(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều làng quê xứ Thanh trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã và đang tiếp tục phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của làng. Trong tâm thức người dân nông thôn, dù cuộc sống hiện đại bao nhiêu, những biểu tượng văn hóa làng vẫn khẳng định giá trị tinh thần to lớn trong mỗi người. Chính vì điều này mà giếng làng, cổng làng đã được khôi phục, tôn tạo trong sự đồng thuận của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân...

Giữ nét làng xưa trong nông thôn mới: Làng lại có cổng

Nhiều làng quê xứ Thanh trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã và đang tiếp tục phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của làng. Trong tâm thức người dân nông thôn, dù cuộc sống hiện đại bao nhiêu, những biểu tượng văn hóa làng vẫn khẳng định giá trị tinh thần to lớn trong mỗi người. Chính vì điều này mà giếng làng, cổng làng đã được khôi phục, tôn tạo trong sự đồng thuận của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân...

Giữ nét làng xưa trong nông thôn mới: Làng lại có cổngLễ cắt băng khánh thành cổng làng Hón. Ảnh: Tư liệu xã Thọ Hải cung cấp

“Nhà có nóc, làng có cổng”. Cổng là ranh giới ước lệ, là bộ mặt, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân trong làng... Trong nông thôn mới (NTM), cổng làng chủ yếu được xây mới trên nền tích cũ. Tùy thuộc vào điều kiện kinh phí, quỹ đất mà cổng làng được xây to hay nhỏ, đơn giản hay cầu kỳ...

Sau 3 tháng khởi công xây dựng (từ tháng 11-2020 đến tháng 1-2021), cổng làng Hón thuộc 2 thôn Hải Thành, Hải Mậu của xã Thọ Hải (Thọ Xuân) chính thức đưa vào sử dụng. Đến thời điểm này, đây là một trong những chiếc cổng làng lớn nhất của huyện Thọ Xuân với chiều cao và rộng đều trên 10m.

Cổng làng Hón được xây theo lối tam quan với 1 lối đi chính, 2 lối phụ, giả 3 mái, lợp ngói âm dương. Tổng kinh phí xây cổng trên 300 triệu đồng với sự đóng góp của cán bộ xã Thọ Hải và Nhân dân thôn Hải Mậu, Hải Thành, cùng con em địa phương xa quê.

Từ nay làng lại có cổng. Đó là điều mong đợi từ lâu của người dân làng Hón, khi trước đây làng cũng có cổng cùng với cây đa, giếng nước, sân đình nhưng qua biến cố thời gian chỉ còn dấu tích. Xây dựng NTM là cơ hội để làng khôi phục lại nét văn hóa xưa. Nhắc đến cổng làng, lúc này Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thọ Hải Mai Đình Cường vừa trầm ngâm nhưng không khỏi phấn chấn: “Điều mừng nhất, những biểu tượng văn hóa làng được khôi phục đều thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân làng Hón. Nếu không có sự đồng thuận thì những giá trị cũ khó được hồi sinh. Khi 2 thôn Hải Thành, Hải Mậu đề xuất thì cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhất trí cao. Cán bộ xã ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất. Và rồi không chỉ cổng làng mà giếng làng Hón cũng được khôi phục, bà con cũng đã trồng lại cây đa... Thực sự mà nói, bức tranh NTM ở làng quê sẽ không đẹp và để lại một khoảng trống nếu thiếu đi nét văn hóa truyền thống ấy”.

Cổng làng hôm nay, để khôi phục, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, là kinh phí, quỹ đất, không phải muốn xây to, xây đẹp là được. Đấy cũng là điều dễ hiểu khi trở về xóm Ngõ Ngươi, thôn 4 (làng Đông) thuộc xã Xuân Trường (Thọ Xuân) khi cổng làng ở đây chỉ rộng 5,4m, cao 3,69m với tổng kinh phí xây dựng hơn 70 triệu đồng.

Cổng làng Đông, chỉ 1 lối đi chính, giả 2 mái, mặt trước và mặt sau trụ cổng đều có câu đối bằng chữ Hán Việt, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cũng như mong ước sự bình yên, no đủ của những người con làng Đông. Cổng khánh thành vào tháng 11-2021. Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Côi, một công dân của làng Đông, trong quá trình đi vận động xây dựng cổng làng, nguồn kinh phí đóng góp của Nhân dân còn nhiều hơn cả kinh phí xây cổng. Ông cho biết: “Ý tưởng làm cổng thì cách đây lâu rồi vì thực tế trước đây, làng làm gì có cổng, chỉ có 2 cột xây vuông. Xây dựng NTM là điều kiện thuận lợi để biến ý tưởng thành hiện thực. Lúc đầu, chúng tôi cũng mạnh dạn đi vận động bà con, nếu sự đồng thuận cao thì mới tiến hành xây cổng, nhưng bất ngờ, sau này, kinh phí xây cổng còn thấp hơn cả nguồn đóng góp của bà con. Có cổng, ai cũng mừng vui, vừa thân thương, gắn bó. Ai xa quê, về đến cổng làng là biết đã về đến nhà”.

Ông Côi cho biết thêm, trong quá trình xây cổng, thiết kế đôi khi không phù hợp ở một số hạng mục nên phải có sự điều chỉnh, như mái cổng theo thiết kế được trang trí biểu tượng “rồng chầu mặt nguyệt”, nhưng biểu tượng này chỉ hợp với các mái đình, chùa và vì vậy, phải thay bằng biểu tượng chim phụng. Cũng do diện tích đất hẹp nên cổng làng Đông không xây được tam quan mà chỉ có cổng chính...

Giữ nét làng xưa trong nông thôn mới: Làng lại có cổngCổng làng Lê Hương, xã Quảng Lộc đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: VIỆT ANH

Tương tự, cổng làng Lê Hương thuộc thôn Lê Hương, xã Quảng Lộc (Quảng Xương), khi thiết kế lại không tính đến đường điện cao thế, vì vậy mới đây, khi xây dựng phải khắc phục bằng cách di dời cột điện.

Cổng làng Lê Hương cũng rất đặc biệt. 60 năm về trước, làng Lê Hương đã có cổng nhưng do chiến tranh nên chỉ còn dấu tích. 43 năm sau, tức vào năm 2003, lần đầu tiên cổng được khôi phục. Khi đó, cổng xây rất đơn giản chỉ 4 cột đơn, không mái, rộng 5m. Năm 2021, khi Quảng Lộc bắt tay xây dựng xã NTM nâng cao, để phù hợp với không gian quy hoạch, phát triển hệ thống đường giao thông nên cổng làng Lê Hương phải tháo dỡ. Cho đến năm 2022, một lần nữa, cổng lại được khôi phục. Lần này, cổng xây dựng với chiều rộng 9,5m, cao trên 10m. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4 này.

“Càng NTM thì càng phải phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Cổng làng lại là một trong những biểu tượng của văn hóa làng, gắn liền với tâm thức dân gian... Do vậy, trong khôi phục, đối với kiến trúc, chúng tôi luôn hướng đến tiêu chí “bán cổ bán kim”, có nghĩa vẫn giữ nét truyền thống nhưng vẫn hiện đại, phù hợp với sự phát triển, phù hợp với nhãn quan và thiết kế tổng thể của địa phương”, chia sẻ của ông Nguyễn Thế Định, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Lê Hương.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]