suất, chất lượng cao về trồng, tích cực chăm sóc cho cây trồng.

Các xã khác trên địa bàn huyện Thạch Thành đã và đang tập trung huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng mô hình thâm canh rừng sản xuất gỗ theo tiêu chuẩn FSC. Đẩy mạnh giao đất, giao rừng để bảo đảm rừng có chủ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ lâm sản để ổn định đầu ra sản phẩm, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Huyện có 27.666,06ha rừng. Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã phát triển diện tích cây ăn quả, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân tích tụ đất đai, tập trung chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa, mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đẩy mạnh trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Đến nay, huyện đã trồng 15.609,97ha rừng, trong đó, trên 3.300ha trồng theo tiêu chuẩn FSC; phát triển vùng cây ăn quả với tổng diện tích gần 1.300ha, trong đó có hơn 500ha cam, bưởi; có 7.269 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Công tác xã hội hóa lâm nghiệp có chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa nghèo bền vững. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo huyện Thạch Thành giảm xuống còn 5,13%, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,9 triệu/người.

Là địa phương có diện tích đất rừng lớn của tỉnh với 85.402,97ha, những năm gần đây, huyện Quan Hóa đã có nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành lâm nghiệp. Hiện, Quan Hóa có 4.100ha rừng luồng đã phục tráng (trong tổng diện tích có 27.268,6ha rừng luồng), trong đó có 2.369,6ha luồng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC. Ngoài ra, huyện đã thành lập 27 tổ, nhóm nông dân hợp tác phát triển rừng luồng, đã có 2 tổ, nhóm tham gia ký hợp đồng bán luồng trực tiếp cho nhà máy chế biến. Cùng với tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, các cơ sở còn thu mua lâm sản từ các vùng lân cận để chế biến, tạo việc làm, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2020, giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn huyện đạt 335,622 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu là 4,8 triệu USD. Hiện nay, độ che phủ rừng của huyện đạt 84,4%, năm 2020 khai thác được 16,8 triệu cây luồng và 9,6 triệu cọc luồng, 18.000m3 gỗ vườn, gỗ rừng trồng,...

Cùng với Thạch Thành, Quan Hóa, kinh tế lâm nghiệp nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi có những bước khởi sắc, chuyển dần từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội hóa, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Năng suất, chất lượng rừng ngày càng tăng, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh trồng mới 10.380ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng lên 253.743,19ha. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 1.866 tỷ đồng, tăng 374 tỷ đồng so với năm 2015. Rừng tự nhiên giai đoạn 2015 - 2020 tăng trên 9.100ha, trữ lượng gỗ tăng 632.000m3. Toàn tỉnh hiện có 475 cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu gỗ; 86 cơ sở chế biến tre, luồng, nứa, vầu đã tạo việc làm, thu nhập cao cho nhiều lao động nông thôn.

Thực tiễn cho thấy, chủ trương phát triển lâm nghiệp của tỉnh ta trong những năm qua đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, đó là chuyển từ lâm nghiệp truyền thống theo hướng xã hội hóa, chuyển từ khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên là chính, sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Từ đó đã góp phần tích cực trong giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]